Từ lý tưởng trên truyền hình
UNESCO vừa công nhận hát xoan Việt Nam là di sản văn hóa phi vật thể thế giới, cần bảo vệ khẩn cấp. Nhưng không hề có một bộ phim nào kể riêng cho người trẻ nghe về “câu chuyện hát xoan”, để họ có thể gìn giữ và tự hào về nó rất lâu sau này.
Chúng ta có Đặng Thái Sơn – 22 tuổi trở thành người Châu Á đầu tiên chiến thắng một trong những giải thưởng piano danh giá nhất thế giới. Chúng ta có Nguyễn Ngọc Trường Sơn – danh hiệu đại kiện tướng cờ vua quốc tế ở tuổi 14. Chúng ta có VĐV điền kinh Nguyễn Thị Phương - cô gái tuổi 21 đã kiệt sức ngã xoài trên đường đua SEA Games 26, vẫn cố với tay về vạch đích để tìm kiếm một chiến thắng mang tên Việt Nam… Nhưng đến khi nào chúng ta mới được thấy những tấm gương sống động và rạng ngời này trên các sản phẩm văn hóa và nghệ thuật đại chúng? Mà xét trên diện rộng, văn hóa nghệ thuật mới là cái nôi chung nuôi dưỡng tinh thần nhân loại.
Ngược lại, trong vòng vài năm gần đây, showbiz Hàn cung cấp cho người trẻ một nguồn năng lượng dồi dào, với lý tưởng hồng từ những bộ phim truyền hình "quốc dân". Trong thế giới phẳng của internet, một bộ phận không nhỏ giới trẻ Việt đang tiếp thu mọi món ăn tinh thần mang xuất xứ Hàn Quốc: văn hóa Hàn Quốc, âm nhạc Hàn Quốc và tinh thần Hàn Quốc. Ở đó gia đình được tôn vinh, tính đồng đội được tôn vinh, dân tộc được tôn vinh. Trong showbiz Hàn, còn có cả lòng yêu nước.
Những hạt nhân giá trị mang ý nghĩa to lớn đó từ lâu đã bị bỏ quên, hoặc là được triển khai không tốt trong các sản phẩm văn hóa đại chúng dành cho người trẻ Việt. Chẳng có bộ phim Việt nào nói về những thứ mà “Iljimae” (Nhất Chi Mai - 2008), “City Hunter” (Thợ săn thành phố - 2011) hay “The Moon Embracing The Sun” (Mặt trăng ôm mặt trời - 2012) đã nói. Các bộ phim truyền hình được chiếu liên tục vào giờ vàng các buổi tối trong tuần, đã thổi một luồng gió mới và mang những hiệu ứng tích cực tới hàng triệu khán giả. Truyền thông showbiz Hàn có thể kể cả ngày về cuộc đấu tranh chống lại quyền lực xấu và cái ác của những người chỉ trạc 20 tuổi. Câu chuyện có thể là không tưởng, nhưng đầy hưng phấn và quyến rũ.
Ở lứa tuổi mà nhiều thanh niên Việt Nam ngày nay còn chưa lo được cho bản thân mình, thì trong những bộ phim Hàn Quốc, những ngôi sao Hàn đang đấu tranh chống lại những điều chưa tốt trong xã hội. Họ không sợ những thế lực hắc ám có thực, hay nỗi nguy hại đến bản thân. Teen Việt đang say mê những thứ như thế, và lắng nghe những thông điệp như thế từ các ngôi sao và truyền hình Hàn Quốc.
Diễn viên Kim So Hyun trong vai vị vua 23 tuổi, với nhiều quyết sách sáng suốt, thông minh - phim “The Moon Embracing The Sun” (2012) |
Cuộc chiến đấu của những người khác vì một xã hội tốt đẹp hơn mang cho ta niềm hy vọng và động lực. Tiếc thay, giờ đây sẽ có rất hiếm người Việt dạy cho con em mình điều đó. Nhìn sang nước bạn, bên cạnh “City Hunter” với diễn xuất của Lee Min Ho trong vai một thanh niên đi tìm kiếm sự trong sạch từ chính phủ; thì nhiều bộ phim cổ trang gần đây của Hàn tập trung vào đề tài trị nước, vì dân. Trong những bộ phim đó, người trẻ (độ tuổi từ 13 đến 25) đóng vai trò chính yếu.
… Đến vẻ đẹp văn hóa và truyền thống
Để tiếp tục bảo vệ và tôn vinh nền văn hóa dân tộc trong trái tim giới trẻ, Hàn Quốc đưa ra “Heartstrings” (2011), một bộ phim đề cao cây đàn Gaya truyền thống. Họ đầu tư "Sungkyunkwan Scandal" (2011) - bộ phim kể về trường học nho sinh (tương tự như Quốc Tử Giám của Việt Nam). Họ có “The Musical” (2012) hướng người xem vào opera và nhạc kịch - một trong những thế mạnh chuyên nghiệp của Hàn Quốc. Họ làm phim “Dream High” (2011) nói rằng có một ca sĩ K-pop sẽ đoạt giải Grammy trong tương lai, để thúc đẩy niềm đam mê nghề nghiệp và thực hành văn hóa đại chúng cho người trẻ. Bằng cách đó showbiz đã hỗ trợ đắc lực để bảo vệ và quảng bá văn hóa một cách rộng rãi trong và ngoài nước.
"Sungkyunkwan Scandal" – một bộ phim về văn hóa truyền thống dưới góc nhìn trẻ trung, hài hước |
Chưa bàn đến tài năng, những thần tượng K-pop không thể đơn thuần chỉ là các con rối biết nhảy múa, hát hò; mà còn phải là những hình tượng về lối sống. Cả một cỗ máy khổng lồ phía sau đẩy họ lên và không ngừng thôi thúc, đã khiến các "oppa", "onnie" biết kính trên nhường dưới trong các gameshow truyền hình, biết vui đùa ý nhị với bạn diễn, biết chịu trách nhiệm hành vi và biết “vì người” trong nhiều trường hợp. Những câu chuyện về mối quan hệ thân tình giữa các thành viên nhóm nhạc, giữa các ca sĩ được kể đi kể lại, các fan thuộc nằm lòng. Họ không hề vị kỷ và không thể vị kỷ dưới áp lực phải tốt đẹp và toàn diện thì mới được chấp nhận, mới được trở thành hình tượng - nếu không sẽ bị đào thải lập tức. Đó là những điểm mạnh không thể chối cãi của showbiz Hàn; và là thứ đang nằm ngoài tầm với của showbiz Việt.
Nữ diễn viên Park Shin Hye với cây đàn Gaya |
Văn hóa Hàn Quốc đang trở thành đối trọng đầy ấn tượng với văn hóa Mỹ. Trong khi Hollywood thường đề cao chủ nghĩa anh hùng, sự độc đáo và tự do cá nhân, thì Hàn Quốc đi theo hướng ngược lại. Tập trung tôn vinh tình cảm gia đình, lễ nghĩa, tôn sư trọng đạo, kính trên nhường dưới, tình yêu đất nước, tinh thần làm việc, tình cảm bạn bè và đồng nghiệp gắn bó sắt son. Teen Việt bám vào những điều đó khi cảm thấy lẻ loi, cô độc, không được định hướng hay thiếu hụt niềm tin giữa cuộc đời. Họ muốn được cảm thấy người trẻ là quan trọng trong sự nỗ lực, đấu tranh để tạo ra những điều đẹp đẽ ngay trên đất nước mình. Bắt chước tinh thần của các ngôi sao, các bộ phim, họ được mơ ước lớn về sự nghiệp, sự tốt đẹp, nỗ lực và nổi tiếng; thậm chí được chịu trách nhiệm về những lý tưởng mang tầm vóc dân tộc - như cách mà thế hệ trẻ Việt Nam đã từng có một thời.
Đừng hỏi tại sao các em mê nhạc Hàn, mê phim Hàn, mê sao Hàn, thích văn hóa Hàn – hãy hỏi giới tự xưng là làm nghệ thuật sẽ làm gì, để các em mê nhạc Việt, mê phim Việt, người Việt và nền văn hóa Việt.
- Hồ Hương Giang