- Hai nhà làm phim người Mỹ Steven Klein và Melinda Levin chia sẻ cách thức giúp nhà làm phim Việt có kinh phí sản xuất và phát hành phim tài liệu.

Tiếng vỗ tay sau phần chào hỏi vừa dứt, Steven Klein bước nhanh tới rèm cửa. Trước khi ban tổ chức có người giúp, anh đã kịp cẩn thận kéo chúng lại để khán phòng nhỏ vừa đủ tối cho hơn 100 khán giả xem Make Believe (Giấc mơ ảo thuật) do anh sản xuất. Buổi chiếu diễn ra vào sáng ngày 2/11, do Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.HCM tổ chức.

  Nhà sản xuất, đạo diễn Melinda Levin và nhà sản xuất Steven Klein tại buổi họp báo vào sáng ngày 2/11

 

Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Mỹ

 

Phong cách nhanh nhẹn và tháo vát với cả chuyện nhỏ nhặt của Steven Klein thật khó có thể nhìn thấy ở những người làm phim truyện. Nhưng có thể xem đây là đặc trưng nổi bật ở các nhà làm phim độc lập – những người không “chịu” đầu quân về một hãng hay một phim trường lớn, mà xoay xở nhiều cách để làm bộ phim tài liệu theo ý riêng của mình.

 

Bạn đam mê và muốn làm phim tài liệu nhưng chỉ có hai bàn tay trắng? Câu hỏi thời sự của điện ảnh Việt dĩ nhiên nhận được quan tâm nhiều nhất trong buổi giao lưu diễn ra trước phần trình chiếu Make Belive, với hai nhà làm phim độc lập gồm: Steven Klein và bà Melinda Levin – nhà sản xuất, đạo diễn, giảng viên và là cựu chủ tịch của Hiệp hội điện ảnh và truyền hình Mỹ.

 

Bà Melinda Levin bắt đầu bằng chia sẻ: “Có nhiều điểm tương đồng giữa các nhà làm phim độc lập của Mỹ và Việt Nam. Mà điểm chung nhất là chuyện đi quyên tiền và tìm tài trợ cho phim”.

 

Cách làm truyền thống vẫn là xin tiền từ các nhà đầu tư phim ảnh, đưa phim vào sản xuất, bán phim cho các nhà phát hành, rồi sau đó trả lại tiền cho nhà đầu tư. Nhưng Steven Klein cho rằng đây là cách làm rất khó bởi thị trường cho phim tài liệu không lớn như phim truyện.

 

Nhà sản xuất Steven Klein từng là ảo thuật gia thời niên thiếu, anh hiện là diễn viên, đạo diễn, nhà sản xuất tâm huyết với những bộ phim nói về sân khấu và điện ảnh.

 

Bài giải “năng nhặt chặt bị”

 

Ở Mỹ, nhà làm phim có thể tiếp cận với các quỹ hỗ trợ sáng tác nghệ thuật của tiểu bang, các tổ chức phi chính phủ hoặc doanh nghiệp. Nhưng cách làm này không được các nhà làm phim mặn mà, vì nó thường kèm theo những điều kiện khống chế về nội dung. “Họ đưa mình tiền và họ muốn bộ phim phải chuyển tải được thông điệp của họ”, bà nói.

 

Kết quả của cơ chế này là khán giả của thể loại tài liệu chỉ được xem những bộ phim nặng tính tuyên truyền, tập trung vào những chủ đề, sự kiện chính trị - xã hội đã được lên lịch trước.

 

Nhưng bối cảnh internet và công nghệ làm phim phát triển như vũ bão nay đã khiến câu chuyện đổi khác, mang lại cho người làm phim độc lập nhiều cơ hội hơn. Để giải bài toán ít tiền, Steven Klein tham gia vào nhóm gồm bảy nhà làm phim đầu tư chung một hệ thống máy quay và chia lịch sử dụng. Các phim do một thành viên làm ra cần được sự đồng ý của nhóm trước khi công bố để giữ uy tín chung về nghệ thuật.

 

Bà Melinda Levin kể về tìm vốn làm phim theo kiểu “xách bị đi xin đám đông”. Rất nhiều nhà làm phim đang tận dụng được các trang mạng xã hội cho phép đăng công bố dự án phim và kêu gọi hỗ trợ vốn từ các thành viên. Ý tưởng bắt nguồn từ cách thức mà tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyên tiền ủng hộ cho chiến dịch tranh cử của mình theo kiểu “năng nhặt chặt bị”. Mỗi người góp vào khoản tiền nhỏ mà họ đủ thoải mái để không cần đưa ra những đòi hỏi riêng.

 

Do vậy, Steven Klein cho rằng đây là thời điểm rất thuận lợi cho các nhà làm phim tài liệu độc lập, nếu thực sự đam mê và giàu ý tưởng.

 

Minh Chánh