- Nếu ai đã từng sống ở nông thôn, ắt hẳn mỗi khi rằm Trung Thu về sẽ nhớ không khí rộn ràng của mâm ngũ quả đợi trăng bên cạnh tiếng trống cắc tùng của điệu múa sư tử…


Về với xã  Hát Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây cũ, một xã nhỏ ven sông Hồng cách trung tâm Hà Nội chỉ khoảng 25km, không khí đêm hội trăng rằm của một vùng quê Bắc Bộ sẽ hiện rõ với những ai trót ghé chơi.

Theo ông Tâm, một người lớn tuổi trong làng kể rằng: “Cách đây khoảng vài chục năm, người dân trong xã đề ra một tục lệ rằng cứ đêm trăng rằm mỗi thôn sẽ cử ít nhất một đội múa sư tử đi diễu hành dọc thôn và cùng chung nhau tụ tập ở đình làng. Tại đây các đội sẽ cùng thi múa dưới ánh trăng, đèn đuốc và từ đó sẽ lại diễu về điếm thôn để phá cỗ.”

Tục lệ cứ như thế, các lớp thế hệ trong làng từ xưa cứ mỗi độ rằm tháng tám lại được tận hưởng cái không khí háo hức khi rằm Trung thu về. Cho tới ngày nay, khi cuộc sống ở làng xã ít nhiều chứng kiến sự thay đổi và ảnh hưởng từ thành phố, không hiểu sao cứ đến Trung thu về mọi thanh niên trong làng vẫn tụ tập và rước sư tử như lệ làng bao đời nay.
Thanh niên trong làng tụ tập tại điếm thôn trước giờ xuất phát để chuẩn bị quần áo, trang điểm để rước sư tử đi khắp thôn và thi múa ở đình làng.

Tâm sự về điều này, ông Tâm cũng chia sẻ: “Trong thôn có nhiều thanh niên ra thành phố làm ăn, nhưng cứ đến rằm tháng tám chúng lại gọi nhau về, anh em họ hàng cùng thôn cùng xã ngày này cũng có cơ hội gặp mặt, thấy anh em chúng nó về vui vẻ mà đoàn kết nói thật là cũng mừng…”

Vinh, một thanh niên chừng 25 tuổi sống ở xã và có công việc ở Hà Nội tâm sự: “Nói thực khi lên thành phố mấy năm, cũng đã từng thử ăn tết Trung thu ở trên phố, nhưng nói thật là thấy buồn và không vui bằng ở quê. Ở đây có nhiều anh em thân thiết. Trước đêm rằm lại có cơ hội cùng nhau thức đêm tụ tập tự đan lấy đầu sư tử, tự làm lấy đồ chơi cho mấy đứa trẻ con quanh thôn nên cảm thấy rất ý nghĩa. Vì vậy, cứ đến dịp này là mình lại về quê để phá cỗ chứ không ở trên phố. Cố gắng mai dậy sớm đi sớm cho kịp giờ làm cũng chấp nhận và vui vẻ.”
Người bé dùng đầu sư tử bé, người lớn dùng đầu sư tử lớn, tất cả cùng nhau đốt đuốc đi dạo khắp thôn và nhảy múa.

Một thanh niên khác tên Quang, cũng làm việc ở Hà Nội chia sẻ: “Ngày xưa, mấy anh em ở đây có khi chuẩn bị cho đêm này từ tận rằm tháng 7. Đan đầu sư tử, rồi cùng nhau sơn sửa, cứ những ngầy gần đến là háo hức lắm. Nay ai cũng  trưởng thành hết rồi, không khí đó tuy không còn được như xưa nhưng không vì thế mà mất đi. Cứ đến rằm dù thời gian không có nhưng ai cũng cố gắng chuẩn bị cho chu đáo, và khi cùng nhau đi rước đầu sư tử và về điếm thôn phá cỗ thì năm nào cũng vui không thể tả.”


Hai đội rước sư tử gặp nhau cùng nhảy múa và vui vẻ rước về đình làng.




Tại sân nhà văn hóa, các đội rước có lần lượt vào khu sân rộng để phô diễn tài năng múa đầu sư tử và cùng nhau trổ tài phun lửa trước đám đông người xung quanh.


Cùng nhau nhảy múa dưới anh trăng rằm


 Trung thu năm nay thời tiết ở miền Bắc mưa tầm tã cả ngày, nhưng đến tối thì ngớt và chị Hằng xuất hiện chiếu sáng xuống con đường làng cùng ánh sáng từ những ngọn đuốc của đoàn rước sư tử.





Tại sân đình, các đội lần lượt thay nhau nhảy múa trước cổng trong sự hò reo vui vẻ của mọi người dân trong xã.


 Đêm trăng rằm ở vùng quê không có ánh đèn nhưng rực sáng bởi những ngọn đuốc từ những đoàn rước sư tử xếp hàng trước cổng đình.

Khi cùng nhau thi thố và múa trước cổng đình xong đội thôn nào lần lượt kéo về thôn đấy để phá mâm cỗ.


Trẻ em trong thôn tập trung trước mâm cỗ ở nhà văn hóa để thi hát, thi đọc thơ để nhận quà và phá cỗ đêm trăng.

Tết Trung Thu ở nông thôn chỉ đơn giản có thế, không cần quá nhiều đồ chơi hiện đại như ở thành phố, nhưng mỗi độ trăng rằm người dân trong làng từ già tới trẻ ai cũng nô nức đi xem rước múa sư tử, trẻ em thì háo hức nô đùa đi theo đoàn rước khắp thôn. Hình ảnh này với nhiều vùng nông thôn là không phải là hiếm, nhưng ở nhiều thành phố khi ánh đèn điện sáng rực và nhan nhản những đồ chơi, bánh trái thì đôi khi không khí rộn rã của đêm hội trăng rằm vùng quê lại thật khó tìm.

Hoàng Nguyên