“Một bảo tàng xây hàng chục tỉ đồng, mở ra các cuộc trưng bày mà mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục người đến thì liệu có đáng để cấp kinh phí hay không?”

CHUYÊN ĐỀ "BẢO TÀNG VIỆT NAM"

Tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam được biết đến như bảo tàng rất thành công trong việc thu hút người đến xem. PV Vietnamnet đã tìm gặp đến Phó Giáo sư Nguyễn Văn Huy – Nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học VN để có cuộc trao đổi về những vấn đề còn tồn tại trong hoạt động bảo tàng hiện nay.

Mở đầu câu chuyện, vị giáo sư lắc đầu với vẻ mặt ngán ngẩm rồi thở dài:“Vấn đề này nói mãi rồi, nói đi nói lại người ta chịu thay đổi đâu!”

Bảo tàng “khổng lồ” mỗi năm chỉ có vài nghìn lượt khách thì khổng lồ để làm gì?

Hiện nay ở ta đang có một trào lưu xây những bảo tàng “khổng lồ” có diện tích rất to lớn và đồ sộ. Nhưng xây xong thì rỗng ruột vì không có đồ để bày, không có người phụ trách nghiên cứu và tổ chức những trưng bày thật hay và hấp dẫn, khách đến xem cũng không biết phải tìm xem cái gì hợp với sở thích và nhu cầu của mình.

Tư duy phải to thì mới hút được khách, to thì mới hiện đại theo tôi không hẳn đã đúng hay cùng lắm chỉ đúng một phần. Vấn đề ở đây không phải là việc xây bảo tàng to hay nhỏ mà vấn đề chính phải là chất lượng của các bảo tàng tùy thuộc vào những điều kiện cụ thể của mỗi bảo tàng. Nhiều khi những bảo tàng nhỏ mà chất lượng cao thì lại rất hiệu quả.

“Việc xây một bảo tàng thì dễ vì có tiền là xong nhưng để làm bảo tàng tốt, hay và hấp dẫn thì cực kì khó khăn”.

Theo tôi, thay vì chỉ có một bảo tàng lớn mà chúng ta có một quần thể bảo tàng cỡ nhỏ mà chất lượng cao ở mỗi địa phương thì việc gắn liền bảo tàng với đời sống cộng đồng và thậm chí là thu hút khách du lịch vẫn hiệu quả mà phù hợp với trình độ của nhiều cán bộ làm bảo tàng ở địa phương.

Một ví dụ như ở nước ngoài có rất nhiều bảo tàng cỡ nhỏ như vậy, thậm chí bảo tàng chỉ là một khuôn viên và ngôi nhà cũ của người dân nhưng được biến thành một bảo tàng cỡ nhỏ, nội dung phong phú và thieeats kế trưng bày chuyên nghiệp thì vẫn rất hấp dẫn du khách. Có những nơi khách còn phải xếp hàng dài để vào xem.

Ở ta không phải là không có, ngay ở Hà Nội chúng ta có số nhà 48 Hàng Ngang nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập, ngôi nhà số 90 Thợ Nhuộm nơi Trần Phú viết Luận cương chính trị 1930, Nhà 5D phố Hàm Long nơi thành lập một tổ chức Đảng đầu tiên… Tại sao chúng ta không biến những nơi ấy thành các bảo tàng nhỏ kể về cuộc sống Hà Nội nửa đầu thế kỷ 20 mà lại để nó xập xệ và không có ai đến thăm như hiện nay?

Căn nhà 48 Hàng Ngang nơi chủ tịch Hồ Chí Minh viết tuyên ngôn độc lập năm giữa khu phố cổ đông khách du lịch nhưng vẫn đóng cửa và trông rất xập xệ
Ngôi nhà số 90 Thợ Nhuộm nơi Trần Phú viết Luận cương chính trị 1930 là một ngôi nhà Pháp cổ rất đẹp nhưng các tầng trên lại là nơi làm việc của Ban quản lí di tích Danh thắng Hà Nội nên hầu như chả ai nghĩ là một nơi có thể tham quan.
Tầng hầm là nơi được dùng để tham quan di tích khách chỉ được đến thăm vào các ngày quy định nhưng gần như chả có ai đến thăm bao giờ.

 Không thể xây bảo tàng như xây siêu thị

“Phải nói một cách thẳng thắn là hiện nay chúng ta hiện nay chưa đủ sức để tự nâng tầm một bảo tàng mang tầm cỡ quốc tế, hấp dẫn được khách thăm quan trong và ngoài nước”.

Chúng ta đang rất thiếu một đội ngũ làm bảo tàng chuyên nghiệp.Tình trạng người xây dựng thì cứ xây dựng, làm xong rồi trao ngôi nhà cho người làm bảo tàng. Mà trong khi đó làm bảo tàng thì có nguyên tắc chuyên môn riêng với những thiết kế nội thất, trưng bày đặc thù rất riêng. Mà lúc đó ngôi nhà và nội thất không phù hợp với trưng bày bảo tàng thì phá không được, vừa xây xong vì không ai quyết toán, thế là đành chịu.

Câu chuyện Bảo tàng Phú Yên mới khánh thành gần đây là một ví dụ điển hình. Hàng loạt lỗi nghiệm trọng như giữa bảo tàng lại xây một thang cuốn như trong siêu thị, làm thế, theo suy nghĩ của tôi, sẽ phá hết toàn bộ lịch trình đi thăm một bảo tàng, ở đó chưa làm trưng bày đã làm toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng bằng đèn chùm hay đèn “mắt trâu”, chưa biết nội thất trưng bày như thế nào nhưng anh xây dựng đã cho ốp gỗ toàn bộ trần nhà . Đây thực sự là những lỗi rất ấu trĩ và không thể chấp nhận được.

Hàng loạt lỗi nghiêm trọng trong việc xây dựng một bảo tàng quy chuẩn ở Bảo tàng Phú Yên mới khánh thành gần đây - Ảnh: Văn Minh

Vấn đề con người cũng là một thách thức trong các bảo tàng hiện nay, hiện nay, để có bảo tàng tốt, chúng ta phải  thuê các chuyên gia nước ngoài giúp đỡ khi làm trưng bày và nội thất bảo tàng như Bảo tàng Phụ nữ VN, Bảo tàng Đắk Lắk… Nhưng không phải cứ có chuyên gia, cứ có tiền là xong, chuyên gia không thể làm một mình, họcũng cần có một đối tác có trình độ chuyên môn cao để cùng phối hợp nghiên cứu, tổ chức trưng bày thể hiện được mong muốn, ý tưởng của mỗi bảo tàng. .

Với tình trạng đang xây thêm hàng loạt các bảo tàng lớn sắp tới các bảo tàng “khổng lồ” sẽ cần lắm những người có trình độ cao. Đừng để đến lúc xây xong như Bảo tàng Hà Nội gần 3 năm nay mà vẫn chưa có trưng bày. “Chậm nhưng tốt.Thà chưa vội mở  cửa bảo tàng ngay mà  gửi những kíp cán bộ chuyên môn  đi học bảo tàng học cao học, nghiên cứu sinh hay đơn thuần tu nghiệp một thời gian ngắn ở nước ngoài để trở về có đủ sức làm việc, sáng tạo còn hơn là cứ để tình trạng làm bảo tàng thiếu sinh khí, thiếu hấp dẫn như vậy xảy ra”.

Bao cấp đang làm trì trệ cả một hệ thống bảo tàng!

Chúng ta cần phải loại bỏ ngay tư duy “bao cấp” khi cấp nguồn kinh phí cho các bảo tàng như hiện nay. Không thể cứ tiếp diễn việc cứ cấp tiền cho bảo tàng làm những triểm lãm kiểu kỉ niệm các ngày lễ lớn mà giới làm bảo tàng còn gọi là triển lãm “cúng cụ” như hiện nay.

Những triển lãm như vậy hiện nay hầu hết đều được tổ chức và trưng bày ở tầm rất thấp. Thấp vì họ chỉ cần chuẩn bị trong vòng 1 đến 2 tháng, ít sự đầu tư chất xám, thì làm sao mà có được những trưng bày hấp dẫn.

Chưa kể đến việc đánh giá các triển lãm kiểu này thường ít dựa vào sự hấp dẫn khách qua số lượng người đến xem mà phần lớn chỉ dựa trên việc lãnh đạo cấp nào đến cắt băng khánh thành.


Bảo tàng Phú Yên chào mừng đại biểu về dự lễ khánh thành rồi đến ngày 16/3 chính thức mở cửa phục vụ cho người dân thì đóng cửa.

Cần phải có cơ chế để nơi nào làm trưng bày chất lượng không tốt, khách không đến thăm thì sẽ phải xem xét lại vấn đề cấp kinh phí cho bảo tàng; bảo tàng có thể sẽ không được cấp tiếp kinh phí để làm trưng bày. Nếu có những quy định như thế tự khắc các bảo tàng sẽ phải làm đầu tư trí tuệ và công sức để tự cứu lấy mình bằng những trưng bày hấp dẫn có tính sáng tạo chứ không phải cứ ngồi đấy mà đợi cấp tiền làm những trưng bày tương tự tiếp theo.

Nguồn kinh phí cấp cho các hoạt động nghiên cứu và trưng bày  có thể lập hẳn một quỹ riêng của nhà nước như các quỹ khoa học quốc gia và có hội đồng thẩm định. Nếu muốn được cấp tiền nghiên cứu và trưng bày phải trình dự án lên hội đồng xét duyệt xem có phù hợp, có tính mới và hiệu quả hay không. Thậm chí là còn phải đấu thầu thành các dự án để kích thích các bảo tàng hoạt động có hiệu quả chứ không phải chỉ cấp kinh phí theo nhiệm vụ.

Một bảo tàng mở ra các cuộc trưng bày mà mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục người đến thì liệu có đáng để cấp kinh phí hay không?

Tuyên truyền trong bảo tàng nên hay không?

Bảo tàng nào cũng có nhiệm vụ phục vụ chính trị, nhưng phục vụ chính trị một cách quá giản đơn, quá thô thiển hay nói cách khác là phục vụ chính trị bằng cách tuyên truyền – nói một chiều trong bảo tàng là điều không còn phù hợp với thực tế, trình độ dân trí bây giờ nữa.

Trưng bày hướng đến sự gợi mở, bằng cách để cho người xem tự nhận thức ra được vấn đề, thông điệp cần chuyển tải tới người xem thì nó mới hay được.

“Bảo tàng phục vụ chính trị cần phải đi vào lòng người, không thể làm một cách đơn giản và quá thô thiên là điều không còn phù hợp với thực tế và trình độ dân trí hiện nay.”
Ví dụ như chuyện làm trưng bày với đề tài “từ Đại hội đến Đại hội”. Nếu cứ trưng bày các văn kiện và các bức ảnh các Đại hội ra thì liệu có nhiều người xem? Nếu như cùng đề tài ấy chúng ta trưng bày dưới góc độ nhỏ hơn về mỗi bước tiến về nhận thức ví dụ vấn đề đảng viên làm kinh tế ở mỗi Đại hội hay là sự thay đổi và mở rộng dân chủ trong  Quốc hội, như những cuộc thảo luận để tiến tới Quốc hội  có quyền chất vấn chính phủ rồi các cuộc họp Quốc hội được truyền hình trực tiếp….

Đó là sự thay đổi nhận thức của Đảng và người xem khi đến xem sẽ hiểu được điều đó và đó sẽ là một trưng bày tuyệt vời để bảo tàng phục vụ chính trị một cách hiệu quả nhất, sẽ cuốn hút người đến xem hơn rất nhiều.

Nguyễn Hoàng (ghi)