-  Là người đầu tiên thử nghiệm Acoustic đương đại cho nhạc đỏ, giảng viên trẻ của Học viện Âm nhạc Quốc gia tự nhủ mình: "Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ giành phần ai?"

NSND Lê Dung luôn coi Phương Nga là “hạt giống đỏ”, mặc dù cô chưa bao giờ nói trực tiếp với Phương Nga điều này. Sau 8 năm kể từ khi phát hành album vol.1 “Bóng cây Kow - nia (năm 2004), cô gái đoạt giải nhất của cuộc thi Sao Mai lần thứ 1 đã trở thành ca sĩ đầu tiên của dòng nhạc đỏ ra mắt một album Acoustic.
"Ơi cuộc sống mến thương" thuần túy với phần đệm guitar, saxophone và violin đã đưa những tác phẩm âm nhạc chính thống, lừng lẫy của một thời như "Một rừng cây một đời người", "Đêm thành phố đầy sao", "Biển hát chiều nay", trở về gần gũi với đa số người nghe. Đây cũng là một cách thể hiện mới cho các tác phẩm âm nhạc chính thống.

Phương Nga - giải nhất của cuộc thi Sao Mai lần thứ 1 - là thế hệ kế tiếp của NSND Lê Dung, NSND Trung Kiên

Trong một buổi trò chuyện có mặt những giảng viên quan trọng nhất của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, những nghệ sĩ như NSND Trung Kiên, NSND Quang Thọ... đã nói về âm nhạc Acoustic, và về "hạt giống đỏ" của cố NSND Lê Dung với niềm cảm mến và cả sự nghiêm khắc dành cho một người làm nghệ thuật.

- NSND Lê Dung là một cây đa  của nền thanh nhạc Việt Nam, đồng thời cũng là một người thầy đáng kính và gần gũi với chị; chị có kỉ niệm nào sâu sắc với bà?

Phương Nga: Tuy rằng mới chỉ học được với NSND Lê Dung trong hơn 1 năm nhưng cô luôn rất yêu thương, hết lòng dạy dỗ tôi từng câu từng chữ trong mỗi tác phẩm. Tình cảm và lòng biết ơn cùng những kỷ niệm với cô sẽ mãi giữa trong trái tim và như một phần thiêng liêng theo tôi suốt cả cuộc đời.

Tôi còn nhớ rõ, NSND Lê Dung là người yêu hoa, thích hoa hồng, lãng mạn và tình cảm. Năm 1999 ngày 20/11 đầu tiên được học cô, tôi đã chọn 50 bông ở một gánh hàng rong, bởi lúc đó tôi mới là một sinh viên chưa có nhiều tiền để vào những hàng hoa sang trọng. Tôi đã chọn từng bông rất kỹ và gói giấy báo cẩn thận. NSND Lê Dung  đã rất vui và cắm luôn 50 bông hoa vào lọ hoa đặt trên chiếc đàn piano.

Nhiều lúc sau khi dạy xong, cô ngồi đó để trò nhổ tóc bạc và tâm sự chuyện gia đình, chuyện cô đi biểu diễn… Mồng 2 Tết năm 2000 biết tin cô nhập viện, ngay sáng sớm mồng 3 tôi đã vào và ở liền trong bệnh viện suốt cho đến ngày mồng 6. Tôi ngồi bên cô và thầm khấn ông trời cho cô tỉnh lại. Nhưng điều đó đã không bao giờ xảy ra.

Có một điều tôi luôn cho rằng mình đã may mắn, nếu không có sự may mắn đó tôi có lẽ sẽ cảm thấy áy náy suốt cả cuộc đời. Sau khi ở chăm cô tới vài ngày, sáng mồng 6 tôi định về nghỉ một lát rồi lại vào tiếp tục chăm sóc cô, nhưng nghĩ thế nào lại không về. Và cũng chính trong buổi sáng hôm đó cô chia tay cuộc sống khi vẫn bàn tay vẫn nằm trong lòng bàn tay tôi. Kể từ ngày cô ra đi, cứ vào ngày 20/11 hay ngày giỗ, tôi đều qua chùa Liên Phái (phố Bạch Mai, Hà Nội) để thăm cô. 

Sau khi NSND Lê Dung mất, tôi cùng toàn bộ trò của lớp NSND Lê Dung được PGS.NSND Nguyễn Trung Kiên nhận hướng dẫn. Và tôi thầm biết đây cũng là tình cảm mà NSND Trung Kiên dành cho NSND Lê Dung người học trò tài năng nhưng bạc mệnh của mình.

NSND Quang Thọ chúc mừng cô trong sự sáng tạo âm nhạc

- Nhiều người cho rằng việc Acoustic hóa những tác phẩm âm nhạc chính thống của Phương Nga là sự đột phá, còn ông nghĩ sao, thưa ông?

NSND Trung Kiên: Không, đừng nên nghĩ rằng đó là đột phá. Đó chỉ là một phong cách bình thường, là một cách thể hiện khác đi. Những bài hát tâm tình được thể hiện bằng phần đệm giản dị, đương đại. Nó đi vào lòng người theo một kiểu khác, một không gian riêng tư. Không nên nói quá lên là sự đột phá, nhưng đó cũng là một sáng kiến về cách thức thể hiện, góp phần làm phong phú âm nhạc của chúng ta. Cách hát của Phương Nga trong album này cũng là một cách hát đúng đắn, hát bằng giọng thật, tôi đánh giá cao cách hát này.

- Chị có gặp khó khăn trong việc hát Acoustic?

Phương Nga: Tôi chọn cách thể hiện này trước hết để khán giả cảm thấy gần gũi, có thể hát theo Phương Nga với những ca khúc mà họ yêu thích. Nhưng thú thật rằng, để hát được như trong album không hề dễ dàng, phải đạt được một trình độ nhất định - nhất là những tác phẩm như "Một rừng cây một đời người" (NS Trần Long Ẩn). Để có được kết quả này, tôi phải cảm ơn các thầy cô đi trước đã tận tâm dạy dỗ, như cô Thu Lan, cô Lê Dung, thầy Quang Thọ, thầy Trung Kiên.

- Tôi hiểu rằng trào lưu Acoustic gần đây thực ra là một sự lặp lại của nền thanh nhạc Việt Nam thời kì đầu, khi chúng ta chưa có các nhạc cụ điện tử.

NSND Quang Thọ: Về cách hát Acoustic và cách đệm nhạc cụ Acoustic này, chúng ta có thể quay ngược lại thời gian nửa thế kỉ trước. Ngày đó, ca sĩ hát không có bất cứ một nhạc cụ điện tử nào, kể cả guitar cũng không được chơi trong dàn nhạc chứ đừng nói đến những cây đàn organ nổi tiếng và đắt tiền. Trước đây chỉ có guitar gỗ (không có guitar điện), accordion, violin, contrabass, kèn clarinet, kèn oboa - chứ saxophone cũng không được sử dụng nhiều. Những phương tiện nhạc cụ điện tử bây giờ khủng khiếp lắm.

Về cách thức thu, đúng như thu Acoustic bây giờ, nhưng ngày đó kĩ thuật âm thanh thô sơ và ấu trĩ đến khó tin. Khi thu một bài hát, hay thậm chí những bản hợp xướng lớn dài 10 phút cũng chỉ được phép thu 1 lần. Thu hỏng thì phải thu lại từ đầu đến cuối. Nên sự luyện tập và ăn ý với nhau phải hết sức đảm bảo. Bây giờ chúng ta có thể nối, có thể thu, tách ra từng chữ một, từng câu một. Về phương tiện mà nói, bây giờ hết sức dễ dàng để có một album như thế này. Nhưng những CD Acoustic ta vẫn nghe, ngay cả các CD bán chạy, hầu hết làm nhạc trên các máy làm nhạc ảo.

Rất ít những CD làm nhạc Acoustic thật. Một nhạc sĩ trong một đêm có thể sản xuất ra 2,3 phần đệm của một ca khúc, rất nhanh trên phương tiện hiện đại. Những hộp tiếng vô hồn đó không thể thay được thay được tiếng guitar. thật, tiếng violin thật. Nhạc cụ máy và nhạc cụ sống rất nhiên sẽ khác nhau.

Chúng ta bây giờ rất cần các ca sĩ hát Acoustic. Hát như vậy khó hơn hát với một dàn nhạc ảo - những âm thanh ồn ào che lấp được khiếm khuyết của người ca sĩ. Hát Acoustic đòi hỏi người hát phải cực kì chuẩn xác, không dựa vào sự ầm ĩ hoặc những hòa thanh quá dày đặc của dàn nhạc. Giọng hát phải thật điêu luyện, hơi thở phải nhuẫn nhuyễn, vuốt câu thật chỉnh chu.

Acoustic nhạc chính thống là một hướng đi khá mới hướng tới thị trường, nhưng cho đến khi nào các ca sĩ từ Học viện Âm nhạc - Quốc gia mới có thể tiếp cận khán giả với những sản phẩm thể hiện được hết khả năng của mình, thưa NS Trung Kiên?

NSND Trung Kiên: Hát với piano hay với guitar không phải là chuyển sang một dòng khác, mà chỉ là cách thể hiện khác. Ngay cả cách hát của thầy Quang Thọ, cách hát của tôi ...khác xa với cách hát của Trọng Tấn bây giờ. Một CD sử dụng phương tiện Acoustic như thế này chính là cách ngày xưa tất cả chúng ta đều làm. Giọng ca sĩ kém là không thu được, nên những gì được nghe ngày đó đúng là giọng hát thật đấy.

Tôi phải nói thật, nếu một số ca sĩ mà chúng ta gọi là "sao" đứng hát ngay tại khán phòng thì khán giả sẽ chạy hết. Khán giả trẻ dễ bị nhầm lẫn. Hai phần ba (2/3) chất lượng ấy là do máy móc hết. Nên tôi cho cách hát của Nga là đúng đắn, hát ở ngoài và đĩa chẳng khác gì mấy.

Tôi không cho cách làm của Phương Nga là đột phá. Đó là cách nhắc lại những gì chúng ta đã từng làm. Nhưng nếu chỉ có Acoustic không thì cũng chưa chắc đã phải là tốt, với khả năng kĩ thuật thu âm thuận lợi như bây giờ. Có thể thêm dàn dây cho những bài hát chính thống, thì tôi cho rằng sẽ rất hay. Cực kì hay khi nhạc truyền thống được hát trên những cái nền đó. Còn hình thức Acoustic như của Nga thì dùng trong một không gian hẹp.  Phương thức này hiện tại đang rất tốt, đáng hoan nghênh, nhưng lần sau nếu lại tiếp tục lặp lại bằng Acoustic thì có thể là đáng trách đấy. Phải mở ra những hướng đi phát triển hơn.

- Xin cảm ơn các giảng viên và nghệ sĩ!

  • Hồ Hương Giang - Quang Long