Có nghệ sĩ vì không có tiền chữa bệnh phải lấy vải buộc vào đầu gối để đỡ đau mỗi khi đi lại, có người phải bò trên nền nhà mỗi khi di chuyển vì không có người thân ở bên chăm sóc.


Mạc Can: 70 tuổi vẫn là người vô sản

Tác giả Tấm ván phóng dao sinh ra trong một gia đình có truyền thống về đàn ca tài tử ở Bạc Liêu. Từ nhỏ, ông đã theo cha mẹ rong ruổi trên những chiếc ghe hát.

Mạc Can khá đa tài. Dù không được học hành trọn vẹn nhưng ông là tác giả của nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn và tản văn được công chúng yêu thích. Ông từng đoạt giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam vào năm 2005.

Với điện ảnh, Mạc Can chỉ có duyên với những vai phụ nhưng ông vẫn để lại ấn tượng sâu đậm với khán giả. Ông từng hóa thân vào nhân vật bác Ba Phi trong Đất phương Nam, ông già bí ẩn trong đoạn mở đầu của phim Hiệp sĩ mù và đặc biệt là nhân vật người đàn ông bệnh hoạn trong phim Xích lô của đạo diễn Việt kiều Trần Anh Hùng. Dù chỉ xuất hiện trong một vài phân đoạn ngắn nhưng diễn xuất của Mạc Can khiến nhiều khán giả thấy rùng mình.

 {keywords}

Ở tuổi thất thập, Mạc Can vẫn phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh, không nhà cửa và bệnh tật. Ảnh: Thành Luân

Ngoài tài viết văn, đóng phim, Mạc Can còn là một nhà ảo thuật đường phố.

Nhiều tài lẻ nhưng ở cái tuổi thất thập, Mạc Can vẫn là người vô sản, không nhà cửa, không có vợ và chỉ có một người con gái - kết quả chuyện tình ngắn ngủi của ông với một phụ nữ Nhật. Tuy nhiên, do hoàn cảnh riêng nên tình cảm cha con ông không thực sự thân thiết.

Mạc Can tâm sự, nhiều lần, ông muốn tìm tới cái chết như một sự giải thoát. Và trên thực tế, ông từng tự tử hụt vì những bi kịch trong cuộc sống riêng.

Diễn viên phim Hiệp sĩ mù chia sẻ: "Khó khăn nào tôi cũng có thể vượt qua được, nhưng cứ đụng tới tiền là tôi sợ". Năm 2008, Mạc Can rơi vào tình trạng thiếu nợ đầm đìa. Để lo có tiền chữa trị cho cha mẹ già, ông phải đi vay lãi 40 triệu đồng và mỗi ngày phải trả góp 400.000 đồng. "Ai cũng tưởng tui là người nổi tiếng thì chắc có nhiều tiền. Nhưng nổi tiếng thì có nghĩa là nhiều người biết đến chứ tiền bạc cũng đâu có bao nhiêu. Mà cái nghề diễn, rồi thêm cái nghề viết... đâu phải lúc nào thu nhập cũng đều đặn" - nhà văn ngậm ngùi chia sẻ.

Mạc Can nói vui, đời ông chẳng mấy khi có tiền, nếu có tiền là bệnh lại tái phát. Ngoài bệnh đau bao tử, diễn viên sinh năm 1945 còn mắc thêm bệnh khớp và gút. Ông thường xuyên phải vào bệnh viện. Hiện tại, Mạc Can điều trị ngoại trú sau thời gian nằm viện.

Tuy sức khỏe không ổn định nhưng Mạc Can vẫn tiếp tục viết lách và đóng phim để lấy tiền sinh sống. Ông thường di chuyển từ phòng trọ này sang phòng trọ khác trong khu dành cho người lao động nghèo tại TP HCM.

"Vua nhạc sến" cô đơn trong căn phòng chật chội

Vinh Sử từng được mệnh danh là "vua nhạc sến". Ông là tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng như Nhẫn cỏ trao em, Người phu kéo mo, Quên cây cầu dừa, Tình đẹp màu chôm chôm....Ở thời điểm vinh quang, nhạc sĩ "hái ra tiền" nhờ bán nhạc.

Là người rất đào hoa, nhạc sĩ Vinh Sử từng có tới 4 người vợ. Tuy nhiên, khi tuổi xế chiều, ông phải đối diện với cuộc sống khó khăn, cô độc và bệnh tật. Ông bị phát hiện ung thư đại tràng cách đây 3 năm. Sau 2 cuộc phẫu thuật, sức khỏe của nhạc sĩ tạm thời ổn định.

Hiện tại, tác giả Qua ngõ nhà em sống trong căn nhà chật hẹp với chiều ngang hơn 1 m và chiều dài chừng 5 m, trong nhà, không có vật dụng gì giá trị. Người vợ thứ 4 của ông vì có cuộc sống riêng nên chỉ thỉnh thoáng mới ghé qua thăm. Các con của nhạc sĩ vì mỗi người mỗi nơi và do hoàn cảnh riêng nên không thể chăm sóc bố.

Tuy cuộc sống khó khăn nhưng "vua nhạc sến" vẫn rất lạc quan. Ông tự nhận mình may mắn hơn nhiều người bởi luôn nhận được sự giúp đỡ của người hâm mộ, các nghệ sĩ trong và ngoài nước.

Nhạc sĩ Vinh Sử tâm sự, ông không sợ bệnh tật, chỉ sợ không còn sáng tác được nữa. Với ông, âm nhạc là cuộc đời, là thuốc mỗi khi đau ốm. Chính trong những ngày ốm đau bệnh tật, ông viết được nhiều nhất.

{keywords}

Cuộc sống của nhạc sĩ Vinh Sử trong căn nhà chật hẹp tại TP HCM. 

Đào chính sân khấu cải lương phải đi bán vé số

Trang Thanh Xuân từng nổi danh trên sân khấu cải lương phía Nam. Bà đặc biệt được yêu thích với vai diễn Bạch Thanh Nga trong vở Máu nhuộm sân chùa. Tuy nhiên, khi môn nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn, bà phải nghỉ hát, bán ngô luộc, bánh chuối chiên nuôi gia đình. Khi cha mẹ qua đời, em trai lấy vợ và ở rể, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân cùng em gái dắt díu nhau tới sống trong một căn phòng rộng chưa đầy 10 m2 tại khu nhà trọ dành cho dân lao động tại Q.9, TP HCM. Suốt 15 năm qua, cô đào chính ngày nào phải sống bằng nghề bán vé số và nhặt ve chai.

Nghèo đói, không có chồng con, nghệ sĩ Trang Thanh Xuân còn phải chịu cảnh bệnh tật. Ở tuổi 60, bà mắc bệnh rối loạn tiền đình, hở van tim và thấp khớp. Với khoản chưa tới 60.000 đồng/ngày, người nghệ sĩ già phải sống rất tằn tiện. Nhiều khi không có tiền mua thuốc, bà phải dùng vải bó chặt đầu gối để đi lại mỗi khi đau nhức.

{keywords}

Nghệ sĩ Trang Thanh Xuân và cuộc sống cơ cực khi về già. 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khó khăn sau 3 lần bị tai biến

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý là tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng như Mẹ yêu con, Tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh...Ông là một trong những người đầu tiên thành lập Hội nhạc sĩ Việt Nam. Tuy nhiên, ở tuổi 90, tác giả Dư âm phải trải qua cuộc sống nghèo đói, bệnh tật và cô quạnh.

Ông sống trong một căn phòng chưa đầy 10 m2. Sau ba lần bị tai biến, mọi sinh hoạt của nhạc sĩ đều phải nhờ vào người giúp việc ngoài 50 tuổi. Cuộc sống của nhạc sĩ giờ chỉ trông chờ vào đồng lương hưu, tiền tác quyền và sự giúp đỡ của đồng nghiệp, người hâm mộ.

Tác giả Người đi xây hồ Kẻ Gỗ có hai người con nhưng hoàn cảnh của họ đều rất khó khăn. Cho tới gần đây, gia đình cô con gái út mới thu xếp về sống cùng ông.

{keywords}

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý khó khăn, bệnh tật khi về già. Ảnh: Thành Luân

Nghệ sĩ Hoàng Lan: Giám đốc trên phim, tay trắng ngoài đời

Nghệ sĩ Hoàng Lan quen thuộc với hình ảnh má mì, giám đốc, chủ quán cơm tù trong các tiểu phẩm và phim truyền hình. Tuy nhiên, cuộc sống của bà lại hoàn toàn khác hẳn.

Diễn viên phim Cổng mặt trời từng có chồng con, có tiền tỷ trong tay nhưng khi cuộc hôn nhân thất bại, bà rơi vào trạng thái trầm cảm, bao nhiêu tiền bạc cũng "đội nón ra đi". Ở tuổi xế chiều, nghệ sĩ Hoàng Lan rơi vào cảnh tay trắng, không chồng con, không nhà cửa và phải mang trong mình rất nhiều bệnh tật như thoát vị đĩa đệm, giãn tĩnh mạch, tăng nhãn áp cấp... Có thời điểm, bà không thể đi lại được. Để phục vụ các nhu cầu cá nhân, bà phải bò trên nền nhà.

Nghệ sĩ Hoàng Lan từng tâm sự: “Tôi trầm uất, chán chường, lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Không tiền chữa bệnh, có lúc tôi bế tắc, muốn uống thuốc ngủ để chấm dứt cuộc đời”. Rất may, mới đây các nghệ sĩ phía Nam tổ chức đêm nhạc để lấy tiền hỗ trợ người nghệ sĩ bất hạnh.

{keywords}

Nghệ sĩ Hoàng Lan cô đơn, bệnh tật khi xế chiều. Ảnh: NKA

Theo Zing