- "Tôi thấy có sự chênh lệch trong việc lắng nghe tiếng nói của trẻ em, phụ nữ và người đồng tính hiện nay. Dường như trẻ em vẫn nằm trong một nhóm yếu và ít được lắng nghe hơn" - Phan Ý Ly, Giám đốc Life Art, trung tâm đào tạo Phát triển nhân cách qua quá trình sáng tạo chia sẻ với Việt NamNet.


Sau trường hợp của Lê Nguyễn Quỳnh Anh (15 tuổi) tại vòng loại sân khấu, Vietnam's Got Talent tiếp tục đi vào vòng chung kết với không ít các thí sinh nhỏ tuổi như Vũ Song Vũ (13 tuổi), Tri Giao (9 tuổi), Nguyễn Phương Anh (17 tuổi), hai anh em Vũ Hoàng Anh Minh (13 tuổi) và Vũ Hoàng Minh Anh (8 tuổi)... Áp lực khi thành công cũng như khi thất bại trước đám đông là một thử thách lớn ngay cả với những người đã trưởng thành. Việc đưa trẻ em vị thành niên vào một cuộc thi tranh tài cùng người lớn - được phát sóng rộng rãi trên truyền hình cả nước, sẽ có nhiều điều phải cân nhắc thận trọng trong hành xử của cả người tổ chức lẫn khán giả.

Trong bài phỏng vấn mới nhất đăng ngày 15/3, cậu bé Vũ Song Vũ chia sẻ với báo Tuổi trẻ

Trở thành “người nổi tiếng” rồi có gì khác biệt với em?

- Em rất vui vì có thêm nhiều bạn mới là các anh chị cùng dự thi Vietnam’s Got Talent và rất nhiều bạn yêu thích giọng hát của em, kết bạn với em qua Yahoo, Facebook.

Tuy vậy, cũng có một số người trên mạng có những lời nhận xét không hay, không đúng về em. Nhưng em buồn chút thôi và phải cố vượt qua vì em biết sắp tới có khi còn khó khăn hơn thế rất nhiều.



“Bản chất của truyền thông là không khách quan”

Chị đang làm việc với rất nhiều trẻ em, chị cũng đã học về truyền thông và sự phát triển con người. Chị thấy tại Việt Nam trẻ em và truyền thông đang gặp nhau như thế nào?

- Việc gặp gỡ giữa trẻ em và truyền thông hiện nay đang bao gồm cả truyền hình thực tế, phim ảnh, phóng sự, truyền thông nói chung, internet, game, báo chí ... vv . Từ trước tới nay có rất nhiều các khóa học và dự án tại Việt Nam với chi phí hàng chục triệu đô la, chỉ tập trung vào việc làm thế nào để đưa trẻ em lên phim hay lên phóng sự một cách bình đẳng và an toàn cho các em. Đó là cả một sự hiểu biết lớn.

Tôi đã từng tham gia thiết kế một dự án quốc tế về Truyền thông và Trẻ em. Dự án này làm việc với trẻ em, cha mẹ, thày cô, và các nhà sản xuất truyền thông. Một điều quan trọng mà các em cần hiểu được, đó là bản chất của truyền thông là không khách quan. Bởi vì truyền thông được phản ánh bởi con người với góc nhìn chủ quan nên dù người làm truyền thông rất cố gắng, cũng không thể chuyển tải được toàn diện vấn đề, chưa nói có thể bị bóp méo. Để hiểu được bản chất này, trong dự án các em cũng được hướng dẫn để làm các sản phẩm truyền thông, tham gia vào quá trình sản xuất truyền thông vừa giúp các em hiểu được bản chất, vừa cho các em cơ hội cất tiếng nói của mình.

Vai trò của các bậc cha mẹ hay người giám hộ các em ra sao, trong hoạt động với truyền thông?

- Ngoài những lợi ích rõ ràng, bố mẹ phải hiểu được những nguy cơ con mình đối diện khi tiếp cận với truyền thông. Đơn giản khi ngồi xem phim chẳng hạn. Khó có thể kêu gọi người ta không được làm phim có kinh dị hay bạo lực, nhưng là bậc cha mẹ thì phải biết ngồi xem cùng con và hướng dẫn. Ngay cả xem thời sự hay một bản tin chính trị, thì cha mẹ cũng là người giúp con hiểu đằng sau tất cả những bản tin là vấn đề gì. Đừng chỉ đơn giản là nhìn vào TV và tin tất cả.

Có câu nói vui "In TV We Trust". Hiện nay ở VN đang là như vậy. Cũng như nhiều điều trong xã hội, có tính hai mặt. Bố mẹ phải hiểu được cách con mình tiếp cận, tham gia truyền thông như thế nào.

Trẻ em có phải đang yếu thế trong truyền thông?


- Một cộng đồng hoặc nhóm người được coi là yếu thế khi thường xuyên gặp phải sự phân biệt đối xử hoặc cần được chú ý đặc biệt để không bị bóc lột. Những nhóm người này thường ít có khả năng được số đông lắng nghe công bằng. Ví dụ, trẻ em là một cộng đồng yếu thế, do phụ thuộc vào người lớn để ra quyết định cho mình. Rồi người khuyết tật - bởi sự khó khăn về mặt thể xác của họ, hay phụ nữ - trong nhiều nền văn hóa vốn bị coi là “thứ yếu” so với đàn ông, một đơn cử khác, như những người đồng tính nam hay đồng tính nữ, trong một xã hội không mở, họ là những người phải lẩn trốn vì bị kỳ thị. Khi họ nói những suy nghĩ của mình về bản chất đồng tính thì chắc chắn sẽ bị "đập" cho tơi bời.

Hoặc như sự việc cô bé Quỳnh Anh gần đây chẳng hạn. Cô bé không thể đứng lên bảo vệ cho mình; vì xã hội không tin trẻ con. Chưa cần kiểm chứng, họ sẽ gạt đi và nghĩ, trẻ con làm sao mà nói được những câu như vậy.


Phan Ý Ly đang dạy trẻ em bãi giữa sông Hồng cách quay phim

Trẻ em có thể bao dung với truyền thông?

Trong những trường hợp người yếu thế bị tổn thương bởi số đông, người ta hay suy đến một kết cục tệ hại nhất là tự sát. Nếu điều này xảy ra thì ai cũng sẽ nhìn thấy. Nhưng nếu người đó không tự sát, và chẳng ai biết điều gì đang diễn ra với họ, thì những tổn thương tinh thần đó có thể dẫn đến hệ quả gì?

- Sự mất niềm tin. Người đó sẽ mất niềm tin vào số đông mọi người trong xã hội. Có cảm giác bị cô lập, thiếu hoàn toàn sự tự tin và không được bao gồm. Họ làm gì cũng sẽ thấy mặc cảm vì những điều đã xảy ra trước đó. Việc đứng lên và nói những gì mình suy nghĩ cũng sẽ là một vấn đề.

Nếu sự việc xảy ra khi còn là một đứa trẻ thì sao?

- Với một đứa trẻ, khi bị số đông quay lưng, thì hình ảnh và sự tự tôn về bản thân của em sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng. Thay vì được lắng nghe, được hiểu, đồng cảm và hỗ trợ (dù có lỗi hay không), đứa trẻ bị trừng phạt bởi rất đông người lớn trong xã hội. Một đứa trẻ đến trường và bị bắt nạt bởi 1-2 người bạn cùng lứa đã có thể dẫn đến tình trạng chán nản, bỏ học, mất tự tin, trầm cảm.. Còn khi đứa trẻ này phải đối diện với sự phẫn nộ của cả một xã hội, cảm giác bị cô lập, không có giá trị, không “chốn dung thân” là điều dễ hiểu, một tâm hồn non nớt có thể dễ dẫn đến kết luận là “mình không đáng sống”.

Khi đứa trẻ trưởng thành, những ức chế cũ sẽ còn ám ảnh và hạn chế nhiều khả năng sáng tạo và cống hiến của trẻ.

Có những phương pháp nào để chữa lành những thương tổn như thế?

- Tùy vào việc bố mẹ củng cố niềm tin cho con như thế nào, và phân tích cho em hiểu là không phải lỗi của em. Cuộc đời không phải lúc nào cũng như vậy, xã hội không phải lúc nào cũng vậy. Mọi thứ sẽ thay đổi.

Phan Ý Ly

Với tôi, tôi sẽ để đứa trẻ được bộc lộ tất cả những tổn thương trong một môi trường an toàn, được nói ra cái làm cho mình đang bị đau, đang hành hạ mình - dù nó có lý hay không có lý, độc ác hay không độc ác. Nhưng em được xả ra hết, không phải giữ nó lại, em không có nhiệm vụ phải chứng minh rằng mình là một đứa bé ngoan ngoãn, biết điều.

Em cũng cần hiểu đuợc bản chất của truyền thông, bản chất của xã hội, bản chất của số đông, bản chất của sự việc, để có thể tha thứ cho mọi người và ngừng trách móc mình. Tuy nhiên việc yêu cầu một đứa trẻ phải bao dung với một đám đông đã gây tổn thương cho mình là một đòi hỏi ích kỷ. Bản chất của sự “tha thứ’ ở đây là về lâu dài, để giải thoát cảm giác thù ghét bên trong đứa trẻ, một cách dần dần, để bản thân em được thoải mái và tiếp tục cống hiến.

Về lâu dài, cùng với sự hỗ trợ của người thân và những người xung quanh, niềm tin của em vào giá trị của bản thân sẽ được củng cố và dần vượt qua được những suy nghĩ tiêu cực về bản thân.

Giống như việc đi giữa những dòng nước?

- Đúng vậy. Không nên đổ lỗi cho bản thân, mà cũng cần hiểu rằng dư luận là nằm ngoài tầm kiểm soát.

Sự tương tác của một người với xã hội còn lại rất quan trọng. Dù bạn tốt hơn hay không tốt bằng mà bạn bị cô lập thì cũng không tốt. Bản thân bạn cũng thiệt mà xã hội cũng thiệt. Thiệt ở đây là cảm giác lẻ loi.

Xin cảm ơn chị!

Sinh năm 1981, Phan Ý Ly từng nhận học bổng của Chính phủ Anh và tốt nghiệp Thạc sĩ hạng ưu về Sử dụng nghệ thuật trong phát triển con người. Cô đã có hơn 10 năm kinh nghiệm trong phát triển cộng đồng, từng làm việc ở các quốc gia (Anh, Kenya, Thái Lan, Philippines, Malaysia, Việt Nam, Thụy Điển) và được biết đến với các dự án sáng tạo trong việc phát triển con người tại Việt Nam.


· Hồ Hương Giang (thực hiện)