- Họa sĩ trẻ Nguyễn Quốc Dân đã mày mò nghiên cứu phong cách sáng tác mới, đặt tên là phi lập thể, hàm ý ngược lại với trường phái lập thể vốn có ảnh hưởng lớn đến cả nền hội họa.


Nguyễn Quốc Dân muốn trải nghiệm bản thân bằng việc tìm tòi một phong cách hoàn toàn mới nhằm tạo hướng mở cho mình trên con đường hoạt động nghệ thuật, mà bước đầu tiên là đi sâu vào nghiên cứu trường phái ngược lại với lập thể.


Nguyễn Quốc Dân bên một tác phẩm

Phi lập thể của Nguyễn Quốc Dân không tuân thủ những quy tắc mảng, miếng và hình khối thông thường. Thay vào đó là các đường nét liền mạch khác nhau với "hình dây" là yếu tố chủ yếu trong các tác phẩm. Đối tượng được đặt trong không gian cố định có sự gắn kết giữa các bộ phận bằng những nét liền mạch.

Trong các tác phẩm này, người xem có thể nhận thấy được cấu trúc của vật thể bởi đối tượng được biểu diễn bằng những đường nét vô trật tự, hình thù như một cuôn chỉ rối, tạo cảm giác dày đặc, kiên cố, hình thành cấu trúc riêng biệt.

"Tôi không tuân theo lối vẽ truyền thống bằng cọ mà bằng những ống màu nylon để tạo hình chủ thể. Chính vì thế, các nét vẽ trở nên sinh động và chân thật hơn khi nổi trên bề mặt vải bố", Nguyễn Quốc Dân cho biết.

Một sự so sánh về kích thước trong phòng triển lãm

Màu sắc của tác phẩm được tác giả tôn trọng giá trị nguyên bản, dù không pha màu nhưng từng dây màu hiện trên vải bố đã gây hiệu ứng pha màu bằng thị giác, tạo nên chiều sâu. Đây chính là bước đột phá trong các tác phẩm của Nguyễn Quốc Dân. Tùy theo cảm xúc của họa sĩ, những dây màu có độ to nhỏ khác nhau, chuyển động không ngừng qua các góc nhìn đa chiều.

22 tác phẩm trưng bày trong triển lãm "Phi lập thể - Nguyễn Quốc Dân 2011" vừa khai mạc tại Applied Arts Gallery - Đại học Mỹ thuật TP.HCM, là thành quả của quá trình tìm tòi nghiên cứu của Nguyễn Quốc Dân, thể hiện cái tôi của người họa sĩ muốn thoát ra khỏi sự bế tắc trong hội họa và tư duy thẩm mỹ.

Một số tác phẩm trưng bày trong triển lãm:



























Long Hà