- Khai thác chuyện hậu trường là bí quyết giúp Got Talent tạo được nhiều cung bậc cảm xúc cho khán giả, từ xúc động, cảm thương đến la ó, lăng mạ?

Điều gì đã xảy ra ở tập thứ bảy khiến cuộc thi Vietnam’s Got Talent vốn chẳng mấy ai để tâm trước đó, phút chốc trở thành tâm điểm của dư luận? Xem lại và so sánh cách dàn dựng giữa tập bảy với những tập trước, người ta dễ dàng nhận ra sự khác biệt. Dù chỉ là khác biệt nhỏ, nhưng đủ để cuộc thi này gây được….sóng gió.

Got Talent, theo đúng phiên bản gốc, không đặt nguyên tắc hay chuẩn mực trong việc chọn lựa thí sinh.

Bước chuyển hậu trường

Cho tới trước tập thứ bảy lên sóng, Vietnam’s Got Talent vẫn giới thiệu tiết mục trình diễn dự thi theo đúng định dạng (format) của chương trình gốc. Tức, bắt đầu bằng vài chục giây cho những hình ảnh hậu trường giới thiệu thí sinh và tiết mục họ sẽ trình diễn. Sau đó, thí sinh được hai MC dẫn ra sân khấu, trả lời vài câu hỏi mang tính làm quen của ban giám khảo, trình diễn tiết mục và nhận kết quả, nhận xét của ba thành viên giám khảo là những người nổi tiếng.

Kể từ tập đầu tiên phát sóng ngày 18/12 cho tới cách nay một tuần, Vietnam’s Got Talent gần như không tạo được bất kỳ sức nóng nào trên bề mặt truyền thông, ngoài dăm ba tin tức gây hiếu kỳ như tiết mục nuốt cá kèo sống, cậu bé 12 tuổi hát My heart Will Go On, anh cảnh sát múa võ trên nền nhạc bài Nobody.

Nhưng tình thế đã thay đổi chỉ bằng tiết mục hát bài Tình mẹ của cô bé 15 tuổi Lê Nguyễn Quỳnh Anh. Phải nói ngay, đây sẽ là một tiết mục rất bình thường nếu như câu chuyện hậu trường về một gia đình tung hô tài năng của con/em gái mình không được nhấn sâu đến vậy. Cũng như, diễn biến phát sinh của người mẹ “cướp” micro giãi bày cho con không được người biên tập giữ nguyên trong chương trình phát sóng.

Với chuyện bê bối vừa qua, có thể nói, Vietnam’s Got Talent đã chuyển sang dấu mốc mới trên con đường mang lại cảm xúc cho người xem. Từ chê cười “tài năng” của một cô gái múa với động tác duy nhất là vung tay sang hai bên, hay giọng hát của một chàng thanh niên mặc đồ phụ nữ. Cho đến chút xúc động, cảm thương trước những cô bé, cậu bé có giọng hát trong trẻo, nhảy giỏi giống Michael Jackson. Và nay là giận dữ, ghét bỏ và thậm chí lăng mạ (theo cách ẩn danh) một thí sinh 15 tuổi và gia đình cô.

Công dân ở mọi độ tuổi đều có thể tham gia cuộc thi này.

Bằng cách này, cuộc thi đã đẩy thí sinh vào hệ lụy không thể lường trước. Bởi phía trước họ là một đám đông vô hình và vô hạn, ngồi trước màn ảnh nhỏ hoặc truy cập vào tài khoản của một diễn đàn trên mạng, sẵn sàng tung hô hoặc “ném đá” những gì họ đã xem với tất cả những yêu/ghét của mình.

Cụ thể, cuộc thi đã phô bày một trường hợp húy kỵ “con hát mẹ khen hay” theo đúng nghĩa trực quan của câu ngạn ngữ mà dân gian dùng để răn bảo nhau. Đám đông có quyền giận dữ, phê phán và chê cười để thể hiện thái độ/ ý muốn bảo vệ chuẩn mực đạo đức tốt đẹp.

Thích nghi văn hóa địa phương?

Những trò chơi “truyền hình thực tế” phô bày ham muốn, thói xấu, sự trơ trẽn của con người không xa lạ gì với truyền hình phương Tây. Nhưng đây có lẽ là lần đầu tiên xảy ra ở VN.

Hoàn cảnh trên nếu được cố ý dàn dựng như cáo buộc của “nạn nhân” kiêm ‘thủ phạm”, thì quả thật nghiệt ngã cho con người, nhất là khi nó mang hình thức của một trò chơi. Và cho dù là vô tình, nhà sản xuất cũng nên xem lại cách dàn dựng để hạn chế những đổ vỡ, tổn thương nhân danh cái gọi là “truyền hình thực tế”. Vì xét cho cùng, đây là một cuộc chơi mà các bên cùng thắng.

Tất cả những tài năng thuộc dạng trình diễn như ca hát, khiêu vũ, võ thuật, diễn hài hay các hoạt động khác đều có thể đăng ký dự thi

Chuyện ầm ĩ trên cũng cho thấy phiên bản được sản xuất cho người Việt đang cố gắng đi tìm sự thích nghi với văn hóa địa phương. Bằng chứng là việc cài cắm thêm những câu chuyện hậu trường nhằm gây ra tình cảm của khán giả đối với thí sinh và tiết mục.

Rất có thể đây sẽ là xu hướng của Vietnam’s Got Talent trong thời gian tới, nhất là khi tài năng của các thí sinh tham gia chưa thực sự thuyết phục.

Thực tế, đây là bài học đã được áp dụng trong các phiên bản Got Talent ở châu Á. Những ai xem China’s Got Talent đều dễ dàng nhận ra cách phóng đại câu chuyện hậu trường về các thí sinh. Những thông tin bên lề thường thường nhấn sâu vào chuyện tàn tật, nghèo khổ hay gia đình chịu nhiều mất mát của các thí sinh, hơn là tài năng mà họ đang có.

Nhiều tranh cãi cho rằng nếu ai đó chiến thắng chỉ nhờ bởi sự tử tế của khán giả và ban giám khảo, cuộc thi có lẽ phải đổi tên “Trung Quốc có tài năng” thành “Người làm mủi lòng Trung Quốc”.

Trong khi đó tại phương Tây, các thí sinh tài năng thuyết phục người xem bằng chính màn trình diễn. Những câu chuyện hậu trường về đời tư (nửa thực nửa hư) chỉ đến sau khi họ nổi tiếng, được sử dụng như một công cụ tạo ra giá trị cộng thêm cho sản phẩm thương mại liên quan đến thí sinh sau đó.

Khải Trí