- "Những đỉnh núi du ca" là tựa sách hiếm hoi kể chuyện người H'mông của nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Mạnh Tiến, người đã bỏ 3 năm ròng rã khắp miền núi phía Bắc để rẽ "một lối tìm về cá tính H' Mông".
Bên dưới cái tựa nghe đầy chất thơ Những đỉnh núi du ca (sách do NXB Thế Giới và Song Thủy Bookstore ấn hành) là một công trình nghiên cứu công phu và khó nhọc về thân phận một dân tộc lang thang và phiêu bạt trong suốt chiều dài lịch sử.
Hành trình lang thang tìm kiếm suốt ba năm trên khắp miền núi phía Bắc (trọng tâm là cao nguyên đá Đồng Văn) của nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Mạnh Tiến có thể nản lòng bất cứ ai bởi nỗi mơ hồ về thành tựu, và bởi một thế giới tinh thần bao la nhưng đầy phong kín, cố thủ trước con mắt của người khách lạ.
Tác giả Nguyễn Mạnh Tiến |
Lên đường với đồng lương chết đói
"Anh hỏi tôi có khó khăn không? Vậy tôi hỏi ngược anh: với đồng lương chết đói, hoạt động lại tự do, tự trang trải lấy kinh phí cho việc thực địa liên tục thế thì có thể gọi là khó khăn? Tôi không than thở mà hành động", Tiến nói.
Tất cả những gì Tiến cần làm là dựa trên tư liệu thực địa và xử lý kho tàng văn chương truyền khẩu H'mông như một sự kiện xã hội tổng thể, để đi tới phát hiện, xây dựng bộ từ khóa nhằm xác lập "cá tính H'mông" trong lịch sử. Các từ khóa gồm: tâm thức lưu vong - tâm thức di dân - tâm thức mồ côi, ám ảnh Hán, tự vẫn, nổi loạn, tự do, mộng mơ, tình yêu, tự trị tộc người, quyền lực miền núi.
Từ bộ từ khóa có tính kiến tạo này, cuốn sách đi tới lý giải cho các động cơ sâu xa ẩn giấu đằng sau của hành động, thói quen tập thể của H’mông từ quá khứ đến hiện đại, góp vào giải mã những phản ứng phức tạp của tộc người từng gây chú ý nhưng khó hiểu là H’mông - một trong những tộc đặc biệt, đầy hấp dẫn nhưng cũng đầy thách thức ở miền núi phía Bắc Việt Nam.
Thực tế, phạm vi bàn luận còn được tác giả mở rộng ra thành những vấn đề liên quan đến các xã hội miền núi trong lịch sử. Chúng được khai triển trên nền tảng tri thức liên ngành, từ ngữ văn, địa lý - nhân văn, phân tích tâm lý, sử học và dân tộc học...Nỗ lực này rốt cục nhằm hướng đến các đặc điểm nền tảng làm thành tâm lý tập thể tộc người.
Sự sắp đặt của số phận
Bìa sách Những đỉnh núi du ca. |
Nhưng tại sao lại là H'mông? Tiến nói "Tôi đến với H’mông như một sắp đặt của số phận". Đầu 2011, anh ra Hà Nội vào làm việc tại Viện Văn học. Các phòng ban đã chật chỗ, cơ cấu đã hoàn chỉnh, chỉ còn mỗi ban Văn học tộc người thiểu số là còn trống. "Sau này, tôi thường nghĩ về quyết định ấy, và tôi hiểu sự quyết định dứt khoát kiểu “chớp cơ hội” của một tiền đạo cắm ngày ấy là có căn rễ của nó. Mọi quyết định của con người ở đời, không ngẫu nhiên, nó luôn bị chi phối bởi các căn rễ sâu xa trong quá khứ".
Mà quá khứ của Tiến là những ngày đắm chìm vào những quyển sách dân tộc học như Rừng, Đàn bà, Điên loạn của Dournes, hay Chúng tôi ăn rừng của Condominas... Những cuốn sách mà theo anh là "nỗi ám ảnh tuổi xanh", bởi trong nó chất chứa cái xa lạ, tính phiêu lưu mà cũng đầy thơ mộng của nghề nghiệp nghiên cứu dân tộc học.
Về lựa chọn nghiên cứu, Tiến cho biết: "Hoạt động ở miền núi phía Bắc, trong cái nhìn của tôi, về cơ bản có bốn tộc người đặc biệt quan trọng bởi sự đông đúc dân số, gây ảnh hưởng chính trị và văn hóa đồng thời thường xuyên xuất hiện ở những mấu chốt của lịch sử Việt Nam là Mường, Thái, Tày và H’mông".
Theo tác giả, về Mường và Thái (đen) đã có những thành tựu lớn cho phép ta có cơ sở đáng tin cậy để hiểu biết. Phần còn lại: Thái (trắng), Tày và H’mông thật đáng tiếc, thành tựu dân tộc học (mà ở Việt Nam chủ yếu là làm dân tộc chí) thì còn để lại nhiều khoảng trống.
Đứng giữa một "tam giác tình cảm" thúc đẩy sự phiêu lưu, Tiến quyết định chọn H'mông. Lý do, "sự ám ảnh của những bài ca dân gian H’mông, những vần thơ tuyệt vời của một tộc người tộc người đặc biệt khó hiểu, thường bị hiểu lầm là hung dữ ấy đã quyết định đẩy mọi tâm trí và thể xác tôi vào H’mông. Và thêm nữa, là H’mông bởi vì chúng tôi đều là những thân phận lang thang và phiêu bạt", (tác giả là người ở tỉnh lập nghiệp tại Hà Nội và thường đi nghiên cứu - NV).
Tìm lối vào nội giới
Tác giả Nguyễn Mạnh Tiến trong chuyến tìm hiểu tiếng khèn Ma Khái Sò của người H'mông trên cao nguyên đá Đồng Văn.
Những va chạm đến từ khác biệt văn hóa khi một người Việt ở đồng bằng đi tìm câu chuyện của một dân tộc khác ở miền núi, là điều dễ hiểu. Tiến tìm thấy phương cách cho mình để vượt qua những rào cản và "trải nghiệm thú vị nhất là những lúc được sống thật với nhau".
Anh kể với người H’mông, sự khó khăn không phải bởi họ ở những đỉnh núi cao tít, hẻo lánh, điều kiện sống nghèo nàn, thiếu thốn mà là rất khó thâm nhập vào cộng đồng của họ. Cấu trúc của H’mông là khép kín với bên ngoài nhưng rộng mở với bên trong, với “người H’mông ta”.
"Là một người ở đồng bằng, hay ở đâu cũng vậy thôi, sẽ rất khó tiến vào nội giới H’mông nếu không có được ở họ một tình cảm thân thiết trong mức độ nào đó. Tôi đã phải mất rất nhiều thời giờ để xây dựng những mối thiện cảm với người H’mông, để làm sao có thể đến thẳng vào bản làng của họ mà không qua, hay có mặt một sự “kiểm duyệt” nào đó".
"Khi đã coi nhau là thân thiết, họ mới có thể nói cho ta nghe những điều sâu kín hơn một chút, niềm hạnh phúc và cả những sự bất mãn, mà nếu không thực sự đủ tin cậy, bạn sẽ khó tìm thấy những xung đột, mâu thuẫn chính trị, xã hội, tôn giáo… trong câu chuyện của người H’mông. Và những xung đột, đó là tất cả những gì mà dân tộc học cần bắt lấy, lần mò vào để hiểu chính vấn đề. Các cấu trúc xã hội khi va chạm, cọ xát sẽ bộc lộ bản chất", anh nói.
Nhưng liệu góc nhìn từ phía xa lạ có giúp chúng ta hiểu nhiều hơn hay ít hơn về những người khác? Theo tác giả, đây là một điểm vừa giúp ích lại vừa cản trở. Anh nhìn nhận: "Là một kẻ khác, nó khiến tôi khó hòa đồng với tộc người, vì thế, tôi phải nỗ lực “H’mông hóa” tâm hồn để được làm H’mông, để có thể thông hiểu H’mông. Nhưng đồng thời, là kẻ khác giúp tôi dễ phản tỉnh các vấn đề mà nếu là chính H’mông sẽ khó nhận biết bởi đã thành nếp hằn tư duy trong não trạng".
Sau những gì làm được, anh chia sẻ: "Với tôi, tôi xin thành thực nhận mình chỉ hiểu về H’mông một chút ít mà thôi. Tôi phải luôn cảm ơn các trưởng lão H’mông ở nhiều nơi đã chỉ bảo và cùng tôi đồng hành tìm kiếm các bản chất H’mông. Sự tốt đẹp nếu có là nhờ bởi họ, sự vụng về nông cạn nếu bạn nhận thấy, tôi xin nhận tất cả, về phần tôi".
Minh Chánh