Thực hiện chủ trương của tỉnh Bắc Ninh, từ 2 năm trước, người dân Ném Thượng, phường Khắc Niệm, TP Bắc Ninh đã không còn chém lợn tại lễ hội địa phương, tuy nhiên, năm nay người dân đã bất ngờ thực hiện nghi lễ chém lợn trở lại trong lễ hội của làng.


Phóng viên đã có cuộc trao đổi với GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam liên quan đến vấn đề nói trên.

- Thưa Giáo sư, từ 2 năm trước người dân Ném Thượng đã không còn thực hiện nghi thức chém lợn trước sân đình trong lễ hội, bất ngờ năm nay họ lại tổ chức chém lợn trở lại, theo ông hành động này xuất phát từ điều gì?

Trước đó, tôi cũng có nghe phía UBND tỉnh Bắc Ninh có hướng chỉ đạo và người dân Ném Thượng không còn chém lợn nữa.

{keywords}

 Tục chém lợn không xấu nhưng không còn phù hợp với xã hội hiện nay nữa.

Theo tôi, sở dĩ năm nay họ chém lợn trở lại là xuất phát từ lời phản đối của Tổ chức Động vật châu Á. Tổ chức này cho rằng tục chém lợn là dã man.

Người dân Ném Thượng thì không ai coi hành động của họ là dã man cả. Từ đó, dân họ đã tổ chức chém lợn trong lễ hội như một cách phản ứng lại.  

- Vậy Giáo sư nhìn nhận thế nào về những ý kiến cho rằng tục chém lợn là dã man?

Ý kiến cho rằng tục chém lợn là dã man xuất phát từ người nước ngoài. Có thể, họ nói như vậy vì họ không hiểu lý do tại sao người dân làm như thế.

Người dân Ném Thượng chém lợn nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi, cầu cho một năm may mắn, mùa màng bội thu… Tức là, việc chém lợn nhằm mục đích tốt đẹp chứ không phải xấu.

Tuy nhiên, nếu nói trong xã hội hiện nay, tục chém lợn không còn phù hợp thì đúng.

- Vậy theo Giáo sư, chúng ta phải làm gì để người dân Ném Thượng từ bỏ nghi thức chém lợn không còn phù hợp trong lễ hội truyền thống hàng năm?

Chúng ta không thể giải quyết vấn đề văn hóa bằng mệnh lệnh được mà phải bằng nhận thức của chính người dân. Một trong những nguyên tắc của văn hóa là chủ thể văn hóa có quyền duy trì cái đó hoặc không.

Không phải ai, tổ chức nào trong nước hay quốc tế có quyền cấm họ. Thậm chí, càng cấm, càng cứng rắn thì họ càng làm. Thực ra, người dân Ném Thượng đã bỏ chém lợn 2 năm rồi. Nhưng năm nay lại có Tổ chức Động vật châu Á nói họ thế này thế khác, lên án họ là dã man nên họ mới chém lợn trở lại.

Không thể nói phong tục đó là phong tục xấu. Chỉ có điều, trong xã hội hiện nay, phong tục đó không còn phù hợp, nhạy cảm thì cần tuyên truyền vận động, thuyết phục người dân địa phương để họ hiểu. Họ sẽ dần dần thay đổi.

Ngày xưa, những lễ hội như vậy, người ngoài không được tham gia. Tôi cũng từng góp ý với Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh là trước khi xóa bỏ, thì các anh nên hạn chế phạm vi ảnh hưởng của lễ hội. Chỉ những người trong làng tham dự thôi, hoặc là thay vì làm ban ngày thì làm vào ban đêm, rồi dần dần người dân sẽ nhận thức được và thay đổi.

 

Ông Nguyễn Tử Quỳnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay khi biết thông tin người dân Ném Thượng tổ chức chém lợn trở lại, phía UBND tỉnh đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức tuyên truyền, vận động người dân. Hướng của tỉnh Bắc Ninh là để người dân bỏ nghi lễ chém lợn gây tranh cãi, tổ chức lễ hội như 2 năm trước đây.

“Tôi đã giao phía Sở VH, TT&DL tổ chức tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và bỏ nghi lễ chém lợn tại lễ hội địa phương tổ chức vào những năm tới”, ông Quỳnh nói.

Được biết, trước Tết Nguyên đán 2015, Sở VH, TT&DL đã có văn bản tham mưu lên UBND tỉnh Bắc Ninh xung quanh nghi lễ chém lợn. Trong văn bản này, Sở VH, TT&DL tỉnh Bắc Ninh đề xuất nhiều nội dung. Trong đó có việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc đổi tên lễ hội chém lợn thành lễ hội rước lợn.

Người dân thực hiện tốt việc tế, rước, lễ theo nghi thức truyền thống. Sau phần tế rước thì làm cỗ ngọc tế thánh (không thực hiện nghi lễ chém lợn). Sở VH, TT&DL cũng đề nghị không để tình trạng người dân sử dụng tiền nhúng vào máu lợn.

Trả lời báo chí, Giám đốc sở VH,TT&DL Bắc Ninh Nguyễn Văn Phong cho biết, văn bản Sở tham mưu lên UBND tỉnh chỉ mang tính chất khuyến cáo. Tỉnh Bắc Ninh sẽ tổ chức vận động xin ý kiến người dân về nghi lễ chém lợn. Quyền tự quyết cuối cùng về nghi lễ vẫn thuộc về người dân làng Ném Thượng.

Theo VTC