HTML clipboard

- PGS TS. Nguyễn Văn Huy cho rằng phía sau câu chuyện kỷ lục ở Hội Lim năm nay cũng như những hiện tượng không hay ở các lễ hội khác trước hết là vấn đề tư duy của những nhà quản lý văn hóa.


Tiếp tục câu chuyện về văn hoá lễ hội và quản lý văn hoá ở các lễ hội đang rất nóng hiện nay, VietNamNet đã có cuộc trao đổi với PGS TS. Nguyễn Văn Huy, Uỷ viên Hội đồng Di sản Quốc gia, Trưởng ban Di sản văn hoá phi vật thể của Hội di sản văn hoá Việt Nam.


Hội Lim lần đầu có kỷ lục. Ảnh: Huyvme
Vấn đề ở đây là tư duy của những nhà quản lý văn hóa

- Năm nay, lần đầu tiên Hội Lim dự định xác lập kỷ lục Guinesss Việt Nam với tư cách là lễ hội có nhiều người nhất mặc trang phục quan họ và cùng hát dân ca quan họ Bắc Ninh. Quan điểm của ông về sự việc này thế nào?

- Tôi có đọc được thông tin này trên Vietnamnet và cũng giống với một số cán bộ ở Văn phòng UNESCO và Cục Di sản văn hóa, tôi rất lấy làm ngạc nhiên là vì sao người ta lại có tư duy như thế. Câu chuyện kỷ lục thật là khôi hài! Chính vì vậy Hội Lim năm nay tôi và vài người bên Cục Di sản cũng như Văn phòng UNESCO cũng tới để xem thực hư chuyện này ra sao. Rõ ràng, đặt câu chuyện hát Quan họ mà đưa vào kỷ lục này kỷ lục kia, tương tự như kỷ lục bánh chưng, bánh dày ở lễ hội đền Hùng trước đây, là không nên.

Qua một năm, báo chí đã nêu rất nhiều về những hiện tượng không hay, dư luận xã hội cũng lên tiếng nhiều nhưng ngành văn hóa dường như ít rút kinh nghiệm và không có đánh giá mang tính phê phán gì cả. Đáng lẽ ra cần phải có sự phân tích một cách nghiêm túc về các sự kiện phát sinh trong đời sống văn hóa ở các lễ hội sau mỗi năm để xem xét ở góc độ khoa học xem việc gì là nên hay không nên. Tôi cho vấn đề ở đây là tư duy của những nhà quản lý văn hóa.

Dự kiến có 2012 người tham gia nhưng cuối cùng có hơn 3000 người đến hát để xác lập kỷ lục. Ảnh: Huyvme

- Tức là theo ông, lỗi ở đây không chỉ ở những nhà tổ chức mà ngọn nguồn chính là lỗ hổng trong việc đào tạo những người quản lý văn hóa hiện nay? Cuối cùng ngọn nguồn của mọi vấn đề vẫn là con người?

Họ không có tư duy về tổ chức lễ hội cũng như sự kiện văn hóa một cách đúng mức, nhất là vấn đề tư duy quản lý và bảo tồn lễ hội truyền thống. Trách nhiệm đương nhiên là ở Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch nhưng nhìn sâu xa hơn về nguyên nhân chính là vấn đề đào tạo nhân lực, ở công tác đào tạo ngay tại Đại học Văn hóa, nhất là khoa Quản lý Văn hóa. Hát quan họ sống trong cộng đồng, từng gia đình và mọi người chứ không phải ở chỗ thật đông người đến hát, hát tập thể kiểu đồng ca (lập kỷ lục). Người nghe thì chen vai thích cánh nhau, mặc đồng phục di chuyển như kiểu tuần hành, "duyệt binh" điều đó chắc không phù hợp với câu chuyện về di sản văn hóa này.

Thực ra ở Hội Lim, dù không có câu chuyện kỷ lục thì mấy năm gần đây lễ hội này cũng gặp vấn đề trong cách tổ chức như diện tích trên đồi thì quá hẹp mà hầu hết các hoạt động lại tập trung chen chúc trên đó nên không đủ không gian cho các hoạt động hát và nghe một cách thoải mái. Hay việc sử dụng  loa thùng giữa các hoạt động quá gần nhau vào như báo chí đã phản ánh chẳng hạn. Điều này là hoàn toàn không thích hợp với nghệ thuật trình diễn hát quan họ làm cho người xem không hiểu được thực chất ngày hội và hát quan họ là gì.  

Tuy nhiên, nói đến hội Lim thì cũng cần nói đến các hội khác. Thực ra nhiều hội ở đồng bằng Bắc Bộ vẫn giữ được sự chân chất. Nhưng cứ cái đà này, khi các lễ hội nâng cấp lên thành lễ hội quốc gia, lễ hội vùng, đưa vào khai thác du lịch ồ ạt mà thiếu sự kiểm tra, kiểm soát thì quá tải là đương nhiên.

Do vậy tôi sợ hội Phù Đổng ở làng Phù Đổng mới được UNESCO công nhận, nếu tư duy đưa du lịch vào ồ ạt mà không có sự chuẩn bị trước thì sớm muộn cũng sẽ biến chất. Hoặc nếu không đưa du lịch vào nhưng lại đầu tư, nâng cấp lên đến mức thay đổi cảnh quan thì cũng vô cùng nguy hiểm. Chúng ta đã thấy những bài học đó rồi. Như chuyện lễ hội đền Trần chẳng hạn. Từ câu chuyện của một làng quê, sau mươi mười lăm năm với định hướng phát triển du lịch và nâng cao uy tín của nhà Trần để giáo dục truyền thống khiến cho lễ hội này quá tải với hàng nghìn, hàng vạn người kéo đến mỗi năm xin ấn dẫn đến cảnh tượng lộn xộn.

Người quản lý nhận thức sai thì sẽ quản lý sai


Hát quan họ ở Hội Lim. Ảnh: Nguyễn Hoàng

- Thực ra bản thân các lễ hội không phải tự nhiên nảy sinh vấn đề tiêu cực được mà nhiều khi nguyên nhân còn đến từ những người tổ chức nữa mà câu chuyện kỷ lục hay loa thùng ở Hội Lim hoặc chuyện phát ấn ở đền Trần chẳng hạn. Ông nghĩ sao về vấn đề này?

Trước hết đó là những người quản lý văn hóa. Nhìn xa hơn chính là nền tảng đào tạo những người quản lý văn hóa. Chúng ta phải tạo ra những người quản lý có quan điểm, định hướng tiên tiến, tư duy, phương pháp quản lý văn hóa đúng. Còn nếu chạy theo giống như bên tiếp thị kinh tế thì sẽ chỉ làm hỏng văn hóa. Người quản lý văn hóa trước hết phải có nền tảng văn hóa sâu sắc để xử lý mọi vấn đề của mình một cách thông minh và văn hóa nhất. Tôi không thể tưởng tượng được tại sao một Sở Văn hóa lại có thể đề xuất ý tưởng tạo ra một kỷ lục "trang phục quan họ và hát quan họ" như vậy ở Hội Lim.

Cơ sở nào họ lại làm vậy và mong muốn điều gì? Nếu mọi thứ cứ chấp nhận và chạy theo những ý tưởng của các tổ chức đăng ký và xét duyệt kỷ lục thì rất dễ đánh mất định hướng bảo tồn của di sản văn hóa đại diện nhân loại. Người dân vùng quan họ rất tự hào về hát quan, mê các hoạt động liên quan đến phát huy các giá trị quan họ. Các nhà tổ chức nên đưa phong trào hát quan họ trong Hội Lim theo hướng nào?  Nhưng hướng họ theo kỷ lục thì có nên chăng? Người quản lý nhận thức không đúng, không đầy đủ thì sẽ quản lý sai. Nhiều người làm công tác quản lý di sản đều đã cảnh báo vấn đề này từ rất lâu rồi nhưng vẫn không được chú ý đúng mức.

- Nói đi cũng phải nói lại, bản thân những người đi hội thực ra cũng hiểu sai về bản chất của từng lễ hội hay di tích mà gần đây là câu chuyện người ta rải tiền trắng cả mái nhà Thái học ở Văn miếu Quốc tử giám hay đốt vàng mã ở đây, rồi chuyện rải tiền ở các đền chùa vô tội vạ... Bản thân người dân cũng đang làm hỏng các lễ hội hay các di tích văn hóa. Câu chuyện của những người đi lễ hội cũng là vấn đề phải bàn phải không, thưa ông?

Tất nhiên để giải quyết vấn đề của các lễ hội thì có rất nhiều việc phải làm. Nhưng theo tôi vấn đề cơ bản vẫn nằm ở những người tổ chức. Nếu quản lý, tổ chức tốt thì sẽ hạn chế những tiêu cực một cách tối đa. Ở Nhật Bản tôi thấy ở các chùa người dân đến lễ rất đông nhưng tất cả đều rất trật tự. Các đình chùa ở Trung Quốc cũng vậy. Họ cũng thắp hương nhưng quy định rõ chỉ được thắp ở các đỉnh hương ngoài sân. Nếu ai mang hương vào thắp trong chùa thì họ có chế tài xử lý. Các đền chùa ở Trung Quốc cũng bán hương và vàng mã, thậm chí có bói toàn, xóc thẻ không ai cấm. Nhưng vấn đề là họ tổ chức tốt, nghiêm chỉnh.

Cho nên, như người ta nói là nhà dột từ nóc, nên bắt đầu sửa thì phải từ mái đã. Hệ thống tổ chức của ta mỏng mảnh, không chuyên nghiệp. Tuy nhiên nói vậy không có nghĩa là tất cả các đền chùa, các lễ hội đều tổ chức không tốt. Ngay ở HN, chùa Trấn Quốc hay chùa Hà tổ chức rất tốt, ngăn nắp trật tự. Vào một môi trường chen lấn thì ai cũng sẽ chen lấn cả. Do vậy đừng nói người VN xấu tính, nếu sống trong môi trường lành mạnh thì tự nhiên cả cộng đồng tốt. Nếu tổ chức tốt sẽ tạo ra một môi trường lành mạnh, khi tham gia vào môi trường lành mạnh thì người ta sẽ tự nhiên theo nhau ứng xử một cách văn hóa.

Hội Lim, dù không có câu chuyện kỷ lục thì mấy năm gần đây lễ hội này cũng gặp vấn đề trong cách tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Lễ hội cần phải quay trở lại là lễ hội của cộng đồng

- Như vậy có nghĩa là không thể đòi hỏi tất cả những người đi lễ hội phải ứng xử văn hóa hết mà cơ bản phải tạo ra một môi trường văn hóa?

Hai yếu tố đó phải song song. Phải đào tạo ra những người có văn hóa mà công tác đó phải làm từ ĐH Văn hóa, từ những sinh viên sau này làm công tác quản lý văn hóa ở các địa phương để tất cả đều có tư duy quản lý văn hóa đúng đắn. Về vấn đề con người tham gia lễ hội, không phải chúng ta đào tạo ra những người để đi lễ hội mà là đào tạo nền tảng văn hóa cơ bản cho những công dân tương lai ngay trên ghế nhà trường. Mười mấy năm học phổ thông, đại học là chừng đó năm để rèn luyện con người. Nền tảng vẫn là trách nhiệm của nhà trường trong việc tạo ra những con người ứng xử có văn hóa trong mọi sự kiện trong cuộc sống chứ không riêng gì lễ hội. 

- Trở lại câu chuyện văn hoá ở các lễ hội như chúng ta đang bàn, ông có thể lý giải vì sao mà cứ nhắc đến lễ hội thì ai cũng sợ?

- Lễ hội cần phải quay trở lại là lễ hội của cộng đồng như nó vốn có. Người dân ở các vùng có lễ hội phải chủ thể của lễ hội. Điều nhức nhối hiện nay là người ta cứ muốn đẩy lễ hội đó lên cấp cao hơn và biến thành điểm du lịch. Mà ngành du lịch khi đã vào thì về cơ bản là phá vỡ tính văn hóa của các lễ hội nếu như không được chuẩn bị trước một cách thấu đáo. 

- Xin cảm ơn ông!

Hạnh Phương