- Chúng đại diện cho rất nhiều giá trị khác nhau, chọn phim nào trong số này cũng đồng nghĩa với việc gửi tới thế giới điện ảnh một thông điệp.

The Artist (Nghệ sĩ)

Bộ phim khá bất thường xét trên nhiều khía cạnh. Trong kỷ nguyên của điện ảnh 3D, The Artist quay trở lại sử dụng thể loại phim câm đen trắng ra đời cách nay hơn một thế kỷ. Là sản phẩm của điện ảnh Pháp nhưng phim có câu chuyện đặt trong bối cảnh Hollywood những năm 1920. Jean Dujardin hóa thân vào vai George Valentin, ngôi sao dòng phim câm đối diện với sự nghiệp sa sút khi không chấp nhận thỏa hiệp với làn sóng mới đến từ phim có tiếng nói. Valentin gần như sụp đổ hoàn toàn hơn khi người vợ chịu đựng lâu ngày (Penelope Ann Miller) bỏ đi, buộc ông phải đấu giá các tài sản cá nhân, sa thải người tài xế trung thành (James Cromwell). Câu chuyện về nỗ lực vượt qua thử thách để thích nghi với một thời đại mới nhiều đổi thay và biến động của Valentin có lẽ là thông điệp đầy tính thời sự mà bộ phim gửi gắm đến khán giả hôm nay.

The Descendants (Người nối dõi)

Bộ phim kể câu chuyện mang bi kịch xen lẫn hài hước, do Alexander Payne (phim Sideways) đạo diễn và đồng viết kịch bản dựa trên tiểu thuyết của nhà văn Kaui Hart Hemmings. George Clooney vào vai Matt King, một luật sư thành công trong sự nghiệp và tin rằng mình có một gia đình hạnh phúc. Một tai nạn khiến vợ ông hôn mê trong bệnh viện và buộc ông phải đối diện với trách nhiệm chăm sóc trực tiếp hai đứa con, Scottie (Amara Miller) 10 tuổi và hay bắt nạt bạn bè và Alex (Shailene Woodley) 17 tuổi bắt đầu sa vào rượu chè. Câu chuyện nhắc nhớ người xem về những giá trị của gia đình. Chúng ta cần một sức mạnh để bảo vệ nó nhưng cũng cần sự bao dung, độ lượng để hàn gắn những rạn nứt. Cùng với “The Artist”, “The Descendants” là một trong hai phim sáng giá nhất cho giải Oscar phim xuất sắc nhất năm nay.

Tinker, Tailor, Sodier, Spy (Thợ hàn, thợ may, chiến binh, gián điệp)

Dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn John le Carré, bộ phim đặt trong bối cảnh thành phố London trong năm đầu thập niên 1970 với câu chuyện xoay quanh cuộc truy tìm một điệp viên nhị trùng nằm ngay trong cơ quan tình báo đầu não của Anh quốc. Nam diễn viên kỳ cựu Gary Oldman vào vai cựu điệp viên George Smiley bất ngờ được gọi trở lại trong điệp vụ bí mật này. Càng phát hiện nhiều manh mối, ông càng nhận ra mình đang rơi vào tình thế không biết ai là bạn, ai là kẻ thù. Khác với loạt phim giải trí kiểu “bom tấn” như James Bond hay Ethan Hunt, “Tinker, Tailor, Sodier, Spy” toát lên vẻ đẹp của một phim điệp viên được kể bằng ngôn ngữ trí tuệ, điềm tĩnh và thâm thúy, mà không cần viện tới những màn rượt đuổi, cháy nổ hay người đẹp nóng bỏng.

The Help (Người giúp việc)

Thật hiếm có phim nào mà nội dung chỉ xoay quanh chuyện bếp núc, bàn ăn và tiệc trà giữa những người phụ nữ, nhưng lại chuyển tải được một chủ đề rất nghiêm túc (nạn phân biệt chủng tộc), hấp dẫn người xem (doanh thu toàn cầu 205 triệu USD) và thành công về nghệ thuật (nhận được gần 70 đề cử và giải thưởng điện ảnh). Hai diễn viên da đen tài năng là Viola Davis và Octavia Spencer vào vai hai người giúp việc da đen ở Mỹ trong những năm 1960 quyết định cất lên tiếng nói tố cáo những bất công, sự miệt thị mà những bà chủ da trắng dành cho họ. Phim dựa trên tác phẩm văn học của nhà văn Kathryn Stockett, cả phim và sách được phát hành tại VN vào mùa thu 2011.

War Horse (Chiến mã)

 

Lại thêm một tác phẩm điện ảnh được chuyển thể kịch bản từ văn học. Duy nhất điểm khác là ngoài tác phẩm gốc của nhà văn Michael Morpurgo, bộ phim còn lấy cảm hứng từ vở kịch cùng tên trên sân khấu nước Anh năm 2007. “War Horse” kể câu chuyện cảm động về tình bạn giữa chàng trai trẻ Albert Narracott (Jeremy Irvine) và chú ngựa Ted. Hoàn cảnh không trông đợi đã đẩy Ted vào cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Albert quyết định đăng lính mong tìm lại được Ted. Một cuộc chiến, hai hành trình khốc liệt, tất cả kết thúc ở một điểm, nơi sự hung tàn, thù địch bị thế chỗ bởi hòa bình và tình yêu. Tác phẩm sử thi đánh dấu sự trở lại của bậc thầy Steven Spielberg trong vai trò đạo diễn, sau vài năm rút lui vào hậu trường làm nhà sản xuất.

Moneyball (Bóng tiền)

 

Sau hàng loạt vai diễn có số phận đặc biệt, “Moneyball” là cơ hội để Brad Pitt trở lại con người đời thường với không ít hoài nghi. Trong phim này, Pitt hóa thân thành ông bầu điều hành đội bóng chày đang trên bờ vực sa sút, vì bị những câu lạc bộ hùng mạnh hơn mua lại những cầu thủ tốt nhất. Tình thế buộc anh phải làm cuộc cải tổ gây nhiều đổ vỡ mối quan hệ trong cả đội bóng lẫn ban điều hành, dưới trợ giúp của một tài năng toán học (Jonah Hill) có thể thống kê khả năng của các cầu thủ bằng…con số. Với vai diễn này, Brad Pitt một lần nữa gần hơn với giải Oscar cho diễn xuất, sau hai lần được đề cử nhưng đều hụt.

Hugo 3D

Bộ phim đem lại cho bậc thầy Martin Scorsese giải Quả cầu vàng cho đạo diễn xuất sắc năm nay và tiếp tục là ứng viên sáng giá cho giải Oscar. Câu chuyện về cậu bé Hugo Cabret sống lang thang dưới những nhà ga, trộm thức ăn để sống qua ngày, sau khi cha cậu – một người thợ làm đồng hồ chết trong một vụ cháy bảo tàng. Tuy nhiên, hoàn cảnh khó khăn không làm cậu ngừng hi vọng, hứng khởi đi tìm các phụ kiện để sửa chữa một con robot. Bộ phim được cho là sự ca ngợi khéo léo sự ra đời của điện ảnh với những đam mê sáng tạo không ngừng.

Minh Chánh