- Được biết đến với những cuốn tiểu thuyết lãng mạn, và bản thân Linh Lê cũng từng cho biết mình “Chưa bao giờ cũ trong tiểu thuyết”. “Còn lại tiếng người hót đắng cay” là tên tập thơ đầu tay vừa được ra mắt của cô.


- Với lần trở lại bằng thơ này, phải chăng đã đến lúc Linh Lê thấy mình đã thật sự cũ trong tiểu thuyết?

- Văn chương đối với người viết không có chuyện cũ, mới. Chỉ có hai vấn đề: Còn đam mê và còn lực viết hay không? Hai vấn đề này của người viết không phải tự nhiên mà tồn tại mãi, cũng không phải tự nhiên mất đi, nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố của cuộc sống.

{keywords}
Linh Lê.

Tôi vẫn giữ tham vọng và ngọn lửa đam mê của mình đối với tiểu thuyết, nhưng đã đến lúc tôi cần vượt qua chính mình ở thể loại này. Càng sống, càng đi nhiều, tôi càng cảm nhận rất rõ rệt những gì mình viết ra trước đây vẫn còn quá nhỏ bé. Tôi cần một sự chuẩn bị kỹ lưỡng đối với cuốn sách tiếp theo của mình cho thể loại tiểu thuyết. Và hiện tại, tôi đang tiến hành điều này.

Với thơ, là một sự tình cờ. Tôi không xuất bản lúc này thì cũng xuất bản lúc khác, vì tập thơ đầu tay “Còn lại tiếng người hót đắng cay” không chỉ là một tập thơ đơn thuần, mà nó như là một câu chuyện tôi đã ấp ủ trong trái tim mình từ rất, rất lâu rồi, đến lúc hoàn thiện thì ra mắt thôi.

- Thơ không còn dành được nhiều sự quan tâm của người đọc như trước đây. Là người trong nghề, chắc Linh Lê hiểu rõ điều đó. Vậy sao Linh Lê vẫn chọn thơ cho sự ra mắt lần này?

- Tôi cũng có nghĩ đến, vấn đề là tâm huyết và đam mê của tôi lớn hơn nhiều so với nhu cầu của thị trường và đọc giả. Khi hoàn thành xong bản thảo “Còn lại tiếng người hót đắng cay”, tôi đã rất hân hoan khi nghĩ đến ngày sách được xuất bản và ra mắt bạn đọc, mặc dù cũng không đặt quá nhiều kỳ vọng.

{keywords}

Niềm vui, sự hân hoan của tôi là vô giá. Giống như bạn sinh ra một đứa con, bạn sẽ muốn nó được ngắm nhìn cả thế giới, mặc ai khen chê, mặc ai đón nhận. Đó là tình yêu, và quan trọng là chúng ta có dám đi đến cùng với tình yêu của mình hay không?

Bên cạnh đó, “Còn lại tiếng người hót đắng cay” là một tập thơ có chất riêng biệt. Tôi không làm thơ, mà tôi kể chuyện với thơ. Và dù ít hay nhiều, tôi tin mình sẽ “thuyết phục” được người đọc.

- Những tác phẩm trước của Linh Lê thường đề cập khá táo bạo đến tình dục, và cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc này, đặc biệt ở cuốn “Người tình Sài Gòn”. Vậy với thơ thì sao?

- Tiểu thuyết có nhiều đất để phô diễn cái bản năng tính dục mà tôi cảm thấy cần thiết cho các nhân vật của mình. Nhiều khi có những cá tính, những góc khuất bên trong nào đó của nhân vật chỉ được bộc lộ ra ngoài thông qua tình dục. Tôi cho rằng, đối với cuộc sống thường ngày của chúng ta, giữa những người yêu nhau, nó cũng vậy thôi. Người ta càng né tránh thì càng làm cho những suy nghĩ, tư tưởng của mình về tình dục trở nên bối rối.

Thơ thì có nhiều lợi thế để đẹp hơn trong vấn đề này nếu có đề cập đến, vì âm thanh giữa các câu thơ dễ đi thẳng vào cảm xúc người đọc. Tư tưởng của tôi trong văn chương nghệ thuật, dù là tiểu thuyết, hay thơ, hay truyện ngắn, tản văn… vẫn nhất quán thôi, không có sự khác biệt. Tôi thích cái đẹp, thích những điều đến tự nhiên, mà tình dục lại là một điều đẹp nhất của tự nhiên.

{keywords}
 

- Thế nên mới có những bài thơ như “Bướm buồn”, “Cái động”, “Cơn giông", với những hình ảnh rất gợi mở và khiêu khích người đọc?

- Bạn nghĩ người đọc bây giờ dễ bị khiêu khích đến thế sao? Không chỉ nói đến thơ, ngay trong đời sống thường ngày, bất cứ hình ảnh nào cũng chứa đựng sự liên tưởng. Quan trọng là cách tiếp cận của người ta với những chi tiết của cuộc sống, cũng như trong thơ ca như thế nào? Điều đó, phản ánh khá nhiều đến giới hạn trong tinh thần của mỗi người.

Chị lấy tên tập thơ là “Còn lại tiếng người hót đắng cay”. Vậy, trong đời sống thực của mình, tiếng người còn lại xung quanh Linh Lê liệu có “đắng cay” như lời thơ không?

- Cuộc sống là một tạp âm. Và thật sự, nhiều lúc tôi sợ tiếng nói nằm trong chính bản thân mình hơn là tiếng người đời, tiếng ong tiếng ve xung quanh.

- Cảm ơn Linh Lê đã chia sẻ, chúc chị có nhiều thành công hơn nữa trên con đường văn chương.

Linh Lê sinh năm 1986 tại Đà Nẵng, hội viên Hội nhà văn Hà Nội. Các tiểu thuyết đã xuất bản: Không khóc ở Kuala Lumpur, Mùa mưa ở Singapore, Người tình Sài Gòn.

Minh Hà