Nhà biên kịch của "Ngọc viễn đông", “Ký sự người đàn bà bị chồng bỏ” hồn hậu chia sẻ về quãng thời gian viết lách của mình; với những trăn trở về thân phận con người, thân phận người phụ nữ không bao giờ rời xa những trang viết của chị.

Phụ nữ đứng dậy nhờ nỗi buồn

- Trong cuốn sách cũng như bộ phim của chị, không có câu chuyện nào mang tên "Ngọc Viễn Đông". Tại sao chị lại sử dụng cái tên này làm tiêu đề cho cả phim và sách?

- "Ngọc" vừa là tên của tôi, vừa có nghĩa rằng đó không phải chỉ là sự hào nhoáng của vẻ đẹp, mà còn là nỗi đau, giống như hạt cát cứa vào con trai, khiến nó tiết ra lớp xà cừ bao bọc lấy hạt cát xâm nhập đó. Phải trải qua nhiều thứ đau đớn mới có được những hạt ngọc như thế. Ngoài ra tên Ngọc Viễn Đông cũng là tên gọi của Sài Gòn xưa.

- Tuyển tập này được chị viết trong khoảng thời gian nào?

- Những truyện ngắn trong Ngọc Viễn Đông kéo rất dài, có những truyện từ những năm 70 - như Trăng Huyết - tôi viết chừng năm 17 tuổi, có những truyện vừa viết sau năm 2000. Không phải toàn bộ truyện trong sách được dùng cho phim, trong phim cũng sử dụng những trích đoạn khác từ các tác phẩm tôi từng viết. Có cả kịch nữa. Hay như tiểu thuyết "Kí sự người đàn bà bị chồng bỏ" cũng được sử dụng một phần cho phim

- Người đọc sách không chỉ cảm thấy mà có thể "sờ thấy" những nỗi buồn của người phụ nữ - nhân vật của chị. Tại sao vậy?

- Bạn thấy buồn sao? Tôi thì không coi đó là buồn, mà gọi những điều họ gặp là những ngang trái và nghịch cảnh, đẩy mạnh lên thì thành bi kịch hay thảm kịch. Nhưng những người phụ nữ ấy có thể khống chế những hoàn cảnh như vậy để vượt qua trắc trở. Chuyện vui khi kể có tác dụng này, còn chuyện buồn khi kể lại mang đến tác dụng khác. Nhưng cả 2 cách đều mong muốn người nghe sẽ yêu đời hơn.

- Làm thế nào để người phụ nữ có thể vượt qua nghịch cảnh và yêu đời hơn?

- Đầu tiên phải tự tin vào chính mình. Nhiều khi những định kiến xã hội khiến họ tự trói tay mình trước, tự nghĩ mình là phái yếu và không bằng phái mạnh; như thế là đã tự đầu hàng trước rồi.

- Có vẻ như phái nam còn có sức mạnh cơ bắp để tự bảo vệ mình, còn phái nữ thì dùng vũ khí gì đây, thưa chị?

- Nhiều người cũng không ý thức được về sức mạnh của phái yếu. Nếu biết cách sử dụng sự mềm mại thì vẫn thắng được, như sức mạnh của nước chẳng hạn. Người ta vẫn có câu “nhu thắng cương”, "nước chảy đá mòn".

Dân gian mình thường nói  "Anh buồn có chốn thở than, em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya". Người đàn ông có tâm trạng có thể đi ra ngoài tụ tập bia hơi, nhậu nhẹt, nhưng người phụ nữ không thể có kiểu giải trí như vậy; thành ra nếu cứ không nói để được chia sẻ, cứ ôm nỗi buồn trong lòng, thì cũng giống như ngọn nhang dần tự đốt cháy chính mình. Khi chia sẻ, cũng không nhất thiết là phải chia sẻ với người cùng giới hay khác giới, mà có khi giới thứ 3, thứ 4 họ lại dễ dàng đồng cảm với mình hơn.

Tôi viết ra cũng để chia sẻ rằng người phụ nữ có một cái quyền rất mạnh, nếu cuộc sống chung không hạnh phúc thì có thể sử dụng. Đó là quyền đi - như nhân vật Nora trong "Nhà búp bê"(*) (cười)

Tác động mạnh của Lưu Quang Vũ

Nhà văn Minh Ngọc và cuốn sách “Ngọc Viễn Đông”

- Vở kịch "Nằm ngoài sự thật" trong cuốn sách "Ngọc Viễn Đông" thật ấn tượng, cũng là phần diễn của nữ diễn viên Kiều Chinh trong phim. Ai là người thúc đẩy cảm hứng làm kịch cho chị?

- Trước năm 1975, tôi từng học Cao đẳng Y khoa, rồi vào Sài Gòn đi bán cà phê thuốc lá vỉa hè. Thi mấy trường không đậu, chỉ đậu Đại học Điện ảnh và Kịch nghệ Tri Thành, ở đây, tôi học thầy Đặng Trường Thức là em của bà Đặng Tuyết Mai.

Tôi rất ngưỡng mộ thầy - một người đam mê nghệ thuật thực sự. Tác phẩm của thầy ra thường không thắng về doanh thu, vì người xem nói nó khó hiểu, trừu tượng - gần giống với Ngọc Viễn Đông bây giờ (cười). Thầy đã đưa ra một khuynh hướng nghệ thuật - là trường phái Duy mỹ -  nghe có vẻ như chỉ hướng nghệ thuật chung chung, không có lập trường, nhưng thật ra rất có lập trường; nó dựa trên cơ sở nhân học, nhân tính.

Tôi cho rằng đào tạo về thẩm mỹ là quá trình cực kì khó khăn. Như ở nước ngoài thì người ta hay cho trẻ con nghe nhạc cổ điển, ở Việt Nam mình thì có ca dao, hát ru từ thưở nằm nôi ... Những điều đó giúp tâm hồn con người hướng thiện, đối xử nhân hậu, tốt đẹp với nhau.

- Hình như chị cũng đã từng gặp gỡ nhà viết kịch/nhà thơ Lưu Quang Vũ?

- Hồi anh Vũ vào miền Nam, tôi có đến gõ cửa phòng anh để xin kịch bản làm tốt nghiệp cho học trò, lúc đó tôi đang đào tạo diễn viên. Lúc gặp anh, tôi thấy không giống như mình hình dung về một nhà viết kịch/nhà thơ, mà giống như cầu thủ đá banh (cười). Sau đó hai anh em nói chuyện, thấy rất hợp. Và tôi cảm động, không nghĩ rằng một người viết trước năm 1975 như mình lại được anh Vũ đọc.

Anh Vũ kể, anh đã tìm cách để biết được trong miền Nam người ta viết như thế nào. Hai anh em cũng có nhiều điều để chia sẻ với nhau. Lúc được ra Hà Nội lần đầu tiên, tôi và anh, cùng với chị Thành (NSND Phạm Thị Thành, nguyên Giám đốc nhà hát Tuổi trẻ, nguyên Cục phó cục Nghệ thuật biểu diễn - PV) đi xem những vở anh Vũ và chị Thành dựng. Rồi ba người cũng đi lang thang ăn khuya với nhau. Đó là tình thân, vừa của đồng nghiệp, vừa của anh em thế hệ đi trước.

Có thể nói anh Vũ là người tác động nhất khiến tôi chọn con đường kịch nghệ. Anh nói: "Nếu Minh Ngọc không làm đạo diễn, thì trong số đạo diễn đông đảo sẽ có người thay thế. Nhưng rất thiếu những nhà văn chịu khó đi làm kịch bản sân khấu và điện ảnh để tăng thêm tính văn học cho công việc đó. Nếu có sức và có khả năng, Ngọc nên đi theo hướng này". Đó là lời khuyên của anh mà tôi nhớ, để sau này có những tác phẩm kịch như vậy.

- Xin cảm ơn chị!

(*) Vở kịch "Nhà búp bê" được đại văn hào Henrik Ibsen viết năm 1879 tại Italia. Vở kịch khi được công diễn đã “làm cho cả châu Âu sửng sốt” (lời của nhà viết kịch Anh được giải thưởng Nobel Bernard Show) trước tư tưởng mới.

“Nhà búp bê” có đoạn kết mạnh mẽ, người vợ Nora đóng sập cửa lại và bỏ đi sau khi nhận ra, dù đã hy sinh rất nhiều cho hạnh phúc gia đình, cô vẫn bị người chồng chà đạp và coi thường nhân phẩm.

  • Hồ Hương Giang (thực hiện)