Nhóm lồng tiếng siêu phẩm truyền hình Ấn Độ cho biết, không riêng khán giả màn ảnh nhỏ, họ nhiều lần rơi nước mắt thật trong phòng thu.
Xây dựng trên câu chuyện có thật về cuộc đời cô bé Anandi phải sớm kết hôn khi mới lên 8, Cô dâu 8 tuổi là bộ phim truyền hình đầu tiên của Ấn Độ phản ánh chân thực vấn nạn tảo hôn vốn đã ăn sâu vào tiềm thức người dân. Ngay khi lên sóng, bộ phim gặt hái thành công vang dội nhưng cũng gây nhiều tranh cãi trong dư luận trong nước suốt một thời gian dài.
Thành công của Cô dâu 8 tuổi giúp dàn diễn viên tham gia phim được vinh danh tại nhiều giải thưởng uy tín ở quê nhà. Sức lan tỏa của phim vươn ra khỏi tầm quốc gia để đến với nhiều đất nước khác trên thế giới.
Tại Việt Nam, bộ phim tạo được cơn sốt với khán giả truyền hình đồng thời cũng gây nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhưng không ai có thể phủ nhận sức hút của nó. Thành công của Cô dâu 8 tuổi có đóng góp không nhỏ của ê-kíp lồng tiếng Việt Nam.
Cô dâu 8 tuổi không chỉ gây tranh cãi ở quê nhà, mà còn lây lan sang các nước bạn.
Không nhàm chán vì phim quá dài
Nhóm lồng tiếng của kênh TodayTV đã quen với những bộ phim truyền hình dài tập, nhưng Cô dâu 8 tuổi đặc biệt hơn vì theo họ, nội dung phim mới lạ, thoại hay, tình tiết thu hút. Việc lồng tiếng cho bộ phim dài gần 2.000 tập của Ấn Độ ngỡ gặp nhiều khó khăn nhưng ê-kíp lại hào hứng vì được tham gia hành trình về câu chuyện của một đời người.
"Bộ phim kể về cuộc đời của cô bé Anandi từ lúc còn thơ ấu, lớn lên, trưởng thành và sau này kiếm tìm hạnh phúc. Cô bé và các thành viên trong gia đình phải trải qua những thăng trầm trong cuộc sống với những cung bậc cảm xúc, hỉ nộ ái ố. Đặc biệt, Anandi 8 tuổi phải đi lấy chồng, sống cuộc sống của một con dâu và thường xuyên phải đối mặt với bà nội chồng khó tính. Trong xã hội ấy, vai trò của người phụ nữ không được xem trọng nên càng cay đắng hơn. Với mạch phim đó, việc khóc lóc là điều rất bình thường" - người lồng tiếng nhân vật Anandi chia sẻ.
Ê-kíp lồng tiếng cho rằng, đó là tính nhân văn của bộ phim nên họ không cảm thấy nhàm chán vì những câu thoại quá dài và nhân vật thường xuyên khóc lóc. Thậm chí, các thành viên trong team có được những cảm xúc mới mẻ và trải nghiệm thú vị khi lồng tiếng cho các nhân vật trong siêu phẩm truyền hình từng rất thành công trước khi đến với khán giả Việt Nam. Họ không chỉ tìm kiếm thu nhập, công việc này còn là đam mê mà cả ê-kíp muốn gắn bó lâu dài.
Với ê-kíp lồng tiếng, Cô dâu 8 tuổi mang nhiều giá trị nhân văn.
Một thành viên trong team tiết lộ, bộ phim này từng oanh tạc khá nhiều giải thưởng lớn tại các LHP nên họ cảm thấy vinh dự và hạnh phúc khi được lồng tiếng cho phim.
Đồng hành cùng các nhân vật trong phim nên những người lồng tiếng có cái nhìn đa chiều, thấu hiểu nhân vật Anandi và người bà khó tính.
Họ cho biết, Anandi là cô bé thông minh, xinh đẹp, lanh lợi, tốt bụng nhất mà ê-kíp từng được “làm việc cùng”. Cô bé lúc nào cũng ngoan ngoãn, hiếu thảo và luôn nghĩ đến người khác. Ở Anandi hội đủ mọi tố chất của một người con mà bất cứ gia đình nào cũng mong muốn.
Còn với bà Kalyani lại khác. Bên ngoài bà luôn là người khó tính đến khắt khe, cổ hủ đến đanh ác nhưng tất cả những gì bà thể hiện đều vì gia đình, mang những điều tốt đẹp nhất đến người thân.
"Phải nói rằng Kalyani là một nhân vật khá thú vị. Người ta có thể vừa ghét đến căm hận bà nhưng cũng vì thế mà thương và đồng cảm hơn với những gì bà đã trải qua", thành viên lồng tiếng bà Kalyani nói.
Nhiều lần rơi nước mắt khi đang lồng tiếng
Chia sẻ về việc khán giả truyền hình phàn nàn bộ phim kéo dài lê thê khiến mạch phim chậm, thiếu hấp dẫn, team lồng tiếng cho rằng họ chưa quen với cách làm phim của Ấn Độ.
Mỗi nước khác nhau sẽ có cách riêng để truyền tải nội dung lẫn thông điệp trong tác phẩm nghệ thuật của họ. Ấn Độ là quốc gia mà người dân rất trọng lễ nghi và thích tiểu tiết, nên với phim ảnh, các tình tiết không được đẩy nhanh như phim Mỹ, Hồng Kông... Họ muốn người xem tiếp cận từ toàn cảnh đến cận cảnh để diễn đạt đầy đủ diễn biến, biểu cảm của tất cả nhân vật trong phim.
"Các bạn thử nghĩ xem, cuộc đời của một con người phải trải qua bao nhiêu năm? Ngắn nhất trong âm nhạc cũng phải '60 năm cuộc đời' nên các tình tiết phim như thế cũng khá bình thường. Bên cạnh đó, Cô dâu 8 tuổi cũng không xuất hiện quá nhiều kịch tính, thỏa mãn được tác dụng giải trí thường ngày", nhóm lồng tiếng giải thích thêm.
Người bà nổi tiếng khó tính trong phim.
Không đơn giản mà Cô dâu 8 tuổi lấy đi nhiều nước mắt của người xem. Đồng hành cùng số phận của các nhân vật trong bộ phim, hơn ai hết, ê-kíp lồng tiếng có cái nhìn sinh động và chân thật hơn. Họ phải sống với từng vai diễn để thổi hồn và truyền cảm hứng cho khán giả. Nhiều lúc họ rơi nước mắt thật trên studio.
"Chúng tôi nghĩ nghề nào cũng vậy, một khi nó là niềm đam mê và đặt cái tâm vào công việc thì việc rơi nước mắt vì nhân vật cũng là điều bình thường. Chúng tôi không ít lần khóc khi đang lồng tiếng", nhóm chia sẻ.
Sau khi lồng tiếng nghìn tập, sống cùng nhân vật thời gian dài, họ có khá nhiều kỷ niệm. Hiện tại, mỗi khi muốn xả stress trong công việc, họ thường ngồi lại, nói chuyện và lắc đầu giống các nhân vật trong Cô dâu 8 tuổi. Đến thời điểm này, khi nhóm cùng nhau đi suốt 500 tập phim, họ đã “thấm” vào nhân vật rất nhiều.
Theo Zing