- Trong khi nhiều nhà hát ở Hà Nội phải cho thuê đám cưới hay các dịch vụ khác để bù lỗ thì sân khấu TP.HCM luôn sáng đèn và thị trường liên tục được mở rộng.


Trong tương quan với sân khấu Hà Nội, sự năng động của sân khấu TP.HCM đã được thừa nhận lâu nay, với bao nhiêu địa chỉ là bấy nhiêu điểm diễn sáng đèn hàng đêm, thu hút đông đảo khán giả, thị trường liên tục được mở rộng.

Sức sống mãnh liệt của sân khấu xã hội hóa

Cũng cần nhắc lại những cái tên đã góp phần làm nên chữ năng động cho sân khấu TP.HCM thời gian qua như kịch IDECAF, kịch Phú Nhuận, sân khấu 5B Võ Văn Tần, Hoàng Thái Thanh... Và tái khẳng định những điều làm nên thành công của sân khấu miền Nam vẫn không là thừa trong bối cảnh so sánh với sự eo sèo của sân khấu miền Bắc.

Màn kết của một vở kịch lịch sử hoành tráng trên sân khấu IDECAF. Ảnh: V.T

Thành công của sân khấu TP.HCM gắn liền với hiệu quả của hình thức xã hội hóa sân khấu. Cách làm này ban đầu còn chịu nhiều nghi ngại, thậm chí tranh cãi có nên mở rộng, ủng hộ hay không. Trên con đường phát triển, dù đây đó vẫn còn những vở diễn bị xem là giải trí dễ dãi, song sân khấu xã hội hóa ở TP.HCM đến nay đã khẳng định sức sống và thực lực của mình.

Khán giả đã không còn phân biệt đi xem kịch của đoàn Nhà nước hay vở của sàn diễn tư nhân. Thậm chí, đề cập chuyện sân khấu TP.HCM hiện nay phần lớn là nói đến sân khấu do tư nhân đầu tư. Bởi đời sống kịch nghệ nói chung của thành phố này đang được các đơn vị xã hội hóa như kể trên nắm giữ phần hồn, điều tiết nhịp độ.

Nhà viết kịch Lê Duy Hạnh, Phó chủ tịch Hội sân khấu Việt Nam, Chủ tịch Hội sân khấu TP.HCM, người theo sát hành trình xã hội hóa của sân khấu miền Nam từ những ngày chập chững, khẳng định hình thức này đã thành công cả về lượng lẫn về chất, mà định lượng cụ thể nhất là qua Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc năm 2009 tại TP.HCM với những giải thưởng quan trọng đều thuộc về các sân khấu tư nhân.

Luôn đi tìm khán giả

Khác biệt lớn nhất làm nên sự nhộn nhịp trên sàn diễn miền Nam và sự đìu hiu của kịch nghệ miền Bắc nằm ở chỗ: một bên tự bỏ tiền ra làm vở và tập trung cao độ vào chuyện lỗ lãi, cũng như chịu khó tìm hiểu thị hiếu khán giả để đáp ứng, một bên chỉ dựng kịch khi Nhà nước rót vốn và hiển nhiên cũng chẳng quan tâm mấy đến việc duy trì được bao nhiêu suất, khán giả phản ứng thế nào.

Khán giả hồi hộp theo dõi một vở kịch kinh dị trên sân khấu Phú Nhuận. Ảnh: V.T

Giới làm nghề sân khấu ở TP.HCM không lạ chuyện NSƯT Hồng Vân, bà chủ của sân khấu kịch Phú Nhuận đích thân tìm hiểu đối tượng khán giả, gu xem kịch bằng cách ngồi quan sát hàng giờ trước điểm diễn để lên kế hoạch hoạt động dài hơi. Hoặc nghệ sĩ Phước Sang, ông chủ của một loạt tụ điểm kịch, thường xuyên ngồi lẫn vào hàng ghế xem khán giả khóc, cười, để làm vở đáp ứng rất sát sở thích của họ.

Cũng vì thế, các sân khấu đến nay đã định hình phong cách, thị phần riêng. Trong khi kịch IDECAF có đối tượng khán giả trung lưu thì kịch Sài Gòn chuyên dựng vở dành cho khán giả bình dân; trong khi kịch Phú Nhuận đứng giữa phong cách nghiêm túc của sân khấu 5B Võ Văn Tần và hài của Nụ Cười Mới, thì sân khấu Hoàng Thái Thanh "cực đoan" với lối đi riêng đậm tính nghệ thuật...

Không ai tranh giành của ai, thương hiệu nào có khán giả đó và ngược lại. Ngay cả chuyện thường gây bức xúc là nghệ sĩ chạy sô giữa các sân khấu này với nhau rồi cũng được các ông bà bầu thu xếp gần như đâu vào đấy. Và trên bình diện chung, sân khấu TP.HCM có được gương mặt đa sắc, tươi tỉnh trên đôi chân luôn sải bước sống động.

"Vật vã" để phát triển

Sân khấu xã hội hóa ở miền Nam còn khó khăn hơn miền Bắc ở chỗ phải đi thuê mặt bằng, trong lúc một số điểm diễn ở miền Bắc khang trang lại để cho thuê bán cà phê, tiệc cưới. Kịch IDECAF thuê chỗ ở Nhà thiếu nhi quận 1, Viện trao đổi văn hóa với Pháp; kịch Phú Nhuận "tá túc" ở Trung tâm văn hóa Phú Nhuận, siêu thị Superbowl; kịch Hoàng Thái Thanh đóng đô trong khán phòng Nhà thiếu nhi thành phố...

Một tiết mục của Nhà hát Nón Lá sắp khai trương, "tá túc" trong CVH Lao động TP.HCM. Ảnh: V.T
Nhưng tất cả vẫn sáng đèn (vì đủ năng lực để hoạt động, phát triển) và phải sáng đèn (vì giữ thương hiệu, doanh thu và đời sống của đội ngũ). Trong quá trình phát triển, không phải các ông bà bầu không có những chông chênh trên bước đường của mình, thậm chí nhiều phen "vật vã" giữa hai thái cực nghệ thuật và thị trường. Bởi trước khi là ông bà chủ (và trong lúc làm bầu), họ cũng chính là nghệ sĩ, cũng đau đáu với những đứa con, sản phẩm của mình.

Giám đốc Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF kể NSƯT Thành Lộc từng nói với mình rằng đừng làm hài kịch nữa mà hãy làm chính kịch, bi kịch. Ông bầu này nói sân khấu của mình vẫn làm những vở chính kịch đàng hoàng, quy mô nhưng cũng chỉ để "giữ chính kịch, giữ diễn viên và giữ hồn khán giả" chứ toàn phải lấy doanh thu hài kịch bù lỗ.

Song, chính việc phải chọn lựa, trăn trở với nghề thì con đường đạt đến chất lượng nghệ thuật, doanh thu hoặc tối ưu nhất là đạt cả hai, mới được mở dần ra. Cũng như phải xông xáo đi tìm trụ sở, chào mời nghệ sĩ, tự đào tạo lớp diễn viên kế thừa, sáng tạo những cách làm mới phù hợp thực tế..., như cách nhiều sân khấu ở TP.HCM đã tiến hành. Chứ thụ động như nhiều sân khấu ở Hà Nội, thì biết đến lúc nào nghệ sĩ sống được với nghề, hay nói đến những chân trời nghệ thuật nào đó phải khám phá.

Diễn biến mới nhất biểu hiện cho sức phát triển năng động của làng sân khấu miền Nam là việc nối tiếp nhau ra mắt của hai điểm diễn: sân khấu kịch Thanh Niên và Nhà hát dân tộc Nón Lá. Sân khấu Thanh Niên chào sân dịp Tết Nhâm Thìn vừa qua với kịch mục gồm 3 vở "Duyên lạ hồn hoang", "Cậu ấm" và "Những cô gái đẹp". Sàn diễn mới nhưng lực lượng tập hợp không tỏ ra lép vế so với các "đại gia" có thương hiệu trong làng.

Trong tháng 2 này, Nhà hát dân tộc Nón Lá sẽ khai trương trong khuôn viên Cung văn hóa Lao động TP.HCM. Ông bầu Huỳnh Anh Tuấn cho biết nhà hát đi theo hướng tổ chức những chương trình biểu diễn các loại hình nghệ thuật tiêu biểu của Việt Nam như ca trù, chèo, hát bội, hòa tấu các bộ gõ nhiều vùng miền, nhã nhạc cung đình Huế...

Với vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng cùng lực lượng hùng hậu từ các đơn vị như Nhà hát múa rối Nụ Cười, Nhà hát rối nước Rồng Vàng, Ban nhạc gõ Phù Đổng, Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.HCM, địa điểm mới này đang được kỳ vọng làm nghệ thuật nghiêm túc nhưng vẫn ăn khách, đặc biệt trong thị phần khán giả là khách du lịch.

V.Tiến