-Yêu cái nghề cha truyền con nối, là hậu duệ thứ 7 của dòng tộc chỉ làm nghề rối nước, yêu những lúc ngồi tỉ mẩn thiết kế từng con rối cho những tích truyện khác nhau nên nghệ sĩ  Phan Thanh Liêm đã mở hẳn thủy đình mini trên gác 4.


Trong căn nhà ở ngõ nhỏ đường Xã Đàn (Hà Nội) chỉ vỏn vẹn có 32m2, gia đình 4 người của nghệ sĩ Phan Thanh Liêm hầu như sinh hoạt trong 1 phòng. Các phòng còn lại anh dành cho rối nước với hơn 1000 con rối với các tạo hình khác nhau được anh bày khắp nhà. Có những con rối rất cổ, từ đời ông nội anh Liêm để lại. Cha anh - nghệ nhân Phan Văn Ngải cũng là người khai sinh ra hình ảnh chú Tễu nổi tiếng. Bức tượng chú Tễu do ông Ngải tạc hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre của Pháp. Ông cũng là trưởng gánh múa rối tư nhân đầu tiên của Việt Nam.

{keywords}

Nghệ sĩ múa rối Phan Thanh Liêm bên sân khấu múa rối mini tại nhà.

Cách đây 15 năm, anh Liêm đã công bố mô hình độc diễn rối nước nhưng do nhà chật, không có chỗ diễn nên không thể phát triển được. Thông thường mỗi buổi diễn cần rất nhiều người, đôi khi 2-3 người mới điều khiển được một con. Rối nước được thiết kế có đế bằng gỗ cùng các phụ kiện lắp ghép bên trong nên rất nặng. Người điều khiển cần có sức khỏe và tập trung để di chuyển con rối uyển chuyển, nhịp nhàng.

Dần dần anh Liêm đã cải tiến con rối với đế bằng cao su. Vì thế anh có thể dễ dàng điều khiển một lúc 2 con rối, thậm chí cả đội hình múa gồm 8 cô tiên. Với sáng tạo ấy, anh có thể một mình 'chiến đấu' với các buổi biểu diễn lưu động trong nước và có khi vi vu sang tận trời Tây.

{keywords}

{keywords}

Hàng nghìn con rối với các tạo hình khác nhau được bày biện hầu hết các phòng trong căn nhà nhỏ chỉ vỏn vẹn 32m2

Các tích truyện của anh Liêm đem đi biểu diễn không đơn thuần là những tích kinh điển, đã diễn đi diễn lại nhiều lần trên các sân khấu rồi nước mà anh đã cải tiến mang tính thời sự hơn rất nhiều. Ví như truyện Chú Tễu kể chuyện biển Đông, Bé bảo vệ môi trường, Bé học luật giao thông,...

Chú Tễu kể chuyện biển Đông công diễn hồi năm ngoái đã nhận được rất nhiều sự khen ngợi của những bậc phụ huynh cho con đi xem và ngay cả khách nước ngoài cũng 'mê tít'.  Theo anh Liêm, đó là một cách truyền tải dễ hiểu để giúp khán giả nhí nhận thức được chủ quyền biển đảo.

Sân khấu bé xíu, chỗ ngồi cũng chỉ có 21 ghế nhưng để có thể biểu diễn trong 30 phút hoàn hảo là cả một thời gian chuẩn bị khá công phu. Anh Liêm bảo cứ mỗi lần ra vở mới, anh phải vẽ toàn bộ rối mới. Trước khi lên biểu diễn, người nghệ sĩ cũng phải kiểm tra toàn bộ các con rối xem có trục trặc gì không, dây thép có bị lỏng, đứt gãy hay không.

Khác với thủy đình ở những nhà hát múa rối, thủy đình mini có thêm cây đa và khóm tre vàng. Lý giải cho tiểu cảnh ấy, anh Liêm nói anh còn muốn giới thiệu cả lịch sử và những nét đặc trưng của người Việt với bạn bè quốc tế. "Cây đa, bến nước sân đình” hay "tre vàng Thánh Gióng” đều là hình ảnh quen thuộc và ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người Việt. Bởi vậy, ngoài việc biểu diễn các trò, anh còn muốn quảng bá văn hóa Việt Nam.

{keywords}

{keywords}

Sân khấu nhỏ chỉ với 21 ghế nhưng lại là thực tế trải nghiệm đầy lý thú khi được tận mắt xem và sờ nắn những con rối

{keywords}

Với mô hình múa rối nước mini như thế này, anh Liêm mong muốn các em nhỏ được trải nghiệm, được gần gũi hơn với môn nghệ thuật truyền thống này. Không những được xem ở cự li gần, được sờ nắn vào các con rối, được tô vẽ thêm những nét trẻ thơ của các em nhỏ nên con rối mà mình yêu thích, các em còn được trải nghiệm cách điểu khiển con rối như thế nào, được nhảy tùm vào cái hồ mini ấy để trở về tuổi thơ trong trẻo.

{keywords}

Lý do anh Liêm quyết định mang sân khấu mini về nhà phần vì yêu nghề, phần vì thương đứa con trai cả. Anh kể, trong một buổi học ở lớp, khi hỏi về phần nghề nghiệp của cha mẹ, đến lượt con anh, khi cháu nói đến bố mẹ làm nghề múa rối thì cả cô và trò cười phá lên. Thế rồi con anh ghét múa rối từ đó. Đó cũng chính là lý do mà bao nhiêu năm nay, anh cần mẫn với sân khấu mini của mình vừa là để mưu sinh, vừa để nuôi dưỡng tâm hồn yêu nghề thuật truyền thống, nghề gia truyền của cha ông cho các con, vừa là nơi để các em nhỏ muốn tìm hiểu về nghệ thuật ngày càng phát triển chậm này.

Tình Lê