- Cơ quan cấp phép cho Ngọc Trinh sang Mỹ tham dự cuộc thi Hoa hậu Hoàn cầu trao đổi với báo VietNamNet về công tác quản lý hoa hậu, người mẫu sau những thông tin gây xôn xao dư luận gần đây...
Ngọc Trinh, Tiến Đoàn có gì sau ảnh nóng?
Ngọc Trinh: Hãy biết cởi chiếc áo dạ hội của mình
Phóng viên VietNamNet đã có cuộc trao đổi trực tiếp với ông Nguyễn Thành Nhân – phó Trưởng phòng Quản lý biểu diễn và băng đĩa, Cục Nghệ thuật Biểu diễn.
- Xin Cục cho biết ý kiến trước những vụ việc gần đây khi các hoa hậu, nam vương, người mẫu như Tiến Đoàn, Hằng Nguyễn, Ngọc Quyên, Ngọc Trinh chụp những bức ảnh quá khêu gợi và xuất hiện cả những bức ảnh nude gây xôn xao dư luận?
- Trường hợp của Tiến Đoàn, Hằng Nguyễn cho thấy quả thật những bức ảnh đó là phản cảm và không thể chấp nhận được. Đó là những bức hình lẽ ra phải khu biệt trong một phạm vi đối tượng rất nhỏ thì lại được đăng tải trên các trang web “rác”. Lẽ ra nó phải được hạn chế về đối tượng người xem.
Những hình ảnh đưa đến với đại chúng phải là những hình ảnh quen thuộc, phù hợp với thẩm mĩ chung, thích hợp cho đa số. Như thế thì phải có một Hội đồng chuyên môn, Hội đồng thẩm định có trình độ chuyên môn cao để đánh giá về thẩm mĩ, về mức độ thế nào là "hở hang", thế nào là "không chấp nhận được"....
Ông Nguyễn Thành Nhân
Tuy nhiên, dù Hội đồng này có trình độ chuyên môn cao, cũng không bao giờ có thể thực hiện triệt để 100% yêu cầu thanh lọc đối tượng. Việc quy định trang phục được phép "hở" đến đâu, làm thế nào để phù hợp với chuẩn thẩm mĩ là rất khó! Làm thế nào để lượng hóa một giá trị tinh thần? Nhiều khi chỉ một nhóm nhỏ người không đồng ý với quyết định của Hội đồng thẩm định, họ lên mạng viết những bình luận phản đối là có thể gây ra những chuyện lùm xùm mà không chính xác về mặt bản chất của sự việc.
Cục nghệ thuật biểu diễn đã rất nhiều lần phải giải thích và trả lời cho những bài báo hoặc những phản biện không hề có chất lượng. Ví như chuyện thảm họa âm nhạc, chuyện hát nhép gần đây. Dùng cụm từ "thảm họa nhạc Việt" giống như mô tả một điều gì đó rất kinh khủng, một làn sóng mạnh mẽ gây ảnh hưởng lớn đến xã hội .... nhưng sự thực chỉ là một vài clip, bài hát được cá nhân tung lên mạng, không qua cấp phép phát hành.
Trong trường hợp của Ngọc Trinh, Tiến Đoàn, hình ảnh xuất hiện trên mạng của họ không thuộc quản lý của Cục nghệ thuật biểu diễn. Nhưng nói rộng ra, việc quản lý thông tin trên mạng của các ban ngành vốn đã là vô cùng khó khăn. Ở trên internet người ta có thể upload bất cứ thông tin, dữ liệu gì mà họ có.
- Với vụ việc Ngọc Trinh và hàng trăm những bức ảnh nude rất giống với cô ấy được tung ra mới đây, BTC cuộc thi hoa hậu Hoàn cầu đã tuyên bố không tước vương miện, vậy ý kiến của Cục (nơi đã cấp phép cho Ngọc Trinh tham dự Miss Vietnam International) như thế nào?
- Những bức ảnh đó chưa được xác định rõ ràng là Ngọc Trinh. Nếu sự việc quá nghiêm trọng thì cần các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc. Ví dụ như bên Viện khoa học hình sự có thể xem xét và điều tra và phát hiện thật giả. Thêm nữa sẽ còn liên quan đến việc phát tán ảnh đồi trụy và trách nhiệm dân sự. Việc tung những hình ảnh nhạy cảm lên mạng có được đánh giá là truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy hay không?
Mọi công dân phải đều chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi của mình. Tuy nhiên báo chí cũng nên tránh việc hùa theo số đông, một hành vi vi phạm chỉ nên phản ảnh để phối hợp, giúp cơ quan quản lý xử lý vi phạm. Không nên đăng tải hình ảnh và bình luận với số lượng bài lớn ... như vậy rất phí thông tin và sức lực mà không mang lại hiệu quả cần thiết.
- Vậy cơ quan nào sẽ là quản lý hoạt động của người mẫu, hoa hậu để đưa ra yêu cầu xác minh sự việc? Ví dụ ở trường hợp của Ngọc Trinh, là gửi yêu cầu tới Viện khoa học hình sự để xác minh tính xác thực của bộ ảnh nude đó?
- Cục nghệ thuật quản lý hoạt động biểu diễn của hoa hậu, người mẫu. Còn những vụ việc không thuộc phạm vi này thì các cơ quan ban ngành có liên quan sẽ phối hợp để cùng giải quyết.
- Theo quy định đã ban hành, những đại diện Việt Nam ra nước ngoài thi thố phải có vương miện từ trong nước được trao bởi một cuộc thi mang tầm quốc gia, nhưng hiện nay, một cuộc thi nhỏ nhưng lại mang cái tên lớn như Miss Vietnam International thì những người mẫu thuần túy như Ngọc Trinh, Ngọc Hằng cũng có thể tham gia. Điều đó có trái quy chế hoặc có quá dễ dãi, thưa ông?
- Về cuộc thi Miss Vietnam International, công chúng và báo chí cũng nên hiểu về quy mô và nội dung của nó. Hoạt động này có quy mô như thế nào? Người tham gia có đại diện cho Việt Nam hay không, hay đó chỉ là một hoạt động văn hóa của một cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Hoa hậu thế giới, Hoa hậu Trái Đất, Hoa hậu Hoàn vũ là những cuộc thi mà Việt Nam chỉ cử một thí sinh duy nhất và chính thức đại diện cho quốc gia đi thi sắc đẹp. Còn cuộc thi Miss Vietnam International 2011 Cục cho phép cho 5 thí sinh đi tham dự, vì đó chỉ là một hoạt động văn hóa của cộng đồng người Việt và là một sự kiện hết sức bình thường. Các cuộc thi này khác hẳn nhau về mặt bản chất. Chúng tôi rất mong muốn có các hoạt động văn hóa để kết nối người Việt trên khắp thế giới lại với nhau.
- Nhiều người mẫu nổi tiếng nhờ những sự kiện ở nước ngoài, nhưng hình ảnh hoạt động của họ lại chủ yếu ở trong nước, vậy trách nhiệm quản lý cụ thể của Cục sẽ như thế nào với các hình ảnh tạo dư luận xấu? Thậm chí nếu chỉ bị phạt hành chính thì không đủ sức cảnh cáo, vì sau đó cát sê đi tiệc, tham gia sự kiện của họ tiếp tục tăng lên sau scandal.
- Cục chịu trách nhiệm quản lý về hoạt động biểu diễn và phát hành băng đĩa. Để đồng bộ hóa và xử lý vấn đề này cần sự phối hợp của nhiều cơ quan ban ngành và những đánh giá, quy định thật cụ thể, chi tiết.
- Khi các nam vương, nữ hoàng, hoa hậu không có đầy đủ nhận thức về trách nhiệm trong việc xây dựng hình ảnh của bản thân trước công chúng thì những danh hiệu đã trao cho họ liệu có phải trò đùa? Cần phải xử lý như thế nào với các đại diện sắc đẹp nhưng có nhiều hành vi chưa đẹp này?
- Chắc chắn là phải xử lý! Đây là một hiện tượng xã hội mà chúng ta đều muốn chấm dứt và dẹp bỏ. Nhưng như đã nói ở trên, việc "lượng hóa một giá trị tinh thần" là rất khó khăn. Có thể theo thẩm mĩ của cô hoa hậu, người mẫu, ca sĩ đó mặc bộ đồ này là không quá hở hang, nhưng người khác nhìn vào lại thấy hở hang chẳng hạn. Như vậy phải có Hội đồng thẩm định để theo dõi và đánh giá. Tuy nhiên trong công tác quản lý, cần đặt trọng tâm vào việc giáo dục, cải tạo hơn là trừng phạt.
- Trong thời điểm hỗn loạn về hình ảnh người đẹp, hoa hậu hiện nay, liệu Cục có thể đề xuất phương án nếu hoa hậu, người đẹp chụp ảnh nude hay gây scandal về hình ảnh sẽ bị ngừng hoàn toàn thông tin, không được phép xuất hiện trên báo chí trong một khoảng thời gian nhất định - có thể là từ 1 đến 2 năm?
- Nếu ngừng được như thế thì rất tốt! Vấn đề này nên phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phía báo chí để cùng thực hiện.
- Xin cảm ơn ông!
Hồ Hương Giang (thực hiện)