- Điều Còn Mãi đã đi được 5 chặng đường và hai người rất gắn bó với chương trình này chính là nguyên Tổng biên tập báo VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn và nhà văn hóa Việt Phương. Hãy cùng nghe những trải lòng của họ về chương trình đặc biệt ý nghĩa này.

Nguyên TBT báo VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn: 'Thật thiêng liêng khi tuyên bố khai mạc Hoà nhạc Điều Còn Mãi đầu tiên'!

Thưa ông Nguyễn Anh Tuấn, là một trong những người nghĩ ra ý tưởng và có nhiều năm gắn bó với "Điều còn mãi", ông có thể chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của chương trình ý nghĩa này?

Từ sự yêu thích hoà nhạc năm mới của Dàn nhạc giao hưởng Viên (Áo) vào sáng ngày đầu tiên mỗi năm, đầu năm 2009, tôi có ý tưởng tổ chức một buổi hoà nhạc của dòng giao hưởng, thính phòng hàng năm ở Việt Nam vào một ngày có ý nghĩa. Lúc ấy có những ngày để lựa chọn: Ngày đầu năm dương lịch, ngày đầu năm âm lịch, ngày Quốc Khánh, ngày thống nhất đất nước.

{keywords}
Nguyên TBT báo VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn ôm nhạc trưởng Lê Phi Phi sau buổi hòa nhạc Điều Còn Mãi thành công. Ảnh: Lê Anh Dũng.

Ngày đầu năm dương lịch đã có Hoà nhạc đón năm mới của Dàn nhạc giao hưởng Viên (Áo), ngày đầu tiên năm âm lịch thì mọi người dành cho gia đình. Do đó tôi quyết định chọn thời khắc lịch sử chiều 2/9 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập chính thức ra đời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà để tổ chức hoà nhạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Vào thời khắc thiêng liêng của đất nước nên hoà nhạc cần đáp ứng 2 yêu cầu: biểu diễn các tác phẩm âm nhạc Việt Nam thuộc dòng giao hưởng thính phòng và khơi dậy tình yêu tổ quốc trong mỗi con người Việt Nam. Tôi bàn với nhà văn hoá Việt Phương, người mà tôi rất yêu mến, kính trọng và nhận được sự khích lệ, ủng hộ của ông. Tôi quyết định báo VietNamNet chịu mọi chi phí tổ chức hoà nhạc, từ tài chính, nhân lực, thiết kế mỹ thuật và tư cách pháp nhân.

Tôi và nhà văn hoá Việt Phương thống nhất mời nhạc sĩ Dương Thụ làm Tổng đạo diễn chương trình và nhạc sĩ Dương Thụ rất nhiệt tình tham gia. Chúng tôi mời Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam do nhạc sĩ Ngô Hoàng Quân làm giám đốc. Trong buổi họp tổ chức hoà nhạc, anh Dương Thụ đề nghị tên là "Những Điều Còn Mãi". Nhà văn hoá Việt Phương chỉnh sửa thành "Điều Còn Mãi", tôi đề nghị là Hoà nhạc VietNamNet Điều Còn Mãi và mọi người thống nhất lấy tên là Hoà nhạc VietNamNet Điều Còn Mãi.

Nhà văn hóa Việt Phương gợi ý mời những vị khác là những nhân vật lịch sử của ngày 2/9. Lúc 2 giờ chiều ngày đầu thu nắng vàng rực rỡ 2/9/2009, hoà nhạc VietNamNet Điều Còn Mãi lần thứ nhất tại Nhà Hát Lớn Hà Nội đã để lại xúc cảm đặc biệt cho những vị khách mời và khán giả.

Đến giờ tôi vẫn nhớ hình ảnh ông hồ hởi rồi xúc động khi đón nhận lời chúc mừng của đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng báo VietNamNet nhân dịp hòa nhạc Điều còn mãi 2009. Với ông, đó có phải là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong quảng thời gian đồng hành và tổ chức Điều Còn Mãi?

- Đó là một trong những kỷ niệm thật đáng nhớ với Hoà nhạc VietNamNet Điều Còn Mãi. Nhà văn hoá Việt Phương liên hệ với thư ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp để xin những lời chúc mừng của Đại tướng tới hoà nhạc và trong những ngày cận kề 2/9/2009, mọi người đang chuẩn bị cho hoà nhạc thì Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi lời chúc: "Chúc mừng hòa nhạc VietNamNet Điều Còn Mãi. Mong điều còn mãi - tình yêu tổ quốc vang vọng mãi trong lòng và cổ vũ hành động của mỗi người Việt Nam ta".

{keywords}
Nguyên TBT báo VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn trong buổi họp báo Điều Còn Mãi 2011. Ảnh: Lê Anh Dũng.


Thật thiêng liêng khi tuyên bố khai mạc Hoà nhạc VietNamNet Điều Còn Mãi đầu tiên 2/9/2009 tôi cầm phiến đá ghi lời chúc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, giây phút xúc động đó tôi không thể nào quên. Trước đó, buổi gặp mặt các nhân vật đặc biệt như nhà văn hoá Việt Phương, Đại tá Lê Trọng Nghĩa... ở phòng gương của Nhà Hát Lớn Hà Nội cũng thật đáng nhớ. Hay khi tuyên bố Khai mạc Hoà Nhạc VietNamNet Điều Còn Mãi lần thứ hai, 2/9/2010, 1000 năm Thăng Long Hà Nội, khoảnh khắc bùng nổ khi kết thúc hoà nhạc, lên tặng hoa các nghệ sĩ biểu diễn tôi như thấy mình đang bay lên...

Bên cạnh các chương trình hòa nhạc hàn lâm tiếng tăm như Hennessy Concert, Toyota Classic, thời gian gần đây đáng chú ý đã có những chương trình hòa nhạc "100% Việt Nam'" mà Điều Còn Mãi là ví dụ điển hình nhất. Ông có nghĩ rằng âm nhạc hàn lâm đang tìm được đường đến với công chúng ở Việt Nam?

- Những giá trị cao đẹp chắc chắn sẽ có chỗ đứng trong lòng công chúng có văn hoá. Tôi tin rằng khán giả Việt Nam yêu âm nhạc tinh hoa sẽ ngày càng nhiều.

Điều gì ông mong muốn và hy vọng sẽ là "Điều Còn Mãi" của chương trình này?

- Rất vui khi năm nay Hoà nhạc VietNamNet Điều Còn Mãi trở thành Hoà Nhạc Quốc Gia Điều Còn Mãi.

Tôi mong muốn âm nhạc của Hoà Nhạc Quốc Gia Điều Còn Mãi hiệu triệu tình yêu, sự dâng hiến cho Tổ QUỐC của mọi người Việt Nam: từ các nhà lãnh đạo tới mỗi công dân. TỔ QUỐC không của riêng ai, do đó  mỗi người chủ động góp sức đổi mới,  xây dựng và bảo vệ, làm cho Việt Nam trở thành niềm tự hào của mỗi người Việt Nam, để Việt Nam được bạn bè thế giới nể trọng.

Tôi cũng hy vọng hoà nhạc này luôn sáng tạo và luôn giữ được chất lượng nghệ thuật cao, rung động trái tim người Việt Nam, và  sẽ có những sáng tác mới thuộc dòng giao hưởng, thính phòng  xuất sắc về công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc hôm nay để được chọn lọc biểu diễn trong hoà nhạc, cũng như xuất hiện những nghệ sĩ tài năng trẻ, những tên tuổi mới trong dòng âm nhạc này.

Và tôi mong muốn Hoà nhạc Quốc gia Điều Còn Mãi sẽ được trân trọng ở các nước văn minh, tiên tiến.

{keywords}

Ông Nguyễn Anh Tuấn (ngoài cùng bên phải) trao giải thưởng Âm Nhạc Cho Tất Cả mang tên Charles Ansbacher lần thứ 3 năm 2014  tại Boston.

Là người có nhiều ý tưởng sáng tạo không chỉ ở Việt Nam mà cả ở thế giới và biết cách biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực như Hoà nhạc hoà giải, Giải thưởng âm nhạc cho tất cả được tổ chức thành những sự kiện âm nhạc ở Bosston, trung tâm văn hoá, trí tuệ hàng đầu thế giới, ông có hy vọng rằng người Việt Nam có thể sáng tạo những giá trị mới cho nhân loại? Và muốn vậy chúng ta cần làm những gì?

- Tôi tin rằng người Việt Nam sẽ sáng tạo ra những giá trị văn hoá, đóng góp cho nhân loại. Hoà nhạc hoà giải và Giải thưởng âm nhạc cho tất cả mang tên Charles Ansbacher đã trở thành sự kiện âm nhạc, sự kiện văn hoá hàng năm ở vùng Boston. Sẽ còn những sáng kiến, những sáng tạo mới được đón nhận.

Để sáng tạo những giá trị mới cho nhân loại cần có tình yêu thương với trái đất thân yêu của chúng ta, sự trân trọng những giá trị cao đẹp của mỗi dân tộc, niềm tin vào lòng tốt, vào điều thiện trong mỗi con người và quý trọng sự thành công của người khác, luôn tâm niệm làm những điều có ích cho bạn bè, cho những người xung quanh mình.

Nhà văn hóa Việt Phương: Người đề nghị bỏ chữ "những" đi, lấy "Điều Còn Mãi" chính là tôi!

Khi ông Nguyễn Anh Tuấn đưa ra ý tưởng về Điều Còn Mãi. Ông đã đón nhận ý tưởng này như thế nào?

- Có một chuyện thế này, ban đầu chương trình lấy tên là "Những Điều Còn Mãi", người đề nghị bỏ chữ "những" đi, lấy "Điều Còn Mãi" chính là tôi. Và ý tưởng này được chấp nhận.

Điều Còn Mãi ở đây là dân tộc này, đất nước này và sự gắn bó tin yêu hết lòng hết sức góp phần vào sự phát triển phồn vinh của đất nước này trong mỗi một con người Việt Nam.

Điều Còn Mãi diễn ra là một buổi ca nhạc đặc biệt với ba nội dung. Một là những bài dân ca Việt Nam, hai là nhạc cổ điển và ba là nhạc nhẹ Việt Nam. Cả ba loại nhạc ấy đều là nhạc Việt Nam bởi nhạc cổ điển Việt Nam là do các tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam làm, cũng có một phần nhạc cổ điển bên ngoài.

{keywords}
Nhà văn hóa Việt Phương (bên trái). Ảnh: Lê Anh Dũng.


Địa điểm diễn ra Điều Còn Mãi là Nhà hát Lớn - nơi trang trọng nhất của Hà Nội. Giờ diễn ra đúng 14h ngày 2/9 thật ý nghĩa. Có thể nói cả không gian và thời gian đều đặc biệt cả và điều đó giữ mãi cho đến bây giờ.

Ông luôn nằm trong thành phần ban cố vấn Điều Còn Mãi những năm qua. Là người đồng hành và sát sao vậy Điều Còn Mãi năm nào ấn tượng nhất nhất với ông?

- Năm nào đến ngày 2/9, tôi cũng chờ đợi chương trình Hòa nhạc Điều Còn Mãi. Và năm đầu tiên Hòa nhạc VietNamNet Điều còn Mãi 2009 là tôi ấn tượng nhất. Có một chi tiết này tôi cũng muốn chia sẻ với bạn đó là năm nay anh Phạm Anh Tuấn - Tổng biên tập của báo VietNamNet cũng mời tôi trước khi vào dự buổi hòa nhạc chính thức Điều còn mãi lúc 14h ngày 2/9 thì có cuộc gặp mặt một số đông người, đó là những người tri thức, những người văn sĩ, những người cộng tác viên rất quý tại Nhà Gương của Nhà hát Lớn Hà Nội và trong buổi đó tôi sẽ phát biểu ý kiến. Và tôi đang khó khăn đây không biết mình sẽ nói gì đây!

- Cảm ơn nhà văn hóa Việt Phương và nguyên Tổng biên tập VietNamNet Nguyễn Anh Tuấn về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà

Trân trọng cảm ơn Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam-VietinBank (nhà tài trợ Kim cương), Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài gòn - Sabeco (Tài trợ Đồng). Đơn vị hỗ trợ kinh phí tổ chức: Công ty Cổ phần Truyền thông VietNamNet (VIETNAMNET JSC). Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tài trợ địa điểm Nhà hát Lớn Hà Nội.