- Nếu có một phép màu giúp cho các họa sĩ nổi tiếng nhất toàn cầu sống lại được, thì chắc hẳn họ sẽ xin… chết, khi nhìn thấy những họa phẩm hàng đầu thế giới của mình đang bị biến thành đống… rác giá bèo, thê thảm dưới tay người mua.

Thích tinh hoa phương nào cũng có

Trên những con đường được mệnh danh là “phố tranh” như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Bùi Viện, Đề Thám, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Văn Trỗi, Trần Phú… (TP.HCM), có ít nhất khoảng 160 gallery tranh (bao gồm cả tranh sáng tác). Đó là chưa kể đến những khu vực khác với số phòng tranh được cộng thêm khoảng vài ba chục nữa. Số lượng này, nếu so với cách đây mười năm thì có lẽ đã tăng gần gấp ba lần.

Có thể nói hầu hết các danh họa trên thế giới, từ thời Phục hưng như Leonnard de Vinci, Goya, trào lưu Tân Cổ điển như Ingres, trường phái Lãng mạn như Géricault, cho đến dòng Ấn tượng như Renoir, Sisley, Monet, Manet, rồi đến xu hướng lập thể như Picasso, Braque, tranh trừu tượng của Kandinsky hay siêu thực của Sanvador Dali…, đều nghiễm nhiên hội tụ trong thị trường tranh Việt.

Bức tranh nổi tiếng "Mùa thu vàng" của danh họa Levitan

Nếu có thời gian nhìn qua cơ cấu tác giả nước ngoài ấy, bạn sẽ thấy Sài Gòn là nơi hội tụ của tất cả những gì tinh túy nhất về trí tuệ hội họa thế giới.

Thế nhưng, có ai tưởng tượng được, những bức họa hàng đầu thế giới đang vật lộn trong một cuộc sống thương trường như thế nào?  Sau khái niệm "nhạc rác", liệu có xuất hiện thêm khái niệm "tranh rác"?

Hạ bệ thánh đường nghệ thuật

Khách mua tha hồ ngắm nghía, lựa chọn các tác giả, các gu nghệ thuật theo cách nhìn riêng của mình, và cũng tha hồ mặc cả giá tranh chép hệt như với… thịt cá ngoài chợ mà không cần bất cứ một sự kiêng nể nào đối với thánh đường nghệ thuật này.

Cùng một bức tranh chép, chẳng hạn như bức Cà phê đêm của Van Gogh, cùng khổ 60 x 80 cm, một số nơi giá phổ biến là 600-700.000 đồng, có những nơi lại lên đến trên 1 triệu đồng, nhưng cũng có những phòng tranh chỉ khoảng 400-500.000 đồng. 

Còn nếu lướt qua các web trên mạng về chép tranh, thậm chí có thể “đặt mua Van Gogh” với giá 250-300.000 đồng một bức.

"Quán cà phê đêm" trứ danh của Vincent Van Gogh

Hay như bức Mona Lisa của Leonard de Vinci. Đây là một tác phẩm quá đỗi nổi tiếng mà không một gallery tranh chép nào trên thế giới bỏ qua. Ở Việt Nam, bức tranh này được khai thác 100%, nghĩa là được chép theo đủ các cách có thể, miễn là thỏa mong ước tái hiện chân dung và nụ cười bí hiểm của nhân vật đã làm say lòng cả nhân loại.

Nhưng khổ nỗi, cái nụ cười, gương mặt và cả bàn tay của nhân vật trong Mona Lisa lại quá khó để thể hiện, vậy nên có gallery chép được mặt thì mất tay (theo nghĩa bóng), có gallery chép được tay thì mất mặt, lại có cả gallery hình như điểm xuyết cho người phụ nữ trong tranh bộ ria mờ để thêm quyến rũ thì phải! Có nơi tự hào chép đạt thì nống giá lên đến vài triệu đồng, còn có nơi chép ẩu tả thì chỉ dám kêu giá chưa tới một triệu đồng.

Nhưng đặc biệt nhất là những gallery mà sự lười biếng lên đến đỉnh điểm. Những nơi này khỏi cần đầu tư công sức gì, chỉ cần đem bản mẫu tranh đi pho to rồi tô màu lên, chỉnh đi chỉnh lại đôi chút là có ngay được một Mona Lisa hoàn chỉnh hơn hẳn sự kỳ công của việc chép tay. Dĩ nhiên, giá của loại tranh chép này down chỉ còn chưa đầy 500.000  đồng/bức. 


Tranh Monet - Thật đau lòng khi những bức họa hàng đầu thế giới bị hạ bệ một cách không thương tiếc khỏi thánh đường nghệ thuật

Viết Lê Quân

>>Bài tiếp theo: Buôn giấy vệ sinh rồi buôn tranh chép