- "Chào các bạn. Tôi đến đây lần đầu, bằng tình yêu với Hà Nội và với âm nhạc", nghệ sĩ dương cầm danh tiếng người Pháp Richard Clayderman nói trong buổi họp báo sau chuyến bay dài 12 tiếng tới Việt Nam.
Cuộc họp báo vào sáng ngày 22/8 tại khách sạn Metropole Hà Nội diễn ra chậm hơn một giờ so với dự kiến. Ông đột ngột bước nhanh vào phòng họp báo, gây bất ngờ cho hơn 100 phóng viên đang chờ đợi. Trong chiếc áo thun, quần jeans, một chiếc áo mỏng quàng quanh cổ, nhìn ông như đang trong một chuyến dã ngoại.
Khác với hình dung của nhiều người về vẻ đạo mạo, nghiêm túc của những người chơi dương cầm, phong thái nhanh nhẹn, tự nhiên kiểu Pháp khiến ông tạo cảm giác thân mật, gần gũi trong cuộc trò chuyện.
Richard Clayderman tại buổi họp báo trưa 22/8. |
Ông được nói là người có tính rụt rè, dễ xấu hổ, nhưng có vẻ như sự nghiệp trình diễn dài hơn 30 năm với hàng trăm chuyến lưu diễn thế giới đã giúp ông dễ dàng có được sự tự nhiên giữa chốn đông người và xa lạ. Cũng như ông trả lời rất nhanh, ngắn gọn và trôi chảy nhiều câu hỏi khó của phóng viên. Dưới đây là nội dung hỏi đáp VietNamNet ghi tại buổi họp báo:
- Ông chơi dương cầm từ khi 10 tuổi và hôm nay ông đã ngoài 60, có điều gì khác trong cảm xúc qua từng quãng thời gian?
- Mỗi lần chơi dương cầm tôi đều có những cảm xúc khác nhau. Khi chạm vào phím đàn, tôi lại muốn mình chơi hay hơn, hay hơn nữa, để được mọi người yêu mến.
- Được biết thời trẻ ông từng có thời gian bỏ chơi dương cầm, phải làm thêm ở ngân hàng để kiếm sống. Làm thế nào ông thực hiện được ước mơ của mình?
Tôi có niềm đam mê rất lớn với âm nhạc. Tôi lập gia đình từ rất sớm, nên phải làm thêm công việc ở ngân hàng hay chơi nhạc ở các câu lạc bộ để có tiền nuôi gia đình và mua nhạc cụ. Những nỗ lực đưa tôi đến gần với ước mơ của mình.
- Nghe đồn ông là người luôn giữ sức khỏe và không uống rượu?
- Trong mỗi chuyến lưu diễn, tôi đều đi nhiều nơi qua nhiều nước khác nhau. Tôi buộc phải giữ sức khỏe, không uống rượu và hút thuốc, để có thể chơi nhạc hay. Việc giữ sức khỏe của tôi không chỉ là dành cho hai tiếng trên sân khấu, mà còn là chuyện di chuyển, tập luyện với ban nhạc và cuộc sống gia đình.
- Ông từng được khen tặng là "hoàng tử lãng mạn" trên sân khấu, nhưng lãng mạn có phải là một tính cách của ông không?
- Tôi nghĩ tôi là người lãng mạn. Khi chơi đàn, tôi đặt tất cả tâm hồn mình vào trong bản nhạc. Ngày xưa tôi chơi nhạc lãng mạn, nhưng bây giờ tôi cũng chơi những gì hiện đại.
- Có phải từng có hai lần chuyện đời tư chen ngang làm gián đoạn sự nghiệp của ông?
- Tôi nghĩ là không. Có thể khi tôi không được chào đón ở nơi này, tôi lại được chào đón ở nơi khác. Cứ như thế trong suốt hơn 30 năm qua, tôi đã dành trọn vẹn cuộc đời cho âm nhạc.
- Là người đàn ông thường xuyên vắng nhà, theo ông, là thú vị hay rủi ro?
- Vợ tôi tất nhiên cũng rất buồn, nhưng bà ấy cũng là một nghệ sĩ (chơi vĩ cầm) nên rất thông cảm cho tôi. Trong những chuyến lưu diễn, nhiều lúc tôi cô đơn lắm. Nhưng bù lại, nó làm cho cuộc trở về nhà của tôi luôn cảm thấy ấm cúng hơn.
- Khi buồn, người ta thường nghe nhạc của ông. Còn khi buồn, ông thường nghe nhạc của ai?
- Bình thường tôi nghe rất nhiều thể loại âm nhạc. Khi đến Việt Nam, tôi hi vọng có dịp nghe các nghệ sĩ ở đây trình diễn, tôi sẽ nhờ người dịch nó ra cho tôi hiểu được họ đang hát gì.
- Ông có một "nàng thơ" hay "nữ thần nghệ thuật" trong sự nghiệp chơi đàn của mình?
- Đối với tôi, "nữ thần nghệ thuật" ấy là người thầy đầu tiên đã dạy cho tôi chơi những bản nhạc cổ điển. Sau này đi lưu diễn, khán giả khắp từ Âu sang Á lại chính là những người khơi cảm hứng cho tôi.
- Ông sẽ dành điều gì đặc biệt cho khán giả trong buổi trình diễn của ông ở Hà Nội?
- Thật lòng mà nói tôi đến đây không có gì đặc biệt hơn. Nhưng tôi sẽ cố gắng thu thập âm nhạc ở đây để về nghe, hi vọng lần sau trở lại, có gì đó dành tặng các bạn. Tôi cũng hi vọng ngày mai tôi sẽ có buổi trình diễn thành công.
Cuộc họp báo kết thúc sau khoảng 45 phút diễn ra do phía nghệ sĩ yêu cầu giới hạn câu hỏi phỏng vấn để ông được nghỉ ngơi và dành thời gian tập luyện trước đêm diễn. Buổi tập với ban nhạc của ông cũng được giữ bí mật để ông không bị quấy rầy, cũng như đảm bảo không có ghi hình hay ghi âm tại buổi tập này.
Xuất hiện tại buổi họp báo còn có ông bầu Olivier Toussaint, người cùng với bạn mình là Paul de Senneville đã hợp sức làm nên tên tuổi của nghệ sĩ dương cầm Clayderman. Trước câu hỏi ông có đang làm "marketing" hay thương mại hóa tên tuổi của Richard Clayderman bằng những "bản nhạc thang máy" (phổ biến nơi công cộng) hay không, ông nói: "Thật ra chúng tôi chỉ tập trung làm nhạc, không có thời gian để bận tâm đến chuyện đó lắm". |
Khải Trí
Ảnh: Nick M