- "Người nào nêu quan điểm mỗi cửa ô phải có 1 tượng đài thì nên đưa người đó ra xem xét lại", KTS Lê Văn Lân.

Hà Nội có tổng cộng 34 tượng đài nhưng trong 15 năm tới thành phố sẽ bổ sung khoảng 35 tượng đài nữa.

{keywords}

Tượng đài chiến thắng Ngọc Hồi

Việc dự kiến xây dựng thêm 35 tượng đài nữa nằm trong dự thảo Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được hội thảo sáng 3/12 tại Sở VHTTDL với nhiều chuyên gia quy hoạch bàn tới.

5 năm phải xây dựng được 10 tượng đài

Tại hội thảo, ông Trần Gia Lượng - Giám đốc Trung tâm Kiến trúc quy hoạch Hà Nội - đơn vị tư vấn và xây dựng đề án cho biết sau khi đã bỏ khá nhiều thời gian để nghiên cứu các tượng đài ở Hà Nội, đơn vị này thấy rằng các tượng đài được xây dựng tập trung ở các quận nội thành Hà Nội, số ít nằm rải rác tại một số huyện ngoại thành. Tuy nhiên chất lượng tượng đài và khuôn viên tượng đài không đồng đều. Những tượng đài ở trung tâm thường được đầu tư chăm sóc kỹ hơn những tượng đài xa trung tâm. Nhiều khuôn viên tượng đài bị lấn chiếm làm nơi bán nước gây mất mỹ quan.

Trong khi mảng đề tài về tượng đài mang yếu tố chính trị như: Lãnh tụ - Danh nhân văn hóa - Anh hùng dân tộc... chiếm số đông thì mảng chủ đề về văn hóa nghệ thuật chiếm tỉ trọng nhỏ. Tượng đài thuộc mảng này chất lượng nghệ thuật chưa đạt yếu tố đột phá, vắng hẳn những tượng đài có hình thức nghệ thuật đương đại, mảng chủ đề về tín ngưỡng hầu như không có.

Vốn xây dựng tượng đài là một vấn đề lớn bởi nguồn kinh phí cho việc này từ ngân sách nhà nước rất hạn hẹp. Chính vì vậy, dự thảo Quy hoạch hệ thống tượng đài trên địa bàn Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đưa ra nhằm tăng số lượng cũng như chất lượng của các tượng đài.

Hà Nội có tổng cộng 34 tượng đài - số lượng so với địa phương khác là nhiều nhưng chưa tương xứng với quy mô phát triển đô thị và xứng tầm với vị thế của Thủ đô nên theo dự thảo lần 1 này, đến năm 2020 tại khu vực trung tâm của 5 đô thị vệ tinh (Đô thị Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn) đều có quảng trường gắn với tượng đài, vườn hoa có quy mô phù hợp. Trong vòng 5 năm phải xây dựng được 10 tượng đài.

"Chẳng có nước nào người ta làm như vậy cả"

TS- KTS Đào Ngọc Nghiêm - PCT Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho rằng đã đến lúc cần có một đề án quy hoạch tổng thể tượng đài và dự thảo lần này là cần thiết để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế chính trị xã hội. Tuy nhiên, đây là quy hoạch đa ngành gắn với lịch sử, đặc thù địa phương nên cần trao đổi cụ thể để có kết quả cao hơn.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực quy hoạch, ông Nghiêm nói quy hoạch tượng đài rất khó, trước đây có đã có quy hoạch về tượng đài trong quảng trưởng nhưng không thành công. "Vị trí đặt tượng đài ở đâu không hẳn là khuôn viên đẹp mà nó còn có cả yếu tố an ninh quốc phòng, phong thủy", ông Nghiêm nói.

Có 2 vấn đề mà ông Nghiêm muốn đơn vị tư vấn cần làm rõ là khái niệm tượng đài, tượng đài tranh hoành tráng hay tượng đài đài tưởng niệm và khái niệm về không gian công cộng. Khái niệm không gian công cộng là khái niệm cần phải giới hạn trong quy hoạch vì không gian công cộng có nhiều cấp độ khác nhau: cấp quốc gia, thành phố, khu vực, điều kiện dân cư.

"Một trong bài học mà nước ngoài đã làm thành công là giao quyền quản lý đầu tư và quản lý cho nhân dân có khu vực đặt tượng đài. Nhân dân là người quyết định nên hay không nên đặt, đặt ở vị trí nào hợp lý", ông Nghiêm nêu quan điểm.

Ông Nghiêm không tán thành phương án mỗi đô thị phải có ít nhất 1 tượng đài hay san bằng đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh với thị trấn vì "chẳng có nước nào người ta làm như vậy cả".

"Dự thảo nêu yêu cầu tượng đài phải mang bản sắc Thăng Long. Vậy nếu ai ở địa phương khác sẽ rất đau khổ về yêu cầu này. Nếu tôi xây ở Sơn Tây, Phú Xuyên... thì tôi vẫn phải mang bản sắc Thăng Long hay sao?", ông Nghiêm đặt câu hỏi.

Cùng quan điểm, GS Hoàng Đạo Kính cho rằng người Việt Nam không có thói quen hưởng thụ sự hoành tráng ở ngoài đường phố nên cần nghiên cứu kỹ tâm thức của người Việt. Tượng đài như thế nào quan trọng trên hết vẫn là văn hóa.

Cần hết sức thận trọng 

KTS Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội kiến trúc sư Hà Nội cho rằng cần hết sức thận trọng khi triển khai kế hoạch đưa tượng đài đến từng, quận, huyện.

"Người nào nêu quan điểm mỗi cửa ô phải có 1 tượng đài thì nên đưa người đó ra xem xét lại", ông Lân bức xúc. Ông Lân cho rằng, hiện nay số tượng đài cần phải chỉnh trang còn nhiều, ví như tượng đài Ngọc Hồi có 2 cái cột điện đằng trước rất vô duyên, nếu bỏ 2 cột này đi thì tượng đài này đẹp ngang tầm thế giới.

"Vì vậy, theo tôi Sở VHTTDL Hà Nội cùng các đơn vị liên quan cần hết sức thận trọng khi xây dựng bất cứ một công trình nào mới và không nhất thiết phải quy định là quận, huyện nào cũng phải có tượng đài”, ông Lân nói.

Còn theo chuyên gia nghệ thuật Bùi Chí Công thì: “Việc quy hoạch tượng đài cần có tầm nhìn nghệ thuật và hiệu quả vì chúng ta quy hoạch là để cho tương lai”. 

Ông Công lấy ví dụ ở Mỹ, người ta bỏ ra đầu 1 USD đầu tư ở nơi công cộng thì họ thu lại 59 USD kinh tế cho địa phương. Làm được như vậy là do họ đã gắn kết du lịch, văn hóa và không gian công cộng, kể lại câu chuyện lịch sử, văn hóa của thành phố họ qua tượng đài. Từ đó kéo theo dịch vụ, phát triển kinh tế. "Chúng ta cũng phải tính đến sự gắn kết lịch sử, văn hóa vào tượng đài chứ không chỉ nghĩ đến việc xây bao nhiêu tượng đài theo kiểu bao cấp như thế này nữa”, ông Công nói.

Ông Trương Minh Tiến, PGĐ Sở VHTTDLHà Nội chốt lại rằng dự án nghiên cứu và những đề xuất của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn là hết sức ý nghĩa và cần thiết: “Ở bất cứ nước nào cũng rất cần những công trình tượng đài vì nó góp phần tôn vinh, quảng bá những giá trị về lịch sử, văn hóa, đời sống của người dân. Đặc biệt với Hà Nội, nơi có truyền thống ngàn năm văn hiến càng cần phải xây dựng những công trình tượng đài ở những không gian khác nhau ở Hà Nội để làm đẹp hơn cảnh quan thủ đô”.

Theo dự thảo quy hoạch, đến năm 2020, tại khu vực trung tâm của 5 đô thị vệ tinh đều có quảng trường, gắn với tượng đài, vườn hoa có quy mô phù hợp. Đến năm 2020, tập trung xây dựng mới một số tượng đài (loại quy mô công trình xây dựng tượng đài loại A2 quy mô lớn có diện tích từ 0,8 – 2 ha) như: tượng đài An Dương Vương tại huyện Đông Anh (khu vực di tích Cổ Loa), lựa chọn và xây dựng một tượng đài danh nhân văn hóa tại khu vực Bảo tàng Hà Nội, xây dựng tượng đài Độc lập (vị trí xác định sau). Chuẩn bị đầu tư cho xây dựng công trình tại các cửa ô thành phố, tượng đài gắn liền với quảng trường tại 5 đô thị vệ tinh. Ngoài ra, thực hiện khảo sát mặt bằng, xây dựng tượng một số danh nhân văn hóa tiêu biểu của đất Thăng Long tại Hồ Văn thuộc di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám.

Tình Lê