- Thực hư chuyện có người chết trong lễ phát ấn 2011? Nguồn thu từ lễ hội đền Trần sẽ đi đâu?... Hàng loạt những câu hỏi thẳng thắn và những tham luận trái chiều nhau khiến buổi hội thảo Mô hình tổ chức, quản lý lễ hội đền Trần Nam Định năm 2012 tại TP. Nam Định dù chỉ diễn ra có 1 ngày nhưng nóng bỏng cho tới lúc bế mạc.

Tách bạch chuyện phát ấn và công đức
Trước luồng dư luận khá lớn trong thời gian gần đây về cách tổ chức cũng như tính văn hóa và lịch sử có trong lễ hội đền Trần, nhất là khi chỉ còn nửa năm nữa là lễ hội đền Trần 2012 sẽ diễn ra, buổi hội thảo đã thu hút khá nhiều quan tâm của các nhà khoa học, những người có trách nhiệm quản lý, tổ chức, cũng như sự quan tâm của nhiều người dân.

Quang cảnh buổi hội thảo

Có mặt tại buổi hội thảo có rất nhiều các nhà khoa học như  GS.TS Kiều Thu Hoạch, TS Nguyễn Xuân Năm (nguyên GĐ Sở VHTT Nam Định), Ông Trần Chiến Thắng (nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL), PGS.TS Đặng Văn Bài (nguyên Cục trưởng Cục Di Sản), PGS.TS Trương Quốc Bình (cựu GĐ Bảo tàng Mỹ thuật), TS Lê Thị Minh Lý (Phó Cục trưởng Cục Di sản, Bộ VHTTDL), PGS. TS Trần Lâm Biền, Đại diện Ban liên lạc họ Trần Việt Nam và Ban liên lạc họ Trần (Nam Định,) Chủ tịch Phường Lộc Vượng, đại diện của người dân khu vực đền Trần...

Chủ tọa buổi hội thảo GS. Nguyễn Chí Bền khẳng định: "Buổi hội thảo dựa trên kết luận của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh về việc Lễ khai ấn tại đền Trần 2012 phải được tổ chức đúng theo các nghi thức truyền thống và sẽ không tổ chức phát ấn vào đêm 14 tháng Giêng âm lịch". Ông nhấn mạnh mục đích của hội thảo bàn về việc phát ấn theo hai phương án mà Bộ VH-TT-DL đã phê duyệt trong đề án lần thứ 3.

Hai phương án được hội thảo đưa ra thảo luận đó là: 1- Không tổ chức phát Ấn, chỉ khai Ấn. 2 - vẫn tổ chức phát Ấn, nhưng phát vào ngày hôm sau và kéo dài trong 2 hoặc 3 ngày sau đó.

Những thay đổi lớn nằm trong Lễ hội đền Trần năm nay trong đề án cũng được Bộ VH-TT-DL phê duyệt ,đó là: Không phân biệt sang hèn, chức sắc hay dân thường, thân hay sơ khi đến tham dự lễ hội. Nếu tổ chức phát ấn thì không lấy tiền, tách bạch hai địa điểm phát ấn và công đức ra hai nơi khác nhau. Số lượng phát ấn không hạn chế, kéo dài thời gian phát ấn, mở động địa điểm phát ấn.

TS Trần Mạnh Quảng

Không thể quản lý lễ hội bằng thủ tục hành chính

Trước hai phương án các nhà khoa học, các nhà quản lý, và người dân đều đã có những tham luận sôi nổi và có nhiều ý kiến trái chiều nhau nhưng trên tinh thần xây dựng.

"Không thể quản lý lễ hội đền Trần bằng một thủ tục hành chính đơn giản mà phải qua công tác nghiên cứu khoa học một cách công khai" - Chủ tọa hội thảo - GS Nguyễn Chí Bền - Viện trưởng viện VH-NT đưa ra ý kiến.

Người thuyết trình đề án lần thứ 3 của Bộ, PGS-TS Lương Ngọc Quang nói: "Đây là một đề án chưa hề có tiền lệ trong quá trình quản lý văn hóa".

Chủ tịch và là đại diện cho hội đồng Trần tộc Việt Nam, TS Trần Mạnh Quảng đưa ra kiến nghị một cách tha thiết: "Bất cứ nơi đâu có đại lễ, sự náo nhiệt và hiện tượng xô đẩy là không tránh khỏi, nhưng không vì hiện tượng xô đẩy lấy ấn mà mất đi truyền thống bao đời nay vào giờ Tý rằm tháng Giêng.

Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng năm qua việc tổ chức và công tác an ninh trong toàn bộ lễ khai Ấn trước giờ phát Ấn đã làm tốt, tuy nhiên sau lễ khai ấn, công tác an ninh đã bị nới lỏng khiến công tác tổ chức đã gặp nhiều thiếu sót.



Ông Trần Quốc Văn
Ông Trần Quốc Văn (80 tuổi) thay mặt các cụ bô lão thôn Tức Mặc, Phường Lộc Vượng cũng có ý kiến : "Nếu khai ấn xong để đến 8h sáng ngày Rằm tháng Giêng chúng tôi lo lắng sẽ phức tạp hơn cho người quản lý, làm đảo lộn lễ nghi tín ngưỡng truyền thống của địa phương. Tôi mong muốn các cơ quan chức năng quản lý và duy trì tốt hơn công tác an ninh từ khi chuẩn bị phát ấn đến lúc phát hết ấn lộc". Đặc biệt ông Quốc Văn còn kiến nghị nên sớm thu hồi đất của Công ty Giống Cây trồng rộng hàng chục hecta bao quanh khu di tích để mở rộng không gian lễ hội.
Dùng ấn của vua hay ấn của dân?
Về nguồn gốc lịch sử của lễ khai ấn Đền Trần các nhà khoa học phần lớn đều khẳng định tài liệu cổ về Lễ khai ấn thời Trần chưa phát hiện được (PGS.TS Trần Đức Minh - Chủ tịch hội khoa học Lịch sử tỉnh Nam Định), tuy nhiên nhiều nhà khoa học đã nhất trí rằng lễ hội đền Trần hình thành từ lâu đời trong dân gian và trở thành nét văn hóa đẹp.

Theo GS.TS Kiều Thu Hoạch - Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian  "Khai ấn theo đúng nghĩa là một thủ tục hành chính, nhưng dùng trong lễ hội văn hóa tại Đền Trần thì mang khái niệm dân gian chứ không phải là một thủ tục hành chính nên lễ hội Đền Trần chỉ mang tính chất của lễ hội văn hóa dân gian đơn thuần".

TS Nguyễn Hồng Kiên - Viện Khảo cổ học Việt Nam - người con đất Thành Nam cũng đưa ra ý kiến về nguồn gốc lịch sử của lễ hội đền Trần: "Không hề có chuyện nguồn gốc của lễ khai ấn bắt nguồn từ việc sau khi đánh thắng quân Nguyên - Mông, vua Trần thiết triều ở Tức Mặc - Thiên Trường để thưởng công, ban tước như nhiều người, nhiều báo nói/viết. Còn việc ở Tức Mặc-Thiên Trường năm đó chỉ là Trần Cảnh ngự đến hành cung Tức Mặc, ban tiệc lớn. Các hương lão từ 60 tuổi trở lên, mỗi người được ban tước 2 tư, đàn bà được 2 tấm lụa.Chắc chắn càng không có chuyện nhà Trần cứ Tết đến lại đóng ấn, ban chức tước.Vì vậy lễ hội khai ấn đền Trần chỉ là lễ hội có nguồn gốc dân gian của người dân quanh vùng gần đền chứ không phải là một lễ hội bị thổi quá lên tầm quốc gia".


T.S Nguyễn Xuân Diện.

Về chiếc ấn dùng trong lễ hội Đền Trần các nhà khoa học tại buổi hội thảo cũng làm rõ nguồn gốc của chiếc ấn, và dùng chiếc ấn nào khi hiện nay đã phát hiện ra nhiều chiếc ấn khác.

TS. Trần Chiến Thắng - nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL nói : Chiếc ấn đang dùng trong lễ hội Đền Trần là "Trần Miếu Tự Điển" của dân tạo ra nên có thể dùng để in ấn và phát cho dân. Hiện nay xuất hiện một chiếc ấn khác nhiều người tranh luận đó là ấn "Trần Triều Chi Bảo" - đây là ấn của vua vì vậy chỉ có vua mới được dùng để in và phát ấn. Việc tranh cãi dùng chiếc ấn "Trần Triều Chi Bảo" là không phù hợp.

TS. Nguyễn Xuân Diện - Phó GĐ Viện nghiên cứu Hán Nôm làm rõ hơn về nguồn gốc của chiếc ấn "Trần Miếu Tự Điển"  "Tôi khẳng định chiếc ấn này là của dân tạo ra khoảng vài chục năm gần đây bởi không bao giờ người ta làm chiếc ấn mà chữ chân vuông chằn chặn như thế cả mà phải là chữ đại triện, tiểu triện hoặc chữ lệ... còn chữ Trần Miếu Tự Điển chân phương của chiếc ấn Trần hiện nay người xưa không ai làm thế cả!".
Xin ấn để lên chức - chuyện hão huyền
Về ý nghĩa của lễ hội đền Trần - đặc biệt là lá ấn theo như nhiều người đồn thổi là đem lại tài lộc, thăng quan tiến chức... tất cả đã bị phủ định hoàn toàn ngay tại buổi hội thảo. Các nhà khoa học chỉ đồng ý với quan điểm việc có được một chiếc ấn chỉ là có ý nghĩa cầu sức khỏe, cầu may mắn bình an và chỉ là tính chất tâm lý.

TS. Trần Chiến Thắng - nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT-DL

TS. Trần Chiến Thắng - nguyên thứ trưởng Bộ VH-TT-DL thẳng thắn trong hội thảo: "Tôi bản thân 10 năm đương chức đều có ấn một là do người thân tặng hai là đã tự tay lấy ấn nhưng không hề thấy mình được thăng tiến trong chức vụ. Và tôi cũng thấy nhiều người khác có được ấn cũng bị mất hoặc xuống chức vụ. Vì vậy mọi đồn đại về lá ấn tôi khẳng định đều là không có thật!".

TS Nguyễn Xuân Diện bày tỏ quan điểm: "Lễ hội của dân gian chúng ta phải trả về cho dân gian, trả về cho cộng đồng. Chúng ta đừng không hô hoán hay làm quá lên ý nghĩa của nó. Lễ hội phải có tư tưởng và tinh thân, ở lễ hội đền Trần là tinh thần của hào khí Đông A tức là quan dân một lòng, gác thù nhà đoàn kết để lo việc nước".




Kết quả khảo sát thăm dò ý kiến người dân về tác dụng của ấn đền Trần.

GS.TS Trần Lâm Biền nhấn mạnh: "Cái kết của lễ hội là để quy tụ lòng đoàn kết và yêu nước của nhân dân!". Những tham luận đầy tâm huyết mang tính xây dựng của các nhà khoa học  trong hội thảo sẽ được các cấp có thẩm quyền xem xét và phê duyệt vào tháng 8/2011.

Trả lời về  thông tin có một người chết trong lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2011, Chủ tịch UBND xã Lộc Vượng nói chuyện ngất, mất trộm mất cắp là có nhưng chuyện người chết là không có. Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định cũng khẳng định   không có ai chết trong quá trình tham gia lễ hội.

Về nguồn thu của lễ hội đền Trần: Trước năm 2007 nguồn thu là địa phương thu. Sau 2007, Thành phố Nam Định quản lý về mặt nhà nước, còn thu là UBND phường thu. Số tiền thu được 60% tỉ lệ tiền công đức là địa phương thưa. 40% là dành cho ban quản lý di tích dành cho việc tu bổ, tôn tạo xây dựng di tích.
Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng