- Nhiều ý kiến lên tiếng cảnh báo về dòng chảy ồ ạt của tiểu thuyết mô tả chuyện nhục tình, thân xác ở mức độ "ngượng chín người".

Mô tả nhục tình, xét từ kỹ thuật đến nội dung, chưa bao giờ là câu chuyện xa lạ của thế giới văn chương nhất là trong bối cảnh văn chương Việt có nhiều phân hóa về xu hướng, bên cạnh nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật vẫn kiên trì đeo bám các chủ đề truyền thống, nhiều tác phẩm - tác giả bắt đầu đi sâu vào khai thác những "vùng tối" nằm ngay trong bản năng của con người.

{keywords}
Một số tiểu thuyết, tạp văn, truyện ngắn đề cập chuyện tình dục thời gian qua.

Thám hiểm miền "nghịch dị"

Nhà văn Bùi Việt Thắng cho rằng Một thế giới không có đàn bà (năm 2000) của Bùi Anh Tấn có thể xem là cuốn tiểu thuyết đầu tiên "hot" nhất, khai thông cho dòng tiểu thuyết khai thác chuyện nhục tình ở thập niên đầu thế kỷ 19. Tiểu thuyết này mở đầu bằng cái chết của một nhà khoa học uy tín và sống độc thân.

Điều tra viên Thành Trung nhập cuộc vào vụ án liên quan đến người đồng tính nam này và phát hiện bản thân anh cũng có những cảm giác không thể giải thích nổi nếu như không muốn nói là thích thú với điều đó. "Bởi vì chúng ta không là ai cả, không giống ai cả. Đấy là điều bất hạnh mà chúng ta không hề tự chọn lựa cho mình điều ấy...". Trường hợp của ông được nhà văn Bùi Việt Thắng gọi là thám hiểm miền "nghịch dị", ở đây là giới đồng tính nam.

Kể từ đó đến nay, dòng tiểu thuyết này "tuôn trào" ngày một mạnh mẽ hơn với sự đóng góp của nhiều thế hệ cầm viết, đến từ nhiều vùng khác nhau trên cả nước. Có thể kể tới: Gái điếmLạc giới (tức Điếm trai), Thoát y dưới trăngTiểu thuyết đàn bàThể xác lưu lạcBờ xámThân xácNhật ký son môiABCD, Sex trong cô đơn... Dòng chảy của chúng nhìn chung ở mạch ngầm nhưng tiềm ẩn và rất dễ tuôn trào thành sóng nổi vì các tranh cãi và biện pháp của cơ quan quản lý.

Trong đó, "cú nổ" đầu tiên và lớn nhất hẳn phải thuộc về trường hợp Sợi xích. Tiểu thuyết in co chữ lớn, dày chỉ chừng 200 trang, được Lê Kiều Như tung ra thị trường tháng 3/2010. Nội dung mô tả tình dục cộng hình ảnh gợi cảm của tác giả trong buổi họp báo đã khiến truyền thông, giới phê bình và người đọc một phen ồn ào sau đó, dẫn tới quyết định thu hồi của cơ quan quản lý.

Cuốn này kể chuyện một cô gái được mô tả như "nô lệ thời hiện đại" vì người chồng do quá yêu và hay ghen tuông nên đã... khóa chặt cô bằng một sợi xích. Trong căn buồng hạnh phúc, anh ta hành xác vợ bằng những cách thể hiện tình cảm quái đản.

Ngạc nhiên từ các tên tuổi cũ

Vài tháng sau, thị trường sách lại một lần nữa nóng lên với tiểu thuyết Dại tình của Bùi Bình Thi. Tiểu thuyết này mô tả lần lượt chuyện ngoại tình của những người phụ nữ từng đi qua chiến tranh, thành đạt trong cuộc sống đổi mới nhưng khỏa lấp được sự trống rỗng trong tâm hồn và khát khao hạnh phúc. Họ bắt đầu đi tìm khoái lạc thân xác với "những gã trai tơ" như cách giải phóng bản thân.

Nội dung mô tả chuyện chăn gối trần trụi kiểu "... cánh trai tơ họ càng thở dốc bao nhiêu lại càng hăng bấy nhiêu và càng hăng bao nhiêu lại càng dai bấy nhiêu...”, khiến dư luận lên tiếng, buộc NXB Phụ Nữ - nơi ấn hành cuốn sách phải ra lệnh thu hồi lại những bản đang bày bán trên thị trường.

{keywords}
Lê Kiều Như trong buổi họp báo ra mắt Sợi xích.

Trước đó, giới văn chương cũng một phen ngạc nhiên khi nhà văn nổi tiếng Nguyễn Huy Thiệp tung ra liên tiếp hai tiểu thuyết "sặc mùi thị trường": Tiểu long nữ (2006) và Gạ tình lấy điểm (2007). Cả hai không nằm ngoài chuyện khai thác tình dục trong mối tương quan với sự xuống cấp đạo đức trong nhiều vụ việc thời sự nóng hổi.

Tiểu long nữ là câu chuyện một quan chức quyền lực trong ngành xây dựng, nhiều tiền và mê gái, được "dâng" cho một cô bé mới lớn. Trong khi Gạ tình lấy điểm xoay quanh một ông thầy dùng điểm số ở lớp để gạ tình cô sinh viên. Cả hai đều được nhà văn lấy cảm hứng từ những vụ việc cụ thể, nổi cộm trong xã hội đương thời và đưa vào nhiều phân tích cặn kẽ động cơ từ nhiều phía.

Thương lượng với ranh giới cấm kỵ

Từ sau Sợi xích và Dại tình, "sách sex" - như cách gọi của một cơ quan truyền thông - không còn thêm một vụ nổ "big bang" nào trong ngành xuất bản nhưng không vì thế mà dòng chảy văn chương nhục tình có phần vơi đi, nhất là khi nó được tiếp nối bởi nhiều cây viết thuộc thế hệ 7X trở về sau như Tiến Đạt, Đào Bá Đoàn, Vũ Đình Giang, Gào, Trần Thu Trang, Cấn Vân Khánh...

Trong số này có tiểu thuyết Thân xác của tác giả A Sáng, một người Tày Trùng Khánh lập nghiệp ở Hà Nội. Cuốn sách được cho là mô tả "quá sâu, quá kỹ" vào chuyện xác thịt, kể chuyện về cô gái người dân tộc quyết chí lập thân ở thủ đô, kể cả khi con đường tiến thân trong nghề báo có đẩy cô vào tình thế phải đổi chác chuyện xác thịt.

Cuốn này mở đầu bằng lời tự thú lạnh lùng đến vô cảm: "Đêm qua tôi đã ngủ với lão. Tôi đã để lão đạt được mục đích và cũng để chính tôi đạt được mục đích. Phải, tôi đã làm tình với lão, đúng hơn, tôi và lão đã đổi chác bằng xác thịt... Đó không phải là lần đầu tiên của tôi".

Hay tác phẩm Mảnh vỡ (2011) của Đào Bá Đoàn, kể chuyện một cô gái đi làm người mẫu khỏa thân cho các lớp học vẽ để kiếm tiền nuôi mẹ bị bệnh nặng. Không lấy hoàn cảnh thương tâm làm người đọc rơi nước mắt, câu chuyện đi sâu vào khía cạnh công việc của cô: "Tôi như một khách du lịch mùa hè đi tắm biển với chiếc quần lót và áo lót bé nhỏ. Tôi lại vắt nó lên xà. Tim tôi hơi vội vàng. Hơi thở tôi hơi sâu... Tôi đưa tay với lại đằng sau bật tung chiếc cúc. Đoạn dây vải thõng xuống hai bên cạnh sườn, tôi khẽ gỡ nốt nó ra...".

Những trang viết được xem là đã vượt ra ngoài ranh giới cấm kỵ, kết quả của một quá trình dài văn chương "thương lượng" với truyền thống trên những vấn đề thuộc phạm vi phô bày bản năng. Và tất nhiên, sẽ còn những tranh cãi, mà chúng tôi đề cập ở bài viết sau.

Khải Trí