- Sự kiện tập đoàn CJ-CGV của Hàn Quốc mua lại hệ thống rạp lớn nhất VN Megastar đang làm dấy lên lo ngại phim Hàn sẽ lại thống lĩnh rạp chiếu, sau khi chinh phục và làm mưa làm gió trên truyền hình Việt Nam.


“Có một thời gian dài, phim Hàn Quốc thống lĩnh sóng truyền hình dẫn theo hệ luỵ là giới trẻ bắt chước hệt người Hàn Quốc từ đi đứng, ăn mặc, nói năng… Và nếu nhà điều hành mới của Megastar là Hàn Quốc thì chắc rằng họ không chỉ nhập phim thôi mà văn hoá, trang phục và ẩm thực Hàn sẽ tiếp tục xâm chiếm đời sống…”, bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch thường trực hội Điện ảnh Việt Nam chia sẻ với báo chí về sự kiện trên.

“Đại gia” chiếu bóng mạnh nhất xứ Hàn

Có hai thực tế khiến lo ngại của bà hoàn toàn có cơ sở. Thứ nhất, CJ-CGV là tập đoàn hùng mạnh nhất trong ngành công nghiệp giải trí xứ Hàn, sở hữu hàng trăm cụm rạp và phát hành phần lớn các phim Hàn ngữ dạng “bom tấn”. Sau khi vững mạnh ở thị trường nội địa, tập đoàn này đang dùng lợi nhuận thu được để vươn rộng quy mô của mình sang khu vực Bắc Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ và Việt Nam.


Nhờ phim ảnh mang lại danh tiếng tại VN, các sao Hàn luôn được săn đón bởi khán giả và truyền thông trong những lần đến VN quảng bá sản phẩm hay sự kiện văn hóa.

Trang tin điện tử Film Business Asia cho hay, tại Trung Quốc, CJ-CGV hiện đã có sáu cụm rạp, còn tại Mỹ là một. Riêng ở VN, CJ-CGV đã có bước táo bạo khi bỏ ra 73,6 triệu USD để trở thành nhà điều hành hệ thống rạp Megastar với 7 cụm rạp và 54 phòng chiếu tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Biên Hòa. Chính xác thì tập đoàn này đã mua 92% cổ phần từ nhóm cổ đông của Envoy Media Partners (EMP, đăng ký kinh doanh tại Virgin Island) để có được quyền sở hữu nước ngoài của EMP trong liên doanh Megastar. Phi vụ này được kỳ vọng sẽ hoàn tất trong tháng 8.2011.

Nếu chính sách vươn tay ra thế giới thành công, có thể ví CJ-CGV như một tập đoàn đa quốc gia trên lĩnh vực chiếu bóng, với những bộ phim được phân phối đến khắp các rạp trong hệ thống. Chướng ngại vật duy nhất của hệ thống này là chính sách bảo vệ văn hóa, kiểm duyệt phim nhập của riêng từng quốc gia. Với một nền công nghiệp điện ảnh địa phương hùng mạnh đứng đằng sau, cộng thêm chính sách hỗ trợ tối đa cho xuất khẩu văn hóa của chính phủ, nhiều khả năng CJ-CGV sẽ tích cực dùng hệ thống của mình để lan tỏa hương vị phim Hàn đi khắp thế giới.

Phi vụ giá hời?

Cuộc ngã giá gây ngạc nhiên trên còn có một khía cạnh khác khiến người ta lo ngại không kém. Đó là EMP sở hữu trên 80% vốn pháp định trong liên doanh Megastar, phần nhỏ còn lại thuộc Công ty văn hóa Phương Nam (PNC). Bản thân con số này là một ngoại lệ đặc biệt, mà chính bà Phan Thị Lệ - Tổng giám đốc của PNC vào cuối năm ngoái đã thừa nhận với báo chí là “được Chính phủ dành riêng cho liên doanh để khuyến khích phát triển thị trường chiếu bóng trong nước”.


Sau vụ mua lại hệ thống rạp lớn nhất VN, dấu ấn của người Hàn sẽ ngày một mạnh mẽ hơn trong điện ảnh Việt.

Bởi tại thời điểm 2005, khi liên doanh Megastar chính thức được thành lập, quá trình đàm phán để gia nhập WTO đã đi gần đến đoạn kết, VN và WTO đã đạt được thỏa thuận là phần vốn góp của phía nước ngoài không vượt quá 51% vốn pháp định của liên doanh. Do vậy, vụ chuyển nhượng quyền sở hữu trên đồng nghĩa với việc chuyển nhượng luôn một đặc quyền mà không liên doanh nào sau này có được. Nhiều ý kiến cho rằng, đặc quyền này đã giúp những cổ đông trong liên doanh Megastar bán được cổ phần của mình với giá thật hời. Cần nhớ, từ số vốn đầu tư 8 triệu USD ban đầu, tổng tài sản của Megastar vào thời điểm định giá chuyển nhượng ước tính khoảng 38 triệu USD.

Hiện Megastar được xem là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh trong thị trường chiếu bóng VN, vốn còn nhỏ bé với khoảng 50 rạp chiếu và 150 màn ảnh, theo Film Business Asia. Doanh thu phòng vé của doanh nghiệp này lên tới 23 triệu USD trong năm ngoái và tiếp tục tăng chóng mặt từ đầu năm tới nay với hàng loạt phim “bom tấn” thu được hàng triệu USD từ khán giả Việt.

Khi Megastar cùng các nhà phát hành khác ồ ạt nhập phim Hollywood, những người làm phim Việt đã có nhiều ca thán vì sự lép vế của phim nội địa, rất khó để chen chân ra rạp. Nên việc một tập đoàn Hàn Quốc nhanh chân có được Megastar, không ít người cho rằng phim Việt sẽ có thêm đối thủ nặng cân nữa là phim Hàn. Bài học nhãn tiền là hàng loạt phim truyền hình Hàn Quốc đã lũ lượt đổ vào VN thông qua tài trợ của các nhãn hàng hóa đến từ xứ Kim Chi.


Cơ hội nào cho phim Việt nếu… không hay được như phim Hàn hay Hollywood?

Dấu ấn của người Hàn trong ngành chiếu bóng VN được dự báo sẽ ngày một mạnh mẽ hơn. Một nguồn tin cho hay, “ông trùm” xứ Hàn này đang tiến hành thương lượng để mua lại một hệ thống rạp lớn và lâu năm khác của TP.HCM. Như nhiều rạp chiếu khác, đơn vị này đang khát vốn để cải thiện cơ sở vật chất.

Cách nay hơn 3 năm, hệ thống rạp chiếu lớn thứ hai tại Hàn Quốc (sau CJ-CGV) là Lotte chính thức có mặt tại VN. Hiện Lotte đã phát triển lên thành ba cụm rạp tại TP.HCM và Đà Nẵng. Đặc điểm của hệ thống này là… chỉ nhập phim Hàn Quốc, cũng như mang các ngôi sao xứ Hàn qua giao lưu với khán giả Việt.

Khải Trí