Trở thành hoa hậu với một ai đó có thể coi là hồi ức đẹp. Có người sau khi đăng quang vẫn tiếp tục con đường học vấn nhưng cũng chẳng hiếm hoa hậu sau khi đội lên đầu chiếc vương miện quý giá lại bỏ dở, lơ là việc học tập, dùng danh hiệu để hành nghề dự tiệc là chính!

TIN BÀI KHÁC


Những cái tên ghi dấu ấn...

Kín tiếng và xa rời hào quang và danh tiếng hơn cả, có lẽ còn phải kể đến trường hợp của Hoa hậu Việt Nam 1996 Thiên Nga. Từng 2 lần giành danh hiệu hoa hậu (Thiên Nga từng đoạt vương miện Hoa hậu Hữu nghị tổ chức tại Việt Nam), nhưng người đẹp vẫn hoàn tất việc học tập tại ĐH Ngoại thương TP.HCM.

Sau đó, cô nhanh chóng rời Việt Nam sang Mỹ du học và nhận bằng thạc sĩ. Thiên Nga xây dựng gia đình với một giáo sư dạy ĐH tại Mỹ bên cạnh việc vun vén cho hạnh phúc riêng cô còn thầm lặng phụng dưỡng trọn đời hai mẹ Việt Nam anh hùng bằng công sức mà mình kiếm được.

So với các hoa hậu trước mình, Ngọc Khánh là một sự lựa chọn đầy bất ngờ từ phía BTC cuộc thi Hoa hậu Việt Nam (HHVN) năm 1998. Thời điểm đó trong mắt những người Việt yêu vẻ đẹp "phổ thông" như mắt đen, môi đỏ, da trắng, khuôn mặt bầu bĩnh thì Ngọc Khánh không đẹp chút nào, thậm chí bị chê là... xấu.

Cô sở hữu một gương mặt góc cạnh, có phần xương xẩu với khuôn miệng rộng. Bởi thế sau khi khi chiếc vương miện đội lên đầu cô có người than rằng: "Vẻ đẹp đó cũng là Hoa hậu sao?". Nhưng khi Việt Nam ngập tràn văn hóa ngoại lai thì Ngọc Khánh lại được coi là một Hoa hậu đặc biệt.
Hoa hậu Ngọc Khánh
Vẻ đẹp ấy thêm phần ấn tượng ở chỗ người ta không thấy sự thay đổi của một hoa hậu với trang phục lộng lẫy, rườm ra phụ kiện, lòe loẹt son phấn mà cô mặc và "đắp" lên người như những người đẹp đồng lứa, mà là sự giản dị, tinh tế mà cô nữ sinh ĐH Luật TP.HCM khi đó có được.

Sau khi tốt nghiệp ĐH, Ngọc Khánh tham gia nhiều lĩnh vực: người mẫu, kinh doanh, marketing, làm MC và ở công việc nào cô cũng có được những dấu ấn riêng. Tuy nhiên, khi hôn nhân gặp rắc rối, người chồng rơi vào vòng lao lý, Ngọc Khánh lại quyết định du học.

Bóng hồng này quan niệm, khi cuộc đời đóng đi một cánh cửa thì phải tự mở đường đi cho mình và chuyện học là một cánh cửa mới. Bởi vậy cô chọn Fashion Merchandising (Mỹ) - ngành học tốn tiền kinh khủng nhưng xác định "mình là đại gia, tự đầu tư cho mình". Trước Thiên Nga, Ngọc Khánh, những Bùi Bích Phương, Diệu Hoa, Giáng My... cũng là những hoa hậu tiêu biểu cho sự cố gắng trau dồi kiến thức.

Có thể ai đó sẽ nguỵ biện mà nói rằng tại vì thời của họ khi mà đồ hiệu chưa thịnh hành hay những mời từ tham dự các sự kiện giải trí được trả cát xê lên đến hàng nghìn đô là mơ hồ. Điều đó cũng có lý và phần nào đúng nhưng rõ ràng không khó để điểm mặt ra những Mai Phương, Ngô Phương Lan sau khi đăng quang cơ hội để toả sáng, để kiếm tiền đâu quá khó nhưng họ vẫn chọn con đường học vấn cho trọn vẹn ở xứ người.
Hoa hậu Ngô Phương Lan

"Lột xác" về hình thức nhưng coi nhẹ tri thức?


Có thể nói ở cuộc thi HHVN 2006, ngoài chiều cao, Mai Phương Thúy gần như chẳng có ưu thế gì về ngoại hình: da đen, mặt không chuẩn vẻ đẹp Việt, răng không đều, mắt nhỏ... Thế nhưng, cô vẫn đoạt giải trong sự ủng hộ của nhiều người bên cạnh một bộ phận không đồng tình và đó là Thúy của năm 18 tuổi.

Gần đây, Hoa hậu có chiều cao khủng đã thay đổi về ngoại hình. Bên cạnh sự nảy nở của vòng một là sự táo bạo hơn trong ăn mặc. Thuý cũng bị nhắc tới trong các bài báo liên quan đến những nghi vấn tình ái với một người đàn ông ngoại quốc, những "scandal" trong hành trình làm từ thiện hay những bộ ảnh gây xôn xao.

Những cái đó dù ồn ào cỡ nào theo thời gian rồi cũng chìm đi. Chỉ có một điều không ít người đang đặt câu hỏi là: Tại sao đã gần 6 năm rồi mà Mai Phương Thuý vẫn chưa tốt nghiệp ĐH Rmit?

Phải chăng hấp lực của đồng tiền từ việc tham dự các sự kiện, làm đại diện cho nhãn hàng họ, thương hiệu kia quá lớn khiến Thuý lơ là, thậm chí sẵn sàng bỏ học chạy theo những thứ phù du mang tên nhan sắc?... Dự định sẽ đi du học ở Mỹ để trau dồi kiến thức, giờ đây với Thuý có quá xa vời?
Mai Phương Thuý - Thuỳ Dung.
Cũng giống như Mai Phương Thúy, sự thành công của Thùy Dung ở HHVN 2008 cũng được công chúng đánh giá là nhờ ưu thế chiều cao. Nhiều khán giả không hài lòng với cách lựa chọn Hoa hậu của BTC ngay cả khi chuyện bằng cấp của Thùy Dung chưa vỡ lở.

Thuỳ Dung chỉ vài tiếng sau khi đội vương miện đã vướng phải một "scandal" to đùng liên quan đến việc học thức. Nhưng cô đã đứng dậy và khẳng định mình có thể tiếp tục việc học tập và tốt nghiệp cấp 3 cho mọi người thấy. Và cô đã làm được điều đó.

Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, khi lên TP.HCM theo học ĐH Rmit, cô đột ngột trở lại và làm bàng hoàng công chúng bởi vẻ đẹp sành điệu của mình. Những bộ cánh cô mặc đa số là hàng hiệu và có không ít lần nó "phản chủ" khiến báo chí lại được dịp giật những cái tít nóng nổi và cư dân mạng không quên ném đá bởi lối ăn mặc quá phóng khoáng của một cựu Hoa hậu.

  Hoa hậu Diễm Hương, Hoa hậu Mai Phương Thuý trong một buổi tiệc.

Một thực tế dễ nhận thấy là có không ít Hoa hậu coi việc đi dự sự kiện giải trí giống như một nghề và hào hứng mỗi khi có lời mời. Bên cạnh đó, lại có một số người suốt ngày trở thành con rối "từ thiện" cho hết doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác để muốn chứng tỏ tôi tích cực làm việc thiện nguyện nhưng thực ra có khi còn được trả tiền từ việc làm này.

Vương miện hoặc danh hiệu, có thể làm cho người đẹp nào đó có giá hơn trong các cuộc vui. Nhưng điều đó, không có nghĩa là vương miện hay danh hiệu tạo nên đạo đức, nhân cách một con người mà tri thức mới là "quyền lực" tối ưu để người đẹp mang xưng danh Hoa hậu tỏa sáng mãi mãi....

Sơn Hà