Việc giải cứu 3 báy vật thoát khỏi thảm cảnh này hiện gặp rất nhiều khó khăn. |
Theo ông Thiện, giá trị về lịch sử, văn hóa, quân sự của 3 khẩu thần công được đúc từ thời Nhà Nguyễn, hiện đang được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đối với lịch sử phát triển của dân tộc là rất rõ. Quyết định công nhận báu vật quốc gia cho cả ba khẩu thần công "Bảo quốc an dân Đại tướng quân" 1,2,3 của Thủ tướng Chính phủ đã nói lên điều này.
Ông Thiện thừa nhận các báu vật quốc gia này hiện chưa có nơi bảo quản tốt, chưa có không gian trưng bày chuẩn nên chưa phát huy hết được các giá trị về văn hóa, lịch sử như mong muốn.
Thực trạng này theo ông Thiện là do bảo tàng hiện nay thì đã xuống cấp, chủ trương triển khai dự án xây dựng bảo tàng mới chưa thể triển khai do nhiều yếu tố. "Chúng tôi đã có chủ trương triển khai dự án xây dựng bảo tàng mới của tỉnh, nhưng 2 năm rồi dự án vẫn chưa thực hiện được" – ông Thiện cho hay.
Về đề nghị của bảo tàng tỉnh xin cấp kinh phí để làm giá đỡ cho các khẩu thần công, ông Thiện cho hay, tỉnh đã xem xét và thống nhất chưa đồng ý cho đề xuất này. Lý do mà Phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh đưa ra là việc làm này thiếu đồng bộ sẽ gây tốn kém. "Chưa có không gian trưng bày thì làm giá đỡ sẽ bỏ vào đâu. Duyệt làm rồi sau lại phải thay đổi , phải làm lại cho phù hợp sẽ rất phí, chưa nên làm" – ông Thiện nói.
Trả lời ý kiến của nhiều bạn đọc về việc, nếu không đủ điều kiện bảo quản, trưng bày một cách tốt nhất 3 khẩu thần công vừa đúng với vị trí của báu vật quốc gia vừa phục vụ nghiên cứu, tham quan của người dân thì Hà Tĩnh nên chuyển cho Bảo tàng quốc gia hay Bảo tàng Huế, ông Thiện nói rằng, đây là báu vật quốc gia, Thủ tướng giao địa phương gìn giữ nên không thể muốn chuyển chỗ này, chỗ kia là được.
Qua trả lời của lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh có thể thấy, khó có thể giải cứu 3 khẩu thần công cổ, quý nói trên thoát cảnh sống dở chết dở ở Bảo tàng Hà Tĩnh trong ngày một ngày hai. Vì vậy 3 báu vật quốc gia này sẽ còn "chung mâm" với lối đi trần trụi, ẩm mốc dài dài.
Theo Dân Trí