- Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13 khai mạc với bài thơ thật xúc động "Tổ quốc là tiếng mẹ" của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 khai mạc sáng 5/3 tại Văn Miếu, Quốc Tử Giám với sự tham gia của 150 nhà thơ, nhà văn và dịch giả văn học của 43 quốc gia trên thế giới cùng 30 câu lạc bộ thơ trong nước.
Vẫn là chủ đề biển đảo như năm trước, bài thơ “Tổ Quốc là tiếng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến được cất lên mở đầu cho phần trình diễn và đọc thơ của các nhà thơ. Bài thơ thể hiện niềm tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của đất nước, về tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của bao thế hệ người Việt Nam, đồng thời thể hiện ý thức về chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo và niềm hi vọng về thế hệ trẻ hôm nay.
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến với phần đọc xúc động 'Tổ quốc là tiếng mẹ'
Một nhà thư pháp đã viết ngay bài thơ này thành một bức thư pháp tuyệt đẹp với đường cong chữ S - bản đồ Việt Nam.
Xen kẽ với các tiết mục văn nghệ mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam, các nhà thơ quốc tế và Việt Nam đã lần lượt thể hiện các sáng tác văn học của mình. Tiêu biểu là nhà thơ nữ Neeva Mukova của Slovakia đọc thơ Hồ Xuân Hương, thơ Xuân Quỳnh bằng tiếng Việt, nhà thơ người Nam Phi Indra Wossou, nhà thơ Graham Mort (Anh)… thể hiện bài thơ mới sáng tác về Việt Nam đồng thời giới thiệu về đất nước mình tới bạn bè Việt Nam.
Bài thơ Tổ quốc là tiếng mẹ được viết bằng thư pháp |
Các nhà thơ Y Phương, Nguyễn Thị Mai, Phạm Hồ Thu, Trương Nam Hương cùng các dịch giả Việt kiều cũng thể hiện cảm xúc của mình qua những vần thơ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: "Vào giờ này có trên 100 địa điểm trong cả nước đang diễn ra các hoạt động trong khuôn khổ Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 với chủ đề hướng về biển đảo Tổ Quốc. Riêng tại Trung tâm Văn Miếu Quốc Tử Giám, Ngày Thơ năm nay có một sự kiện mới nổi bật. Sự tham gia của 150 nhà thơ, nhà văn dịch giả văn học Việt Nam đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 với chúng ta. Đây là một hình ảnh sống động chứng tỏ thơ ca có khả năng thu hẹp kì diệu mọi khoảng cách".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều |
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết Ngày Thơ Việt Nam 2015 nhằm giới thiệu một cách tổng thể về thành tựu, bản sắc của văn học Việt Nam đến bạn bè thế giới: “Năm nay chỉ là một dấu mốc để chúng ta hiện thực hóa ý tưởng và có thể nói cao hơn là chiến lược của Hội Nhà văn Việt Nam, của Nhà nước trong việc truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới. Càng ngày thi ca của Việt Nam đến với thế giới ngày càng nhiều hơn. Những người làm công tác quản lý văn học nghệ thuật nhận thấy rằng, văn học nghệ thuật đặc biệt là thi ca có thể mang lại một sức mạnh trong việc kết nối, lý giải, minh chứng tất cả những gì dân tộc ta đã làm được trong lịch sử”.
Ngày Thơ Việt Nam năm nay còn có nhiều hoạt động như: Triển lãm giao lưu văn học quốc tế, các tác phẩm văn học Việt Nam đã được dịch, xuất bản ở nước ngoài; Trưng bày và giới thiệu sách của các nhà xuất bản trong nước; Khu phố nghệ thuật với sự tham gia của 30 câu lạc bộ thơ, 8 địa phương trong cả nước, 6 trường đại học với các hoạt động xuất bản phẩm, thư pháp, trình diễn nghệ thuật dân gian diễn ra trong hai ngày 4-5/3 (tức 14 và 15 Tháng Giêng).
Một số hình ảnh trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 13
|
Rất nhiều người tìm cho mình được những quyển thơ ưng ý với giá khá rẻ. |
|
Nhiều tiết mục văn nghệ xen kẽ đọc thơ |
Trong khuôn khổ Ngày thơ Việt Nam 2015, Hội Nhà văn sẽ xuất bản tuyển thơ “Khát vọng hòa bình”. Tuyển tập gồm 108 bài thơ của các nhà thơ Việt Nam trong 10 thế kỷ dựng nước và giữ nước, được in bằng tiếng Anh để các nhà thơ, các nhà xuất bản và các nhà nghiên cứu thế giới hiểu được một phần tinh thần độc lập và tình yêu hòa bình của con người Việt Nam. Một nhà xuất bản ở Mỹ đã đặt vấn đề xuất bản tập thơ này. |
T.Lê