-Một cách vẽ xưa cũ, một dòng tranh đã lùi vào quá khứ lại đột nhiên hiển hiện lại trong triển lãm Bột màu báo cũ khiến người xem thổn thức.


Bột màu báo cũ - cuộc triển lãm của 14 họa sỹ Hà Nội và Hải Phòng đã gợi cho người xem nhiều tò mò bởi dòng tranh này đã bị lãng quên trong nhịp sống đương đại. 44 tác phẩm nghệ thuật được trưng bày lần này là khúc biến tấu độc đáo trên nền một chất liệu cũ.

14 họa sỹ đã kể lại những câu chuyện của ngày hôm nay theo cách cảm riêng. Đó là câu chuyện về “Người đàn bà ngồi” với nhiều ẩn ức của Đặng Tiến, về “Phố chợ” vội vã của Đức Phạm hay vẻ hoài niệm lắng sâu trong “Hút thuốc" của Quang Huân…

{keywords}

Cũng có khi, đó chỉ là “Phút giải lao” ở một công trường xây dựng trong tranh của Trần Quang Huân hay vẻ thanh bình được gợi ra từ “Xe đạp đỏ” của Tào Linh… Thế nhưng, tất cả đều ăm ắp hơi thở đương đại.

Tranh bột màu giấy cũ cho thấy rõ nhất độ xốp của màu, độ xơ của vệt bút. Sự dứt khoát của những vệt bút cộng hưởng cùng những khoảng trống sẵn có giữa những con chữ đã tạo cho người vẽ cảm hứng liền mạch, giữ và truyền tải được xúc cảm vẹn toàn.

Họa sỹ Trịnh Tú tâm sự nghệ thuật bao giờ cũng mang đến cho người ta sự tự do. Vẽ bằng chất liệu gì đâu có quan trọng. Với một xúc cảm đủ đầy, niềm say mê thực sự thì đôi khi, chỉ với vài ba phương tiện giản dị cũng có thể làm nên tác phẩm giá trị.

Có cùng quan điểm trên, họa sỹ vốn nổi tiếng khó tính Lê Thiết Cương bày tỏ: “Một bức tranh nhỏ vẽ bằng bột màu trên nền một tờ báo in cũ mà đẹp thì cũng đủ là lời đáp cho những câu hỏi kiểu như: nghệ thuật là gì? chất liệu là gì? xấu-đẹp là thế nào?...

{keywords}

Bột màu báo cũ đã từng là chất liệu phổ biến, quen thuộc, một loại chất liệu rẻ tiền, dễ vẽ. Từ thời các họa sỹ của Trường Mỹ thuật Đông Dương đến thế hệ họa sỹ trưởng thành trong kháng chiến, cho tới các họa sỹ thời hậu chiến, bao cấp… ai cũng từng gắn bó với bột màu báo cũ.

Ban đầu, bột màu chỉ được coi là chất liệu để làm bài tập, ký họa hoặc làm phác thảo trước khi vẽ thành sơn dầu. Đương nhiên, bột màu được vẽ trên các loại giấy chuyên dụng nhưng đến thời chiến tranh, họa phẩm khen hiếm thì các họa sỹ buộc phải vẽ bột màu trên giấy báo (chưa in). Cho đến khi ngay cả giấy báo chưa in cũng không có thì giấy báo cũ, báo đã đọc xong, bán cân mới được lên ngôi”, họa sỹ Lê Thiết Cương nói.

Giữa những năm tháng khó khăn, bột màu báo cũ xuất hiện một cách giản dị như chính bản thân chất liệu ấy. Dần dần, nó không còn đóng “vai phụ” nữa mà trở thành một chất liệu độc lập, ngang hàng với sơn mài, sơn dầu và màu nước.

{keywords} 

Sở dĩ, suốt một thời nó có được vị trí đáng kể trong đời sống hội họa bởi những khoảng giấy trống trên trang báo đã đưa lại một hiệu quả thẩm mỹ độc đáo ngẫu nhiên. “Mỗi chất liệu có một ngôn ngữ riêng, tính nết riêng và những điều hay, dở riêng. Bột màu sống (chưa trộn, nghiền với keo) có cái ẩm ướt, có cái gợn, xốp dễ hòa nhịp với giấy báo. Báo cũ đã in với những bức ảnh minh họa, những khoảng trống, những cột chữ (được trình bày to/nhỏ, đậm/nhạt khác nhau) đã tình cờ trở thành một cái nền tự nhiên, gợi ý nhiều cho bố cục.

Cứ như vậy, chúng gọi ý, gọi hình và gọi màu về. Những chồng đè của màu lên chữ, những ẩn hiện của chữ trên hình, những bỏ quên, những sót lại, những vô tình… cứ thế dồn xếp lên nhau, hòa nhịp với nhau. Để rồi, ta cũng chẳng phân biệt đâu là tranh-đâu là báo, đâu là màu-đâu là chữ in. Vậy, cớ gì ta lại lãng quên, bạc bẽo với một loại chất liệu đã từng có gắn bó với lịch sử mỹ thuật Việt Nam như vậy?”, họa sỹ Lê Thiết Cương tâm sự.

Cuộc sống bớt nhọc nhằn, những phương tiện hỗ trợ đủ đầy hơn đã vô tình khiến người ta lãng quên những mảnh ghép nhỏ, giản dị của quá khứ. Triển lãm lần này đã tạo ra một cuộc đối thoại độc đáo giữa họa sỹ-công chúng và giữa các nghệ sỹ với nhau. Người xem được thưởng ngoạn một thế giới sắc màu sinh động, có sự kết nối nhịp nhàng giữa quá khứ và hiện tại.

Các họa sỹ tham gia triển lãm - những người đã vẽ và thành danh ở nhiều chất liệu khác đã cùng hoài niệm và trải nghiệm những xúc cảm mới với một loại chất liệu “cũ-mà-mới” này.

Triển lãm “Bột màu báo cũ” kéo dài tới hết ngày 15/6.

Tình Lê