- Thêm một hội thảo nữa về phim truyền hình vừa được tổ chức tại TP.HCM ngày 7/6/2011, với tên gọi "Chất lượng phim truyện truyền hình, thực trạng và giải pháp".


Lại thêm hàng tá dẫn chứng, kêu ca, phàn nàn "biết rồi khổ lắm nói mãi" về chất lượng phim Việt trên sóng nhiều đài truyền hình, song cũng như nhiều hội thảo chỉ nói cho sướng, có rất ít giải pháp được đưa ra. Lược ghi một số ý kiến tại hội thảo tập trung vào những đề xuất tháo gỡ hiếm hoi.

PGS.TS Trần Luân Kim: Nhà đài và nhà sản xuất phải bình đẳng

Giải pháp nào có thể ngăn chặn hiệu quả đà tụt dốc, đồng thời phát huy ưu thế chế tác phim truyện truyền hình ở nước ta trong giai đoạn hiện nay?

PGS.TS Trần Luân Kim

Trước hết, phải quan tâm đến yếu tố quan trọng bậc nhất là đội ngũ hành nghề. Các đài truyền hình cần có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức chính trị - xã hội - văn hóa cho các thành phần sáng tác. Tích cực tổ chức tiếp thu kỹ năng chế tác, phương pháp làm phim tiên tiến với kỹ thuật hiện đại của các nước cho đội ngũ sáng tác. Cần cải cách phương pháp điều hành chuyên ngành đối với các nhà quản lý hoạt động chế tác phim truyện.

Một trong những giải pháp thiết thực là tổ chức các cuộc thâm nhập thực tế cho nghệ sĩ, tạo điều kiện cho họ chẳng những cảm nhận mà còn thấu hiểu cuộc sống nhiều sắc thái đang diễn ra. Những người sáng tác chủ chốt, trước hết là biên kịch và đạo diễn cần có nhận thức công dân đúng đắn trước trách nhiệm của mình đối với công chúng xem phim.

Đề tài và thể loại là hai yếu tố nền tảng hình thành tác phẩm, cần được chú trọng hàng đầu. Trong khoảng mênh mông của cuộc sống đương đại, chọn vấn đề gì quan thiết, khẳng định biện pháp miêu thuật nào khả dĩ phù hợp đối với mọi phía, là chuyện phụ thuộc hoàn toàn vào mục tiêu cũng như tư chất tư duy của nghệ sĩ. Đó là những tiền đề cho thành hoặc bại ở bước sau.

Song song với những việc cần làm nói trên, lề lối hợp tác giữa đài truyền hình với các nhà sản xuất phim cần được thiết lập trên cơ sở đối tác bình đẳng, cùng có lợi và cùng chung trách nhiệm. Cả hai bên cần tuân thủ nghiêm ngặt cơ chế phối hợp bảo đảm chất lượng nội dung cũng như chất lượng nghệ thuật của tác phẩm.

Điều đó có nghĩa là cả hai bên cần thống nhất kế hoạch sáng tác, sản xuất và phát sóng một cách chủ động và hài hòa. Cần sản xuất sớm và chỉ bắt đầu phát sóng khi toàn bộ tác phẩm đã được hoàn thiện và đã qua kiểm tra chất lượng nghiêm túc. Cũng có thể tránh tình trạng đánh đồng kinh phí cho tất cả các phim bằng cách phân hạng phim theo tiêu chí phù hợp để làm căn cứ hạch toán cụ thể cho từng phim.

Vượt qua khó khăn trước mắt bằng nhiều giải pháp tổng hợp như vậy mới mong phim truyện truyền hình nước ta sẽ được gia tăng trong tương lai không xa về số lượng cũng như chất lượng thể hiện nghệ thuật.

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng: Không cần cấp tiền làm phim, chia lợi nhuận quảng cáo hợp lý

Nếu phân tích bề ngoài thì một công việc tốt hay không đều chịu ảnh hưởng bởi 3 vấn đề: 1. Mục đích công việc, 2. Điều kiện làm việc, 3. Khả năng làm việc. Hiện nay, chúng ta đang bàn chủ yếu về ba vấn đề này, nhưng hầu hết mọi người đều quên cái gốc sinh ra nó, đó là cơ chế. Tôi có thể khẳng định, phim truyện truyền hình xuống cấp là do cơ chế của đài truyền hình. Đài truyền hình đang tự giết mình mà không biết, hoặc biết mà làm lơ...

Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng

Vậy cơ chế như thế nào mới phát triển, thật ra là không khó. Nghĩ đến cơ chế làm sao người làm ra sản phẩm tốt thì được hưởng lợi. Thật ra đài truyền hình không cần cấp kinh phí cho các công ty, các nhà làm phim. Họ chỉ cần chia lợi nhuận quảng cáo một mức hợp lý, các nhà làm phim phải ráng đầu tư làm phim tốt thì mới có rating, mới có quảng cáo. Khi đó họ phải tìm đủ mọi cách làm phim thu hút khán giả.

Để làm được như vậy thì nó sẽ vô đúng cơ cấu kinh doanh hơn, là đầu tư tốt, thu hút nguồn nhân lực có khả năng để có sản phẩm tốt và chỉ có sản phẩm tốt, lợi nhuận mới tăng. Tức là cơ chế này với mục đích để có lợi nhuận thì sản phẩm phải tốt. Còn với cơ chế hiện nay thì để có lợi nhuận là phải tiết kiệm chi phí, phải cạnh tranh giảm giá, phải có quan hệ nhận dự án và lọt qua sóng.

Tôi nghĩ đây là cái gốc của vấn đề và cần được bàn trước khi kêu la về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm. Trách nhiệm thật sự có giá trị khi họ thấy trách nhiệm của mình có lợi cho mình. Chứ đứng ngoài chỉ trích, kêu gào người khác phải có trách nhiệm, phải không tham lam, phải hy sinh mà họ không có lợi ích, cái đó gọi là "chuyện cổ tích". Trong khi đó, có thể sòng phẳng khi đưa ra quyền lợi rõ ràng và công bằng.

Nhà biên kịch Tô Hoàng: Tự mở đường, tự nó sẽ đâm đầu vào ngõ cụt

Khi Nhà nước chủ trương cho tự do mở kênh, lập đài như hiện nay, và nhất là lại để phó mặc các đài tự nuôi thân, thì đây là nguyên nhân đẻ ra tình trạng sản xuất phim truyện truyền hình ào ạt, lấy số thay lượng, coi việc thu hồi được nhiều quảng cáo đáng nể trọng, đáng coi là thước đo hơn hẳn phẩm chất nghệ thuật của bộ phim. Nếu nhất trí nguyên nhân chính yếu là như vậy thì theo ý tôi, có ba phương sách hữu hiệu để tháo gỡ.
Nhà biên kịch Tô Hoàng

Một, giảm thiểu tối đa các đài, các kênh truyền hình đang phát sóng. Nghe điều này có vẻ khiên cưỡng và phi lý, nhưng đầu những năm 1990 đã có những nhà quản lý ngành truyền hình đề xuất phương án dẹp bỏ hết đài cấp tỉnh. Giảm thiểu số lượng đài, kênh, tức giảm thiểu tối đa đầu ra của phim truyện truyền hình. Đài, kênh ít đi sẽ có điều kiện để kiểm soát và lựa lọc phim. Phim ít đi, sẽ có điều kiện để những ai đủ phẩm chất sáng tạo, biết làm nghề mới bắt tay làm phim. Sự xô bồ, việc làm nhanh, làm ẩu sẽ bị dập tắt liền.

Hai, nếu không giảm thiếu tối đa đài, kênh và cũng không thể cản được dòng thác tuôn trào của việc sản xuất phim, thì Nhà nước hãy mở hầu bao đầu tư một cách thích đáng để nuôi lấy một dòng phim có ý tưởng, chủ đề, thẩm mỹ, vừa làm đối trọng, vừa làm đối thủ cạnh tranh với phim truyền hình hiện nay.

Làm như thế cũng tức là dòng phim nghệ thuật, thẩm mỹ do Nhà nước nuôi dưỡng sẽ bước vào cuộc giành giật lại người xem, giành giật cả nhu cầu thưởng thức có lựa lọc từ dòng phim giải trí hiện nay. Đồng thời cũng là biện pháp tích cực bảo vệ, gìn giữ những truyền thống tốt đẹp của nền điện ảnh, và định hướng cho hoạt động phim ảnh nói riêng, văn hóa nói chung.

Và bằng cung cách ấy hoặc sẽ góp phần vực dắt dòng phim giải trí về với sự nghiêm túc, kỹ càng hoặc bóp mũi cho nó nghẹt thở chết ngay.

Ba, kiến giải cuối là cứ để mặc tình trạng sa sút, kém cỏi của phim truyện truyền hình hiện nay tồn tại. Tự nó sinh ra khách, tự nó sẽ xua đuổi khách đi. Tự nó tạo ra vốn quay vòng và cũng tự nó dần dần cạn vốn như con lạc đà giữa sa mạc. Tự nó mở đường và tự nó đâm đầu vào ngõ cụt. Đương nhiên là trong một khoảng thời gian dài dài...

Khanh Nguyễn ghi