- Phía sau hiện tượng các hãng phim đua nhau sản xuất các bộ phim được Việt hoá từ kịch bản nước ngoài là những câu chuyện không hề đơn giản.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến, tác giả của hàng loạt kịch bản phim chính luận nổi tiếng như Ma làng, Luật đời, Gió làng Kình..., đồng thời cũng là biên tập chính của bộ phim được Việt hoá từ kịch bản phim Hàn đang phát sóng hiện nay là Cầu vồng tình yêu trao đổi với VietNamNet xung quanh câu chuyện phim Hàn được Việt hoá dưới góc nhìn của một nhà biên kịch.
Làm phim Việt hóa để "chiếm sóng" được lâu
- Là một nhà biên kịch, ông nhìn nhận thế nào về tình trạng đang có rất nhiều phim đuợc Việt hoá từ phim Hàn đang được phát sóng hiện nay? Điều này có cho thấy phim truyền hình Việt Nam đang rất bí kịch bản?
- Tôi nghĩ các nhà sản xuất đang rất muốn làm phim dài mà kịch bản trong nước không đáp ứng được. Khả năng biên kịch của VN là khó viết những kịch bản dài hơi. Kể cả tôi, một người có rất nhiều kinh nghiệm viết kịch bản nhưng sức mình chỉ làm đuợc 30-40 tập trở lại và cũng chỉ nên làm như thế mà thôi.
Nhà văn Phạm Ngọc Tiến: "Nhiều người có thể làm được nhưng nghĩ đến là ngại." |
Thêm nữa, với điều kiện sản xuất phim ở VN hiện nay, khi chưa có một trường quay ổn định thì chẳng nên làm phim dài làm gì cả. Nhất là trong tình trạng diễn viên ăn đong, người ta không đảm bảo được sự đầu tư chắc chắn cho một bộ phim.
Chúng ta không có đủ tiềm lực để có một hệ thống diễn viên riêng hay đầu tư cho người ta vài ba năm để sống chết với một dự án phim. Các hãng phim tư nhân cũng không đủ tiềm lực và họ cũng không đầu tư những máy móc thiết bị nên đó cũng là lý do để họ không làm được phim dài. Tuy nhiên, điểm quan trọng nhất là biên kịch VN. Khả năng quán xuyến nhân vật dài không dễ. Nhiều người có thể làm được nhưng nghĩ đến là ngại.
Trong hệ thống các công đoạn sản xuất phim, anh biên kịch là người duy nhất không "tay không bắt giặc". Tức là họ phải tự bỏ vốn ra mà viết kịch bản. Một đạo diễn có thể từ chối kịch bản này để làm kịch bản khác mà họ không mất cái gì cả. Một diễn viên có thể từ chối một vai diễn cũng chẳng sao.Nhưng một biên kịch nếu bị từ chối một kịch bản thì anh đã mất đi ít nhất từ 6 tháng đến 1 năm. Không ai đầu tư cho tôi cả trăm triệu để tôi ngồi nhà viết một bộ kịch bản dài tập, dù tôi là người có uy tín thế nào đi chăng nữa. Do vậy, sự cân nhắc của một biên kịch khi lưỡng lự về mặt đời sống là có.
Một cảnh trong bộ dài tập Cầu vồng tình yêu. |
Không có kịch bản dài tập trong khi các nhà sản xuất bằng cách này hay cách khác xếp hàng để mua sóng. Mà khi mua được sóng rồi thì họ có nghĩa vụ phải lấp sóng, tức là đảm bảo chiến lược kinh doanh của họ.
Thay vì đăng ký 3 bộ phim với dung lượng lên đến 90 tập (trung bình 30 tập/phim) thì họ đăng ký 1 lần cho 1 phim 90 tập. Và khi đã vào được rồi thì 90 tập đó là của họ. Đến đây thì chuyện lại liên quan đến việc lấp sóng. Vậy thì rõ ràng có hội đủ điều kiện để một kịch bản Việt hoá được vào sóng.
Với một kịch bản Việt hoá, bản thân biên kịch ở nước ngoài là những biên kịch chuyên nghiệp nên câu chuyện họ viết rất chắc chắn. Và khi đã bám được vào sự chắc chắn ấy thì ít nhất có 50% không lo thất bại. Vậy thì hà cớ gì nhà sản xuất họ không làm. Nhưng cũng phải nói luôn, tất cả các biên kịch kể cả tôi đều không ai thích thú làm kịch bản Việt hoá.
Phim có hay cũng là ăn theo
- Vì sao các biên kịch lại không hứng thú?
- Thứ nhất, kịch bản đó không phải của anh. Kịch bản vẫn là của người ta. Phim có hay cũng là ăn theo.
Thứ hai, việc Việt hoá kịch bản nước ngoài còn vất vả hơn cả làm kịch bản mới. Nhà sản xuất đưa cho mình kịch bản đã được dịch thô sang tiếng Việt. Một nhóm có nhiệm vụ về biên kịch phân công nhau đọc và gom lại thành từng tập. Sau đó một biên kịch viết lại và biên tập chính sẽ là người sửa chữa cuối cùng để quyết định kịch bản hoàn thiện sẽ đưa vào sản xuất.
Thứ ba, thu nhập của cả ba công đoạn đó cũng chỉ bằng một nửa kịch bản sáng tác mới. Tức là rất ít tiền. Do họ phải trả tiền bản quyền, dịch kịch bản, rồi lại phải thực hiện quá nhiều công đoạn. Do vậy chúng tôi chỉ làm việc theo nhiệm vụ.
"Kịch bản đó không phải của anh. Kịch bản vẫn là của người ta. Phim có hay cũng là ăn theo, thu nhập cũng chỉ bằng một nửa kịch bản sáng tác mới... do vậy chúng tôi chỉ làm việc theo nhiệm vụ..." |
- Làm vì nhiệm vụ thì sao hứng thú mà cho ra được kịch bản hay?
- Tất nhiên đó là thuộc về nghề nghiệp. Không hứng thú không có nghĩa là không có cảm hứng sáng tạo. Cầu vồng tình yêu là kịch bản chuẩn, biên kịch vững vàng. Ở góc độ biên kịch, khi đọc tôi thấy nó rất hay và tôi mơ ước mình viết được một kịch bản như thế. Tuy nhiên ngoài những khó khăn đề cập ở trên, biên kịch rất ngại động vào những kịch bản Việt hoá vì nó khó hay.
Khó hay vì khó được chấp nhận khi nó lại được mua từ một phim nổi tiếng của nước ngoài. Mà đã mua phim về Việt hoá thì phim đó phải hay. Do vậy bản thân anh đã đánh mất 30-40% rồi. Hai nền sản xuất phim rõ ràng là khác nhau. Họ tiên tiến còn ta thì chậm tiến hơn họ so với họ 10-20 năm.
Vậy thì chỉ có thể làm tốt 60% còn lại thôi. Phim có hay thì cũng không phải của anh. Khi đã chấp nhận một kịch bản Việt hoá thì ê kíp làm phim, trong đó có biên kịch đã phải chấp nhận thiệt thòi. Kinh tế không có, danh tiếng bị suy giảm nhưng việc thì vẫn phải làm.
- Nếu làm một bộ phim Việt hoá hay thì khán giả nghĩ là đương nhiên phải thế nhưng nếu làm dở thì sẽ dễ bị so sánh?
- Phiên bản Việt hoá nếu hay thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu nó lại không hay thì anh bị soi rất kinh. Đó là sự ngại ngần về mặt tâm lý. Do vậy để vượt qua được tâm lý này thì cũng đã là điều rất đáng hoan ngênh rồi.
"Phiên bản Việt hoá nếu hay thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu nó lại không hay thì anh bị soi rất kinh..." |
- Theo ông, với một biên kịch, đâu thách thức và thuận lợi khi làm việc với những bộ phim dài hơi được Việt hoá từ kịch bản mua từ nước ngoài là gì?
- Biên kịch vất vả nhưng câu chuyện rất vững, khung kịch bản gốc rất chắc rồi nên anh muốn gia cố thế nào thì gia cố cũng là trên cái khung ấy. Sự dài hơi với biên kịch lúc này không còn là quan trọng nữa. Nhân vật hay rồi, làm sao để Việt hoá cho ra một bộ phim Việt thôi.
Rõ ràng, quán xuyến một kịch bản Việt hoá như vậy tương đối trong tầm tay. Nó khác với việc tự viết, tự quản lý nhân vật trong 80 tập phim, viết ròng rã trong vòng 2 năm. Mà đã có chắc ai dám mua phim của tôi. Chính vì sự ngần ngại ấy nên tự nhiên không có nhưng kịch bản dài hơi do các biên kịch trong nước viết.
Tuy nhiên, dần dần cũng tới thời điểm cần có những bộ phim dài và bắt đầu cần những nhà sản xuất biết nhìn xa trông rộng. Họ đứng ra đầu tư. Họ có thể nuôi biên kịch, trả lương họ để có được những sản phẩm tốt. Thay vì biên kịch tự đi buôn chữ thì sẽ có người lo đầu ra. Nếu vậy tình hình sẽ khác.
Do vậy, có trách cũng là trách các nhà sản xuất phim VN mà thôi. Rất đông nhà làm phim nhưng ít người có thực lực. Để giải quyết được khâu kịch bản, đòi hỏi phải có những nhà sản xuất có thực lực, có cái nhìn rộng như bóng đá. Bóng đá rõ ràng đang có một cuộc cách mạng và tôi nghĩ điện ảnh, truyền hình cũng đang manh nha có một cuộc cách mạng như vậy mà Việt hoá chỉ là một lý do.
Bắt buộc phải dựa vào việc Việt hoá phim ngoại
- Có một vấn đề khá mâu thuẫn: Những bộ phim mua kịch bản Việt hoá đa phần đều là những đã rất thành công, có tỉ lệ người xem cao. Bản gốc của những phim Hàn Quốc chúng ta mua kịch bản về đều được nhiều khán giả VN yêu thích trong khi bản Việt hoá thì hầu hết lại dở hơn bản gốc. Vậy thì làm phim Việt hoá để giải quyết vấn đề gì ở đây?
- Các nhà sản xuất muốn có sóng mà họ lại chưa giải quyết được khâu kịch bản trong nước thì bắt buộc phải dựa vào việc Việt hoá phim ngoại. Đó là một cách làm giản tiện. Nhưng trong 100 phim thì cũng có 1 phim hay.
Có những phim rất hay mà các nhà
sản xuất phim thực sự muốn nhân bản ở góc nhìn riêng của dân tộc mình. Trong số
100 phim Việt hoá của VN tôi nghĩ chắc chắn có một nhà sản xuất quá yêu bộ phim
gốc. Đôi khi lợi nhuận không phải là số 1, họ còn làm phim vì tình yêu và lòng
đam mê nữa.
"Trong hệ thống các công đoạn sản xuất phim, anh biên kịch là người duy nhất không "tay không bắt giặc"... Thế nên có biên kịch nào đủ tầm, đủ kiên nhẫn, đủ sức lực để bỏ ra đến cả 2 năm để đầu tư cho 1 kịch bản dài đến 100 tập để bán cho một người chưa nhìn thấy mặt ?" |
- Trong cuộc họp báo ra mắt phim "Cầu vồng tình yêu", đạo diễn Đỗ Thanh Hải có nói rằng giá như đây không phải là một bộ phim Việt hoá mà là phim VN sản xuất thì đó thật tuyệt vời. Vậy vấn đề đặt ra là tại sao chúng ta không thể tự viết được một kịch bản như vậy, dù không phải không có người có tài? Nếu các nhà biên kịch có đất để thể hiện và có NSX sẵn sàng mua những kịch bản dài hơi của họ để sản xuất 1 bộ phim lên đến cả trăm tập thì tình hình sẽ khác?
- Đúng vậy. Đó là một kịch bản mơ ước. Tôi mơ ước mình viết được một kịch bản tâm lý như vậy. Thực ra cũng chẳng có biên kịch nào đủ tầm, đủ kiên nhẫn, đủ sức lực để bỏ ra đến cả 2 năm để đầu tư cho 1 kịch bản dài đến 100 tập để bán cho một người chưa nhìn thấy mặt.
Nếu có một người đảm bảo cho cuộc sống của tôi, cộng hưởng với tôi, đi những bước ban đầu cùng tôi thì tôi sẵn sàng làm kịch bản 100 tập. Và tôi nghĩ là làm được. Hiện nay tôi nhìn thấy trong văn học có những cuốn tiểu thuyết đủ để làm 100 tập phim. Nhưng ai sẵn sàng đi với tôi trong vài năm để làm điều đó?
- Vậy nên trong tương lai gần, việc Việt hoá kịch bản mua từ nước ngoài vẫn cứ xảy ra? Đó vẫn là hướng đi an toàn trong giai đoạn khan kịch bản hay và dài hơi hiện nay?
- Tương lai gần vẫn là an toàn nhưng tôi nghĩ sẽ không còn lâu nữa. Sẽ có những nhà sản xuất, những người đứng ra thu gom và mua trước kịch bản. Nếu là người có tiền, tôi sẽ là người thu gom kịch bản và đặt mua những kịch bản như vậy. Nhưng tiếc là tôi lại chẳng có tiền để làm điều đó.
Hạnh Phương
Ảnh: Nguyễn Hoàng