Hát Xoan vừa được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhân dịp này, phóng viên Vietnamnet có cuộc trao đổi với GS Đặng Hoành Loan - Nguyên Phó viện trưởng viện Âm nhạc Việt Nam, một người say mê với những làn điệu âm nhạc mang bản sắc đặc trưng dân tộc Việt và cũng là người chịu trách nhiệm khoa học trong việc lập hồ sơ để Ca trù được UNESCO công nhận nay lại tham gia xây dựng Hồ sơ Quốc gia Hát Xoan từ những ngày đầu tiên.
GS Đặng Hoành Loan |
- Nói thật là tôi không bất ngờ lắm. Bởi so với tiêu chí xét duyệt của UNESCO thì Hát Xoan vốn đã đáp ứng hoàn toàn đầy đủ. Bản thân khi Bộ VH-TT-DL trình lên được Chính phủ duyệt đã thể hiện có sự đánh giá về khả năng của nghệ thuật Hát Xoan.
- Là hồ sơ “đỗ thủ khoa”, xuất xắc khi giành được toàn bộ sự đồng thuận của Hội đồng chuyên môn UNESCO, theo ông vì sao lại có sự “ưu ái” đến vậy?
- Trước tiên đó là bởi hiện tượng văn hóa Hát Xoan có giá trị cổ đích thực, đáp ứng hoàn toàn tính lịch sử, văn hóa và nghệ thuật hấp theo tiêu chí của UNESCO. Tiếp theo đó là bởi Việt Nam đã có kinh nghiệm làm một hồ sơ để trình UNESCO theo đúng yêu cầu của tổ chức.
Hát Xoan - Hình thức hát thờ thần Nông Nước Việt
- Là một nhà nghiên cứu văn hóa, hiểu và tiếp xúc với Hát Xoan đã 30 năm, ông có thể nói rõ hơn về nguồn gốc lịch sử của Hát Xoan?
- Hát Xoan có từ rất lâu đời, là hình thức chỉ dùng để hát thờ vua Hùng tại các miếu cổ là nơi thờ vua. Thời Lê, khi đình làng phát triển, Hát Xoan đi từ miếu cổ thành các phường Xoan, đi diễn khắp các đình làng , thời đó Hát xoan có hát thờ thêm các tướng lĩnh.
- Đã hát thờ Vua Hùng thì tại sao người dân vùng quanh Phú Thọ lại tổ chức hát Xoan vào mùng 1 Tết Âm Lịch?
- Vua Hùng theo người dân và sử sách kể lại là đã có công rất lớn khi dạy dân làng canh tác lúa nước. Vì vậy Vua Hùng còn được coi là thần Nông nước Việt. Vậy nên, cứ sau Tết khi xuống đồng cấy lúa, để cầu mong cho vụ lúa bội thu thì người dân làm lễ và hát Xoan thờ vua Hùng.
- Vậy tạo sao ngày mùng 10 tháng 3 mới là lễ chính thờ Vua Hùng thưa ông?
- Vẫn liên quan đến cây lúa. Cây lúa tháng 3 là thời kì trổ bông, ngậm đòng nên rất cần nước. Khi đó người dân lại làm lễ, hát xoan thờ Thần Nông Nước Việt mong cho mưa xuống để cây lúa trổ đòng.
Không chỉ dừng lại là hình thức văn hóa
- UNESCO đánh giá rất cao tiêu chí giá trị cộng đồng của Hát Xoan, xin ông làm rõ?
- Hát Xoan là tục hát thờ thần mà ở đây cùng là vua Hùng. Vì thế nên Hát Xoan chính là chiếc cầu chung nối đôi bờ sông Lô như đôi bờ tình nghĩa giữa các làng quê trong vùng đất Văn Lang ngày ấy.
- Vậy phương thức nào khiến Hát Xoan lại thu hút và gắn kết được cộng đồng đến vậy, thưa ông?
- Đó chính là nghệ thuật của Hát Xoan. Khác hẳn với Ca trù hay Quan họ, người hát Xoan phải múa giỏi, phải hát hay. Điều này đã truyền tải một cách gần gũi nhất tâm tư, tình cảm của con người vùng Xoan với nhau.
Đặc biệt trong Hát Xoan có màn hát trao duyên nam nữ. Nó thu hút các trai làng gắn bó với phường xoan. Vì ở đình, những trai kiệu giỏi nhất mới được vào hát và trao duyên cùng các thiếu nữ đào xoan. Bên cạnh còn có trò chơi cổ như ném đúm, mó cá, Hát Xoan vô tình vừa là nhu cầu vừa cái duyên gắn kết giữa các trai gái làng quê.
- Vậy còn yếu tố văn hóa, lịch sử của Hát Xoan được thể hiện như nào?
- Trong một đêm Hát Xoan có 3 chặng hát. Chặng đầu là nghi thức mới thần… về ngự. Câu chuyện về các vị tướng lĩnh, vua Hùng sẽ phần nào thể hiện. Chặng tiếp theo là “Quả cách”. Đây là chặng có nhiều điệu múa, nghệ thuật hát đan xen vào nhau qua 4 chủ đề thể hiện toàn bộ xã hội thời bây giờ: Sĩ, Nông, Công, Thương.
Chặng cuối là màn hát trao duyên hay còn gọi: “Đi chơi, bợm gái”. Như đã nói ở trên, đây là chặng được chờ đợi nhất cũng là chặng có nhiều hình thức múa hát nhất của Hát Xoan, nơi nghệ thuật múa, hát được tôn vinh.
Đừng bao giờ biến Xoan cổ thành một thứ thương mại!
- Trong quá trình làm hồ sơ, ông đã có dịp tiếp xúc và khảo sát trực tiếp tại các làng Xoan. Vậy ông đánh giá thế nào về tình yêu Hát Xoan của người dân vùng Xoan bây giờ?
- Tôi có thể khẳng định người vùng Xoan bây giờ vẫn yêu Xoan lắm! Có thể thấy trong dòng chảy lịch sử, khi có biến cố thời cuộc, khi Hát Xoan chưa được hiểu đúng giá trị của nó thì người dân họ vẫn tự giữ lấy, họ vẫn âm ỉ truyền cho nhau, lén lút cất giữ cho tới tận bây giờ.
Hát Xoan đã cắm sâu vào đời sống văn hóa, dù có thế nào thì vẫn âm ỉ sống trong lòng nhân dân.
- Ông có lo ngại về tình trạng hiện nay khi 30 cửa đền hát Xoan mất đi già nửa, số nghệ nhân hát xoan còn khả năng nhớ và truyền dạy còn chưa tới 10 người?
- Cho đến bây giờ tôi đã bớt lo đi nhiều rồi. Vì các nghệ nhân tuy còn ít nhưng vẫn kịp truyền lại cho lớp trẻ. Không giống như Ca trù, lớp nghệ nhân có khả năng truyền dạy lại rất rất ít. Đặc biệt lớp trẻ ở vùng Xoan bây giờ cũng đã dần hiểu được giá trị vô giá nơi quê hương đã ban tặng. Họ đã biết giữ lấy cái tài sản vô giá ấy.
- Vậy theo ông, để bảo tồn được Hát Xoan điều cần làm nhất đó là?
- Tôi thấy có 3 điều quan trọng: Thứ nhất là cần có hành động thiết thực của Chính Phủ để hỗ trợ cho làng Xoan. Làng Xoan bây giờ biến động khác xưa rất nhiều. Cần có sự truyền dạy liên tục giữa các thế hệ để lấp đi cái biến động của hiệu ứng thành thị với nông thôn.
Thứ hai là về nhận thức giá trị Hát Xoan trong cộng đồng. Phải hiểu được cái hay, cái đẹp và giá trị lịch sử vô giá của nó từ đó mới có hi vọng Hát Xoan mới càng được bám rễ sâu vào đời sống văn hóa. Thứ ba đó là đừng bao giờ biến Xoan cổ thành một thứ thương mại.
- Có người cho rằng nếu giữ hát Xoan chỉ ở trong đình, miếu cổ như vốn có thì khó có thể truyền đến những người có nhu cầu muốn tìm hiểu Hát Xoan mà không thể đến tận nơi?
- Không thể phủ nhận ý tốt trong việc sử dụng phương tiện hiện đại để mang tới công chúng. Nhưng nên ý thức một điều rằng giá trị Hát Xoan không nằm ở việc hàng nghìn người xem. Đã là một cổ vật đại diện cho lịch sử của cả một thời kì của dân tộc, thì cần phải được tôn trọng và đặt đúng chỗ mới thể hiện hết được cái hay, cái đẹp và cái cổ của Hát Xoan. Sân khấu, thương mại, thái độ bằng “suy nghĩ hiện đại” sẽ không thể hiểu được nó!
- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.
Hoàng Nguyên