Các nhà thơ trẻ khi bước vào thơ ca, đôi khi thích làm hình thức, rối rắm cả lên nhưng đừng vì thế mà nhăm nhăm vùi dập họ vì không cách tân có nghĩa là nghệ thuật đang chết. Đó là điều mà các nhà thơ gạo cội bàn về thơ trẻ.


Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp: Trong nghệ thuật mà không cách tân có nghĩa là nghệ thuật đang chết. Chính vì thế, cách tân là điều cần thiết là bản chất của nghệ thuật.

Cách tân có hai loại: Cách tân thật sự (tạo cái mới, sản phẩm đích thực) và na ná cách tân (đảo phách đảo nhịp lung tung). Hướng cách tân đầu tiên sẽ tồn tại mãi mãi. Hướng thứ hai sớm bị bạn đọc lãng quên. Xét đến nỗ lực sáng tạo đích thực của nghệ sĩ thì cũng phải phân biệt thế này:  Có những nghệ sĩ họ sáng tạo đến đích và có nghệ sĩ không đến đích nhưng chúng ta đều tôn trọng họ. Những nghệ sĩ sáng tạo không đến đích họ đã kết tinh nghệ thuật còn những người sáng tạo không đến đích thì họ chính là hiện thực để chúng ta xem lại mình, mình sáng tạo theo hướng nào thì hợp lý hơn, hay thấy được trong sự sáng tạo kia ỏ đây chưa được để mình có thể vượt qua nó. Cho nên nó trở thành kinh nghiệm nghệ thuật trong sự đổ vỡ. Người làm công tác phê bình, nghiên cứu cần phải biết trân trọng những cái đó. Chẳng hạn những nỗ lực thơ không vần ở Việt Bắc của Nguyễn Đình Thi bị chê tơi bời, sau này Nguyễn Đình Thi chỉ ngồi sửa thơ của mình theo góp ý nhưng đó là cuộc cách tân bị gãy giữa chừng. Nhưng nó là một kinh nghiệm để thế hệ sau lấy làm bài học, đó là chuyện hết sức bình thường.


Sân thơ trẻ tại Ngày thơ Việt Nam 2009. Ảnh: Hoàng Hà

Khi chúng ta bước ra khỏi dàn đồng ca của kháng chiến, chúng ta có sự đa dạng về giọng điệu. Sự đa dạng này hết cần thiết của nghệ thuật và sự tự thân của những nhà thơ. Đây là một quá trình bền bỉ. Cần có sự khoan dung của các sáng tạo. Nguyễn Tuân, Nam Cao cũng làm thơ nhưng thơ của họ cũng tàm tạm rồi họ bước sang và thành danh lĩnh vực văn xuôi. Thơ là thể loại bén duyên ngày từ đầu nhưng những ai trụ lại ở lĩnh vực thơ ca và trở thành tài năng tôi đánh giá rất cao. Tất cả các nhà thơ đều đi qua quá trình thử bút để tạo ra một lộ trình mới để đổi mới mình để cách tân, sáng tạo. Các nhà phê bình cứ nhăm nhăm vùi dập nó thì cần phải xem lại.

Nhà thơ Phan Hoàng: Tôi cho rằng thơ cũng giống như một cô gái. Khi mới lớn thì thích chăm chút về hình thức. Các bạn làm thơ trẻ cũng vậy. Khi bước vào thơ ca, đôi khi làm hình thức, rối rắm cả lên. Tôi ví dụ như nhóm Ngựa trời chẳng hạn ngày xưa khác bây giờ khác, rõ ràng là đã chín chắn hơn nhiều. Tất nhiên không phải bạn thơ nào cũng có sự cách tân. Sẵn nói về văn hóa của Mỹ, trong cái dở trước năm 1975, phải nói rằng chúng ta tiếp nhận được cái hay của văn hóa Phương Tây. Chúng ta có những nhà thơ tôi cho rằng tầm ảnh hưởng của họ đối với thơ ca là rất nhiều.
Tôi tin rằng các bạn trẻ làm thơ cũng vậy bước vào làm thơ không xác định mình thế này mình thế khác, trừ một số người còn những nhà thơ mà tài năng đích thực thì sẽ âm thầm, lặng lẽ. Tôi nghĩ rằng thơ là một cái gì đó mang vẻ đẹp thầm lặng.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Tôi cho rằng cái chết với thi ca mà chúng ta vẫn thường nói không phải trong một khoảng khắc nào đó của lịch sử dài bất tận của lịch sử văn học, văn hóa trong 5 năm, mười năm vắng bóng nó lùi đi nó chìm đi đấy không phải là yếu tố giết chết thi ca. Nguyên nhân chính đó chính là tính sáng tạo của các nhà thơ không có. Tính đa dạng của sư sáng tạo, tính phong phú của các nhà thơ sẽ vô cùng quan trọng, nó làm cho thơ ca trở nên  sống động. Vì vậy khi những người trẻ có những sáng tạo thì hãy trân trọng họ.

Ban Văn hóa