Nghe tin ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng sắp hát nhạc giao hưởng, nhiều nhạc sĩ nhắn anh nên từ bỏ ý định, kẻo “đá nhầm sân” dễ phản tác dụng.


Theo nhiều người trong nghề, chất giọng của Đàm Vĩnh Hưng thuộc dòng nhạc “sến” và trữ tình và quả thực, anh đã chinh phục được đông đảo khán giả của mình với dòng nhạc này. Nhưng nếu Mr Đàm hát nhạc thính phòng cùng dàn nhạc giao hưởng, có thể anh sẽ thất bại.

Dám dấn thân

Hát nhạc thính phòng thời gian gần đây trở thành sự lựa chọn của một số ca sĩ trong việc làm mới mình. Tuy nhiên, hiệu quả họ đạt được ở những mức độ rất khác nhau.

Tiêu biểu là Đức Tuấn, sau khi phát hành album, anh còn tổ chức một đêm nhạc Music of the night cùng giọng nữ opera nổi tiếng của Canada là Genevieve Charest và nhạc trưởng người Anh Paul Bateman.

Mỹ Lệ là một trong số ít ca sĩ thành công khi chuyển sang hát nhạc thính phòng. Ảnh: X.N

Nữ ca sĩ Mỹ Lệ là một trong số ít ca sĩ khá thành công với hướng đi này. Vốn được đào tạo kĩ lưỡng về hát thính phòng, nhạc kịch, nhưng Mỹ Lệ lại chuyển hướng sang hát nhạc trẻ. Mãi đến năm 2009, sau một thời gian dài tập luyện và chuẩn bị, chị mới làm đêm nhạc Mỹ Lệ Symphony. Thực ra, đây là một sự “trở về” của cô, bởi vậy, giọng nữ cao này đã chinh phục được khán giả với giọng ca khỏe khoắn, làn hơi đầy đặn và kĩ thuật thanh nhạc tương đối hoàn chỉnh, nhất là khi cô hát những tác phẩm sở trường The Phantom of the opera, Habanera…

Mạnh dạn hơn, mới đây, tại phòng trà We, một số ca sĩ như Đoan Trang, Lê Hiếu, Nguyên Thảo, Ygaria… đã tham gia vào vở nhạc kịch Thằng gù nhà thờ Đức bà, phiên bản tiếng Việt của Notre Dame De Paris. Tuy nhiên, những nỗ lực này có được công chúng đón nhận hay không thì mọi việc vẫn ở thì tương lai.

Khích lệ các ca sĩ trẻ dám dấn thân, nhạc sĩ Đức Trịnh bày tỏ: “Nếu ca sĩ nào có giọng tốt mà muốn theo đuổi dòng nhạc này là điều đáng mừng, bởi việc tập luyện và trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng sẽ giúp họ phát triển được tư duy tổng thể. Trước đây có thể hiểu biết của họ chỉ như đánh du kích thôi, thì bây giờ nâng lên thành chính quy hiện đại”. Cũng theo nhạc sĩ này, dàn nhạc giao hưởng có rất nhiều ưu điểm và hát cùng dàn nhạc là điều các ca sĩ nên hướng tới để ngày càng trở nên chuyên nghiệp.

Cẩn thận kẻo xôi hỏng bỏng không!

Tập luyện công phu, dàn dựng chương trình cũng kĩ lưỡng, vậy nhưng, Đức Tuấn cũng chỉ được đánh giá cao ở sự nỗ lực, can đảm với vai trò tiên phong ở hướng đi này, còn giọng ca của anh ở thể loại vẫn là điều đáng bàn. Đặc biệt, khi đặt cạnh giọng ca opera Genevieve Charest, những nhược điểm của Đức Tuấn càng lộ rõ.

Nhiều nhạc sĩ nhắn Đàm Vĩnh Hừng đừng hát giao hưởng.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc nhận xét: “Đức Tuấn hát khá tệ! Anh nhạc nhẹ tốt hơn là hát nhạc giao hưởng”, ông nói và cho rằng nam ca sĩ này phải còn phải tập luyện nhiều. Với thông tin Đàm Vĩnh Hưng định chuyển hướng, ông cũng bình luận: Ca sĩ hát nhạc “sến” hay chưa chắc đã hát được opera và người hát opera hay chưa chắc hát nhạc “sến” đã có nhiều khán giả.

Theo nhạc sĩ này, ca sĩ dòng nhạc nhẹ chuyển sang hát nhạc giao hưởng là điều đáng quý, nhưng không phải muốn là được. “Nhiều người không hiểu biết gì về giao hưởng, không có kinh nghiệm nên tưởng dễ. Nếu cố hát chỉ là cái vỏ bề ngoài. Dòng nhạc này đòi hỏi phải học hành bài bản, phải qua một quá trình trải nghiệm, thẩm thấu”, ông nói.

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc đồng tình với việc đốt cháy giai đoạn hoặc “thử” với dòng nhạc này là không thể, vì nghệ thuật, nhất là nhạc giao hưởng đòi hỏi tài năng và lao động thực sự. “Giống như một cái cây, chẳng hạn phải một năm mới đơm hoa kết trái, thì không thể đòi hỏi sau một tháng mà đã có quả chín để thu hoạch”.

Theo Đất Việt