“Có lẽ người ngu nhất chính là “người” chọn nghề làm giám khảo. Có phải mình chấm thí sinh đâu, khán giả đang chấm mình đấy chứ…”, nhạc sĩ của "Hà Nội những năm 2000" chia sẻ sau 2 đêm ngồi “ghế nóng” ở chương trình "Bước nhảy hoàn vũ".

Trần Tiến: BNHV mà đuổi, tôi sướng quá!
Thất vọng vì… tưởng tượng về nhạc sĩ Trần Tiến?

Khán giả sốc vì phát ngôn của Trần Tiến

Vũ Thu Phương lộ hẳn vòng 3 trên sân khấu

Thanh Thúy "lột xác" bất ngờ, quá sexy!


Nhạc sĩ Trần Tiến
* Là giám khảo của một chương trình được truyền hình trực tiếp, ông có phải đắn đo trước khi nói?


Tôi không có thói quen đắn đo. Tính tôi có gì nói thế, trừ điều quan trọng nhất là không được “nói bậy”. Có người cự nự tôi sao cứ nói từ “mông” trên truyền hình. Cha cha cha là điệu nhảy cuồng nhiệt dành cho những phụ nữ có vòng ba gợi cảm. Mà chỉ người có vòng ba gợi cảm mới có thể tôn vinh được vẻ đẹp của điệu nhảy này.

Kỹ thuật của Cha cha cha là sự hài hòa của đôi nhảy đầy cuồng nhiệt và lãng mạn. Khi nhận lời làm giám khảo Bước nhảy hoàn vũ, tôi phải nghiên cứu lịch sử các điệu múa một cách ghê gớm, kể cả những chi tiết như xương hông đôi bạn nhảy của điệu Valse phải dính với nhau, nhưng ở bên dưới không được dính, rồi đầu phải nghiêng như thế nào... Phải học cấp tốc để biết mà nói dù nhiệm vụ của tôi là chấm về cảm xúc âm nhạc và cái đẹp.

* Sau hai đêm Bước nhảy hoàn vũ, nếu tự chấm điểm cho mình, ông sẽ cho mình mấy điểm?

Làm sao tôi có thể chấm điểm cho mình được!!!

* Ông đã nghe dư luận “chấm” mình chưa?

Tôi không để ý đến điều đó. Chắc người ta bảo tôi cóc biết gì mà nói chứ gì. Nếu họ nói thế thì tôi sẽ nói điều của con cóc... (cười)...

* Vì sao ông quyết định nhận lời làm giám khảo của chương trình vào phút chót?

Bình thường, tôi cũng không để người ta vớ lấy tôi đâu, vì tôi không thích làm giám khảo. Tôi từng ngửa mặt lên trời mà thề rằng không bao giờ làm giám khảo. Tại vì, hồi đi chấm thi tiếng hát truyền hình, tôi cũng từng phải ngồi giơ cái bảng điểm lên, “nếm mùi” giám khảo đủ rồi. Có lẽ “thằng” ngu nhất chính là “thằng” chọn nghề làm giám khảo. Có phải mình chấm thí sinh đâu mà khán giả chấm mình đấy chứ.

Nhưng vì tôi có chút thâm tình với giám đốc Công ty Cát Tiên Sa nên tôi nhận lời. Mà hấp dẫn hơn, nhân dịp này tôi còn được về quê không mất tiền. Ở đây, đã có một chút trục lợi nho nhỏ... Thế là “nghiến răng” làm giám khảo.

Chỉ là cuộc chơi mà thôi. Nếu chơi hỏng thì chơi lại

* Với những nhận xét dành cho Lê Cát Trọng Lý ở Lễ trao giải Cống hiến 2010, ông tiếp tục bị xem là một người khó tính?

Tôi bảo Lý rằng: Cô là nhạc sĩ hay của giới ca sĩ và cô là một ca sĩ hay của giới nhạc sĩ. Thế thôi. Tôi đâu phải một bà cô già không chồng khó tính. Tôi không chê theo kiểu chuyên môn, mà chỉ vui để động viên thôi. Để họ thấy mọi thứ không có gì quan trọng cả. Đó chỉ là cuộc chơi mà thôi. Nếu chơi hỏng thì chơi lại.

* Đó có phải quan điểm sống của ông không?

Trong cuộc sống, tôi quan niệm, hãy sống tốt hơn những điều mình mong đợi. Nếu không sống tốt hơn được thì có sao đâu. Hãy luôn cố gắng ngày hôm nay sống tốt hơn ngày hôm qua. Thế thôi.

* “Nếu không sống tốt hơn được thì có sao đâu” – có vẻ dễ dãi nhỉ?


Không hề. Tôi luôn tự bảo mình, hãy sống tốt hơn ngày hôm qua. Còn đường dài thế nào là do trời. Sự cố gắng của con người có hạn, thế giới là mênh mông. Làm sao mà vượt hết được biển. Như Bob Dylan cũng không thể vượt được biển. Ông ta vẫn phải chìm trong biển âm nhạc. Ông ta từng phát khùng lên vì bọn trẻ. Ông ta phát biểu, tôi không thể tưởng tượng lại có thứ âm nhạc không melody, nhạc chỉ nói, chỉ có tiết tấu.

Thế giới không tốt hơn, thậm chí còn tồi hơn trước. Nhưng nó là thế. Anh phải chấp nhận. Tôi bất ngờ khi Bob Dylan trở lại sân khấu, sang tận Việt Nam nhưng tôi không thích xem nữa, dù tôi và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trước kia từng thần tượng Bob Dylan. Việc qua đi, thì để nó qua đi, làm gì phải cố lấy lại chút hào quang đã mất.

Một số người soi vào nhận xét của nhạc sĩ Trần Tiến về màn nhảy của Vũ Thu Phương để chỉ trích ông là phát biểu "kinh dị'"
* Sao ông lại không thích xem Bob Dylan?


Mỗi giá trị cũng có thời của nó. Người tài giỏi là người biết đứng lại đúng lúc để giữ lại giá trị của mình. Đến giờ ông ta còn lang thang đi hát khắp nơi, để tri ân khán giả như lời ông ta nói. Nhưng thực ra, ông ta buồn - nỗi buồn của tuổi già. Yesenin đến lúc dừng, vì sống không có gì là mới, chết không có gì mới hơn và ông ta tự tử. Mayakovsky cũng tự tử... Yesenin nếu sống lại mà đọc thơ ở Việt Nam, thì ôi thôi, thật là không thể tưởng tượng được...

Giống như Trần Tiến, không có gì mới mà lên ngồi ghế giám khảo, mặt khó đăm đăm, nói những câu nghiêm túc vớ vẩn thì ai còn thích Trần Tiến nữa?

* Nói về Bob Dylan, về Yesenin... trong đó có bao nhiêu phần trăm là tự thú của Trần Tiến?

Tôi không có máy tính nên chưa tính được là bao nhiêu phần trăm (cười lớn).

Tôi ghét sự đứng đắn nghiêm túc

* Cảm giác của nhạc sĩ "Hà Nội những năm 2000" khi trở lại quê hương?

Quê thì bao giờ chả đẹp, nhưng không đẹp bằng ngày xưa. Tôi không giận hờn gì về điều đó, vì cuộc sống là thế. Không nên cố lấy lại quá khứ làm gì.

* Hà Nội có còn mang tới cho ông cảm hứng sáng tác?


Lúc nào cũng là đề tài để viết, nhưng viết gì mới là quan trọng. Xấu cũng là cảm xúc, đẹp cũng là cảm xúc, quan trọng có biết cảm nhận không.

* Thế người đàn ông Trần Tiến trong cuộc sống là...

Trong cuộc sống, tôi thích nói chuyện để mọi người vui cười. Tôi ghét sự đứng đắn, nghiêm túc. Có lẽ, đó là sự đứng đắn nhất trong những sự đứng đắn của người hiểu biết. Những người đứng đắn luôn sống lè phè, như không có gì quan trọng. Tôi thích ăn ngon, ăn cái gì lạ. Tôi có người tình “sứa”, người tình “bánh cuốn Thanh Trì”, người tình “bánh đúc nộm”... Tôi gọi là người tình mà toàn là những người tình 80, 60 tuổi rồi. Đó là những người tình đi qua dạ dày chứ không phải đi qua đời tôi.

* Còn những người tình đi qua đời?


Không, tôi không có những người tình như thế đâu.
 
Theo TT&VH Online