- Khán phòng Nhà hát lớn Hà Nội chiều 2/9 vang dội những tiếng vỗ tay trước sự thăng hoa âm nhạc của những nghệ sĩ biểu diễn. Trong đó có cả những giọt nước mắt của ca sĩ, nhà báo và khán giả.
Nhạc sĩ Văn Ký: "42 tuổi, Đăng Dương đang ở độ chín của nghề. Tổ quốc gọi tên mình không phải là một ca khúc dễ hát nhưng bằng nội lực của giọng hát và có lẽ bằng cả niềm tự hào trong máu thịt nên Đăng Dương đã hát ca khúc này rất tuyệt vời. Tôi có gặp Đăng Dương sau khi chương trình diễn ra, mắt cậu ấy vẫn đỏ hoe và tôi hiểu rằng giọt nước mắt mà cậu ấy khóc trên sân khấu ngày hôm nay là giọt nước mắt của hạnh phúc và niềm tự hào".
Nhạc sĩ Doãn Nho: "Phải chịu nhiều áp lực khi thể hiện tác phẩm nổi tiếng Chiếc khăn Piêu với Dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam nhưng Tùng Dương đã khiến khán giả thực sự sửng sốt, trong đó tôi bị chinh phục hoàn toàn khi ca khúc này một lần nữa được "lột xác". Tôi cho rằng Tùng Dương là người thông minh, cậu cũng có nền tảng của một ca sĩ có trí tuệ và Tùng Dương là ca sĩ khiến nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ và cả những người già như tôi cũng phải nể phục".
Tùng Dương với "Chiếc khăn Piêu". |
Nhà báo Thủy Lê - Báo Lao Động: "Phải nói là tôi chưa từng bỏ sót một chương
trình "Điều còn mãi" nào, nhất là năm nay. "Điều Còn Mãi" năm nay, "điểm
cộng" đầu tiên theo tôi là kết cấu chương trình. Việc cài cắm xen kẽ các ca khúc
với các tác phẩm khí nhạc giúp chương trình mềm mại, uyển chuyển hơn, không đến
nỗi "làm khó" những khán giả vốn không mấy mặn mà với khí nhạc.
Thường ra thì chương trình là mảnh đất trước hết được dành cho các ca sĩ nhạc đỏ nhưng xem ra, Tùng Dương lại là người gây dấu ấn nhất. Trước đó, khi nhìn vào list bài hát, thú thật tôi không chờ đợi vào "Chiếc khăn Piêu" nữa, vì nghĩ là Tùng Dương và Nguyên Lê đã "làm hết nhẽ" với nó rồi, không thể làm hơn.
Nhưng rõ ràng, việc thể hiện với Dàn nhạc giao hưởng lần này quả đã giúp Tùng Dương thêm lần nữa ghi điểm. Ngoài bản phối khí mới, thần thái biểu diễn của Tùng Dương cũng rất xuất thần, đưa đến một Chiếc khăn Piêu khác hẳn. Trên sân khấu Điều Còn Mãi, cùng với Người lái đò trên sông Pô Cô, Tùng Dương trông thật đĩnh đạc, rắn rỏi, khác hẳn với vẻ "âm tính" mà anh vốn dĩ sở trường.
Ca sĩ Đăng Dương với "Tổ quốc gọi tên mình". |
Ngoài phần biểu diễn của Tùng Dương thì tôi cũng rất thích cái kết của "Điều Còn Mãi": Ca khúc Tổ quốc gọi tên mình do Đăng Dương thể hiện. Một dấu chấm
đẹp cho chương trình, theo tôi là thế. Vì nó cho thấy nhạc đỏ không chỉ tiếp tục
sống trong ký ức của người nghe mà còn được viết tiếp bởi những tiếng nói công
dân - nghệ sĩ của ngày hôm nay. Nếu như tôi không nhầm thì hình như Đăng Dương
đã khóc, và chúng tôi cũng đã thật khó để ra về...".
Nhà báo Đỗ Huyền - Báo Văn hóa: "Lâu rồi tôi không ở Hà Nội vào dịp 2/9 và đây là lần đầu tiên tôi được nghe, xem chương trình Điều còn mãi trực tiếp. Khi bước chân vào Nhà hát Lớn để bắt đầu với buổi hòa nhạc tôi đã có một cảm giác đặc biệt, một sự thiêng liêng, một niềm tự hào dâng trào khi đứng lên hát Quốc ca mở màn.
Có thể nói chương trình năm nay tôi đặc biệt thích bài Bám biển quê hương và Bài ca chung thủy không chỉ bởi giọng hát ca sĩ Trọng Tấn rất hay hay tiếng đàn điêu luyện của nghệ sĩ violin tài năng Xuân Huy mà thấy nó có những câu chuyện Việt Nam trong đó. Tuy nhiên, tác phẩm Cây trúc xinh lại khiến tôi cảm động nhất.
Ca sĩ Trọng Tấn với "Bám biển quê hương". |
Điều Còn Mãi theo tôi là một chương trình tử tế. Nếu như không có những chương trình như Điều Còn Mãi, thì cả một kho tàng các bản khí nhạc, thính phòng của Việt Nam sẽ rất ít được biết đến. Xin cảm ơn báo VietNamNet về những nỗ lực để dành cho khán giả như tôi có được những khoảnh khắc đáng nhớ của cuộc đời".
Khán giả Đăng Vinh - 24 tuổi, hiện sinh sống và làm việc tại New York (Mỹ) về thăm nhà đúng dịp 2/9. "Tôi thấy mình hạnh phúc và may mắn khi là khán giả ngồi nghe trực tiếp các ca khúc hay của Việt Nam. Nhưng ấn tượng nhất với tôi chính là phần trình diễn xuất sắc của ca sĩ Đăng Dương. Tôi biết ơn và nghi nhớ giây phút này" - Đăng Vinh nói.
Bác Việt An - 78 tuổi (số 3 Lý Quốc Sư, Hà Nội): ''Chương trình năm nay không chê vào đâu được. Đăng Dương là ca sĩ luôn bản lĩnh và đầy tự tin trên sân khấu với rất nhiều ca khúc hay đi cùng năm tháng, nhưng lần biểu diễn hiếm hoi trong chương trình Điều Còn Mãi 2015 tôi thấy ca sĩ Đăng Dương đã rơi lệ khi hát những câu cuối Tổ quốc gọi tên mình. Những khoảnh khắc thăng hoa tuyệt vời của Đăng Đương đã chạm vào trái tim khán giả như tôi. Người già khóc vì giọng hát của người trẻ, âu cũng là một niềm hạnh phúc".
Sơn Hà
Ảnh: Lê Anh Dũng