Hò hét, chen lấn, chạy theo xe ôtô chở thần tượng hàng km, thậm chí hôn lên ghế của thần tượng ngồi trước đó hay quá đà hơn là sẵn sàng “tình một đêm” với thần tượng chỉ để chứng tỏ mình....thần tượng ca sĩ, người mẫu, diễn viên đó....
TIN BÀI KHÁC
TIN BÀI KHÁC
Các fan ngồi hàng dài tại sân bay để mong gặp được thần tượng |
Một lần có ban nhạc nước ngoài tới Việt Nam biểu diễn, một nhóm fan đã xếp hàng cùng chắp tay vái lạy thần tượng, vừa vái lạy vừa luôn miệng xin lỗi thần tượng vì… “Việt Nam không có ai hát hay đến thế?!”.
Không chỉ vái lạy, một số fan còn có hành động quá trớn khác là quỳ xuống và hôn chiếc ghế của ngôi sao ca nhạc Hàn Quốc - Bi Rain đã ngồi, trong đêm lưu diễn tại Nhà hát lớn vừa qua.
Những hành động trên biến một số bạn trẻ trở thành những người “kỳ quặc”, một sự cuồng thái quá, tiêu cực. Nhiều bạn trẻ còn coi thần tượng là tất cả, gia đình chỉ là ...phù du. Teen sẵn sàng mang sinh mệnh của mình ra dọa nạt đấng sinh thành nếu không được gặp thần tượng.
Từ một học sinh giỏi, Nguyễn T.T, học sinh một trường THPT Đống Đa, Hà Nội bỗng học hành sa sút, thậm chí mắc chứng trầm cảm. Lý do là cô bé rất hâm mộ nam ca sỹ người Hàn Quốc và luôn ấp ủ ước mơ sẽ được làm người yêu của “anh ấy”.
Và rồi sự hâm một thái quá này cũng dẫn tới những hệ quả tất yếu. Mới đây một nữ sinh làm đơn tố cáo bị thần tượng là nam ca sĩ Châu Việt Cường cưỡng hiếp. Cô đã sẵn sàng bỏ các bạn trong đoàn thăm quan, một mình đến nhà riêng của thần tượng cùng anh xem clip mới quay, để rồi xảy ra những việc tố cáo như trên. Chàng ca sĩ không mấy tên tuổi cũng thừa nhận có "quan hệ" với cô nhưng trên cơ sở tự nguyện. Chẳng biết đúng sai ra sao nhưng cũng rất bất ngờ khi nữ sinh này quyết định rút đơn tố cáo ca sĩ Cường.
Rồi nức nở khi không được gặp thần tượng của mình |
Sự việc này một lần nữa cho thấy sự sốc nổi của tuổi trẻ, quá tin và quá dễ dãi khi lấy ai đó làm thần tượng. Nếu như không có chuyện cưỡng hiếp thì rõ ràng việc cô nữ sinh sẵn sàng "quan hệ" với thần tượng mà không hề có tình yêu (như lời khai của cô tại cơ quan công an) thì rõ ràng đây là tiếng chuông cảnh tỉnh cho một hậu quả khôn lường trong mối quan hệ giữa fan và thần tượng và việc lựa chọn thần tượng hiện nay của giới trẻ. Điều này khiến không ít người đã đặt câu hỏi đâu rồi cái thời mà thần tượng của giới trẻ là những hình mẫu đẹp với một nền tảng văn hóa và tri thức.
Theo Thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh thần tượng hóa là hiện tượng không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà là một trào lưu chung của thế giới. Đó là chuyện rất bình thường của xã hội. Mỗi đứa trẻ khi lớn lên đều có một cái đích để hướng tới, đó chính là thần tượng hóa. Thực chất của việc thần tượng hoá chính là “hiệu ứng đám đông”, bạn mình thích thì mình cũng thích. Đặc điểm của tuổi ômai là không thích ai giống mình nhưng lại sợ mình không giống ai, nghe thì có vẻ mâu thuẫn những đó chính là những diễn biến tâm lý ở lứa tuổi này.
Fan còn coi rẻ tính mạng khi chạy theo ôtô chở thần tượng hàng km để chứng tỏ "tấm chân tình" với thần tượng. |
Điều này có phần trách nhiệm từ phía gia đình, là cha mẹ chúng ta nên định hướng cho con cái biết rằng, đám đông không phải lúc nào cũng đúng. Thần tượng cũng là con người, họ cũng có những lúc rất…con người nên cha mẹ phải là người phân tích cho con hiểu rõ được, nếu con em mình thần tượng một ai đó thì sẽ học được gì ở thần tượng. Cha mẹ đừng lên án con cái một cách vội vàng. Cha mẹ phải dạy cho con biết được cách quan sát đám đông, học tập những điều tích cực và loại bỏ những điểm tiêu cực từ thần tượng.
Truyền thông cũng góp phần không nhỏ tạo ra thần tượng khiến giới trẻ mê mẩn bởi giới trẻ là người dễ “lung lay” nhất khi có một thông tin gì về thần tượng. Cho nên, truyền thông cần biết cách tiết chế khi định đưa một ca sĩ nào đó lên “tận mây xanh”.
Theo thạc sĩ Thịnh, hệ luỵ của việc thần thánh hoá thần tượng rất nguy hiểm. Thứ nhất, nó khiến các em tuổi teen luôn luôn muốn làm theo những gì thần tượng làm, điều tốt thì không nói nhưng những phong cách sống buông thả, "tây hoá" kiểu công khai chuyện bầu bí khi có người yêu hay có chồng, kiểu ăn mặc quá thoáng khi đang vị thành niên. Thứ hai, thần tượng hay nói cách khác là sự kỳ vọng được tuyệt đối hóa vào một con người đôi khi khiến người ta thất vọng nhiều hơn, nhất là khi sự kỳ vọng ấy không dựa trên nền tảng của văn hóa và tri thức. Và khi thần tượng sụp đổ trong mắt của giới trẻ, chúng sẽ mất niềm tin vào những người xung quanh và cả đấng sinh thành. Điều này để lại một hệ luỵ khôn lường.
Thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh khuyên rằng, giới trẻ hơn ai hết hãy tự hoàn thiện mình, mỗi chúng ta nên biến mình thành thần tượng của người khác, nếu không, chính bản thân mình cũng suốt ngày chỉ chạy theo đám đông không định hướng.
LT