- Tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Phạm Xuân Hiếu tiếp tục là món ăn tinh thần thú vị trên kệ văn chương khi khai thác đề tài về thế giới cổ vật, mà ông vừa là người sưu tập và am hiểu trong suốt nhiều năm.

Ông cầm bút viết văn vào lúc tóc đã điểm bạc. Giới văn chương bắt đầu biết đến ông qua dăm truyện ngắn đăng báo, và một lần ông giới thiệu mình một cách đầy đủ qua tập truyện ngắn Người đàn bà và chiếc chén bạc, do NXB Hội nhà văn in năm 2010. Nhưng trước đó, ông đã gây chú ý bằng những bài viết, tản văn về phong trào chơi cổ vật từ góc nhìn của người trong cuộc.

{keywords}
Tập truyện ngắn "Cây đèn gia bảo" của nhà văn Phạm Xuân Hiếu.

Lần trở lại này, bằng truyện ngắn mới nhất "Cây đèn gia bảo", nói theo cách nào đó đã làm sâu đậm thêm mối duyên muộn của ông với văn chương. 14 truyện ngắn vừa vặn trong dung lượng nhỏ gọn của gần 250 trang nhưng là những bước đi xa hơn của ông trên con đường gánh thế giới cổ vật đi vào văn chương bằng tất cả những am hiểu, vốn sống của mình sau hơn 40 năm sống với niềm đam mê cổ vật.

Ông sinh ở Nam Định, trong một gia đình có bốn anh em trai đều đi bộ đội, hai người em hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, một người em hi sinh trên biên giới Việt - Trung. Riêng ông tham gia binh chủng phòng không, băng qua những tọa độ khốc liệt của cuộc chiến, đối diện với tất cả những mất mát để tìm thấy sức mạnh vượt lên.

Trong tất cả bom lửa mà ông đi qua, ông thường bị thu hút bởi những đồ vật nhỏ bé thì thầm với ông tiếng vọng từ quá khứ, dù chúng còn vẹn nguyên hay đã tan tành, nằm vô danh và câm nín giữa đống hỗn độn đổ nát. Khi xuất ngũ trở lại cuộc sống đời thường, ông về làm việc trong ngành xây dựng, lại có cơ hội phát hiện nhiều cổ vật từ lòng đất. Khi ấy giá trị của đồ cổ còn rất ít ai biết tới, những chum, bát, đĩa có từ hàng trăm năm được nông dân tình cờ phát hiện dưới lòng đất trong mắt họ kém giá trị hơn... gốm sứ Hải Dương mới ra lò.       

Vốn sống phong phú từ một địa hạt chuyên biệt - vốn không dễ dàng cho những cây bút chuyên nghiệp tiếp cận để tìm tòi, khám phá - được ông chuyển vào những trang viết, đi từ thể loại tản văn tới truyện ngắn, từ hiện thực tới pha trộn hư cấu. Nếu dùng ngòi bút chỉ để khoe sự hiểu biết trong một lĩnh vực, thì có lẽ những trang viết của ông đơn thuần là tài liệu tốt cho các nhà nghiên cứu.

Nhưng điều mà Hiếu "đồ cổ", trong tư cách một nhà văn, đã làm được là đưa vốn sống, sự chiêm nghiệm của một đời vào trong những câu chuyện có nội dung hấp dẫn, cấu trúc thắt mở dẫn dắt người đọc. Đi từ điểm nhìn hiện tại mở rộng về hậu cảnh với những phận người, những câu chuyện bị lãng quên, ông đem lại nhiều lớp ý nghĩa mới cho những đồ vật tưởng chừng như thuần túy giá trị vật chất, trong con mắt của những kẻ hám lợi. Câu chuyện về giới săn tìm và kinh doanh đồ cổ lại cũng là câu chuyện về lẽ nhân sinh có tầm phổ quát.

Chẳng hạn như trong truyện ngắn có tên được lấy làm tiêu đề của cuốn sách "Cây đèn gia bảo", ông kể lại câu chuyện xoay quanh cây đèn dầu là cổ vật gia bảo bị thất lạc của một dòng họ quý tộc bên Pháp, được một nghệ sĩ sân khấu người Việt tình cờ mua về VN. Hành trình tìm lại cây đèn mở ra câu chuyện quá khứ về một mối tình cảm động giữa một tiểu thư và một người nô lệ.

Tất nhiên, Phạm Xuân Hiếu không chỉ viết về đồ cổ. Ông cũng mở rộng sự quan tâm của mình sang những đề tài khác như tình yêu, thân phận hay những cảnh đời vật lộn mưu sinh. Dù văn phong có sự gân guốc, kém mượt mà của một người bắt đầu viết văn khá muộn, nhưng không vì thế mà những câu chuyện của ông kém đi sức hấp dẫn. Bởi chính vẻ thô mộc ấy lại dường như là tác động chính làm hiển lộ một đời sống rất thật, trần trụi và không cố gắng hoa mỹ.

Minh Chánh