Bộ phim Mỹ nói tiếng Việt bất ngờ lấy đi cả tiếng cười lẫn nước mắt khán giả bằng câu chuyện khám phá sức mạnh của những đụng chạm, tiếp xúc.

TIN BÀI KHÁC

“Chạm” là một kẻ lạ. Nó không thuộc về điện ảnh Việt, ngay cả khi phần lớn diễn viên là người Việt, sử dụng tiếng Việt song song với tiếng Anh.
“Chạm” là phim truyện dài đầu tiên đề cập đến chuyện làm nails của người Mỹ gốc Việt
Chính xác hơn, bộ phim là sản phẩm của dòng phim độc lập kinh phí thấp tại Mỹ. Nó được sáng tạo trong không gian pha trộn các yếu tố văn hóa bản địa và văn hóa nền tảng của người Việt ly hương, và bởi những người Mỹ chính gốc và những người Việt có khả năng nhầm lẫn giữa “chạm” và “sờ mó” khi chuyển nghĩa từ “touch” trong tiếng Anh.

Nhưng “Chạm” là kẻ lạ thân quen. Ít nhất là với hàng ngàn người Việt đang hành nghề làm móng (nails) trên đất Mỹ, làm chủ khoảng 75% số cửa tiệm, gửi về quê hương cả những đồng tiền kiều hối, lẫn câu chuyện mưu sinh vất vả. Nhưng lạ lùng là câu chuyện về họ chưa từng được kể trên màn ảnh trước đây.

Bộ phim đưa người xem khám phá đời sống hàng ngày của tiệm nails có cái tên phô trương “V.I.P”, do bà Bích (Mỹ Lan) – người đàn bà phốp pháp, thực tế và thích buôn chuyện với ba nhân viên Hồng (Bety Le), Quyên (Tuy Thanh) và Linh (Eliza Ngo) – làm chủ. Tâm (Porter Lynn), cô gái xinh xắn, kiệm lời đến xin một chỗ làm. Cô được nhận nhờ bằng cấp và đôi tay khéo léo.

Vị khách đầu tiên của Tâm là Brendan (John Ruby), anh chàng thợ máy nhút nhát đang tìm cách cứu vãn cuộc hôn nhân bế tắc của mình. Để kéo lại những xa cách trong cuộc hôn nhân kéo dài 8 năm, anh quyết định việc đầu tiên cần làm là rửa sạch vết dầu mỡ bám trên những kẽ tay, vốn khiến vợ anh thường phàn nàn.
  Brendan (John Ruby) và Tâm (Porter Lynn)
Không chỉ giúp Brendan giải quyết những vết bẩn, Tâm còn đưa ra những lời khuyên giúp anh hàn gắn những rạn nứt trong mối quan hệ với vợ. Những bàn tay chạm bàn tay, bàn tay chạm đôi chân trong tiệm nails trở thành ngọn nguồn cảm hứng, để bộ phim khởi đi cuộc tìm kiếm sức mạnh của những đụng chạm, tiếp xúc trong mối quan hệ vợ chồng, cha con, người yêu, người lạ…

Trong bộ phim đầu tay của mình, tác giả kịch bản kiêm đạo diễn Nguyễn Đức Minh đã cố gắng khảo sát chủ đề “chạm” trên ba cấp độ. Đầu tiên là những đụng chạm thuần lý tính mà người ta phải đối diện hàng ngày trong công việc hay phép tắc xã giao. Bộ phim vẽ ra một thế giới “nails” nơi sự đụng chạm của những bàn tay chẳng gây ra được xúc cảm lay động nào.

Những người phụ nữ Mỹ điệu đà bàn tán chuyện chồng con và nghi ngờ những cô nhân viên dùng tiếng địa phương để nói xấu mình. Còn những cô nhân viên thích buôn chuyện bằng tiếng Việt như một lợi thế đặc quyền. Giống như những phim hài được xếp hạng “cấm trẻ em” tại Mỹ, sự buông tuồng trong câu chuyện tạo được tiếng cười sảng khoái, nếu người xem không quá khắt khe về những chuẩn mực lễ giáo và chỉ coi đó là chuyện giải trí.

Cấp độ thứ hai là những đụng chạm thôi thúc bởi nhục cảm ẩn giấu, hoặc có sức mạnh khơi dậy ham muốn tình dục. Sau nhiều lần bày kế cho Brendan làm chuyện lãng mạn như tặng hoa, tặng quà mà vợ anh vẫn mải mê theo công việc và ngày một xa cách, Tâm quyết định mạo hiểm hơn.
“Chạm” được xếp loại cấm trẻ em dưới 16 tuổi tại VN do có nhiều nội dung tình dục.
Cô hẹn Brendan về nhà, yêu cầu anh khỏa thân trong bồn tắm để cô xoa đều mái tóc, cọ rửa lưng vai và làm sống dậy năng lượng ham muốn nơi anh chàng đã ủ rũ vì nhiều tháng không gần gũi với vợ. Điều nguy hiểm là bước liều này đồng thời đẩy cả hai đi xa hơn giới hạn của sự giúp đỡ.

Khi những xúc cảm đã trở nên phức tạp, rối trí, câu chuyện giữ được sự tỉnh táo cần thiết khi đan xen cài đặt cấp độ thứ ba của “chạm”, như là chất xúc tác hàn gắn những xa cách, mặc cảm, đưa mọi mối quan hệ về lại với yêu thương và bình yên. Nếu ngày bé, Tâm sợ hãi trước lối giáo dục hà khắc của người cha và tìm thấy sự an toàn khi ôm chân mẹ. Thì hôm nay cô tìm thấy sự mạnh mẽ, yêu thương khi phải chăm sóc người cha cô độc và bại liệt, cũng như sự bình yên bên bờ vai của chàng kỹ sư hiền lành hết lòng thương cô.

Cách bộ phim chuyển tải câu chuyện bằng hầu hết những cận cảnh, gần như không có đại cảnh là điều có thể hiểu, bởi nó được làm với kinh phí thấp, thời gian quay chỉ 18 ngày. Đặc điểm này gây áp lực không nhỏ lên dàn diễn viên trong việc diễn xuất nội tâm. Thật may là đạo diễn không đòi hỏi gì nhiều ở họ. Được chọn đúng vai, dàn diễn viên không ngôi sao diễn xuất những nhân vật đời thường một cách tự nhiên, thậm chí đôi chỗ vụng về. Rõ ràng, sự chân thành đã khiến khán giả quên mất là họ…đang diễn.

Vì những lý do trên, sự xuất hiện đột ngột của “Chạm” trên màn ảnh Việt còn là một bài học nhắc nhớ: người ta có thể làm một bộ phim hay nhờ có câu chuyện hay, mà không cần phải xài quá nhiều tiền cho những trò hào nhoáng.

Minh Chánh