- Mất nhiều tháng vật lộn với câu chữ để hoàn thành một cuốn sách dịch nhưng thù lao họ được nhận chỉ được được vài ba chục triệu đồng. Thu nhập của một tác giả có sách best-seller chỉ được xếp ngang với một người làm ruộng!

Dịch sách 1 năm rưỡi chỉ được 23 triệu đồng

Dịch giả Dương Tường chỉ được nhận 23 triệu đồng cho việc dịch toàn bộ cuốn Lolita.
Dịch giả Dương Tường, một trong những cây đại thụ của làng dịch thuật VN nói những người làm công tác dịch thuật không sống được bằng nghề và "mình say mê thì mình làm". Lolita, cuốn sách được nhắc đến rất nhiều thời gian gần đây đã lấy mất của ông khoảng thời gian thực tế là 1,5 năm nhưng dịch giả ngoài 80 tuổi này cũng chỉ được nhận 23 triệu đồng. Các cuốn sách dịch khác của ông không được trả thù lao cao như nhiều người tưởng. Duy chỉ cuốn Cái trống thiếc của Gunter Grass là ông được nhận thêm tiền tài trợ vài nghìn đô la từ một quỹ của Đức.

Nhà văn Di Li, một tác giả có thể nói là có nhiều đầu sách bán chạy ở nhiều mảng cho hay mức thù lao chị được trả cho 1 trang dịch khoảng 350 chữ là 60.000 đồng. Do vậy nếu làm việc liên tục như 1 công chức, ngày nào cũng dịch, đều đặn trong 2 tháng thì mới hoàn thành được 1 cuốn sách khoảng 500 trang với mức thù lao chừng 20 triệu đồng. Tuy nhiên với những sinh viên mới ra trường thì họ chỉ được trả chừng 30.000 đồng/trang. "Thù lao thấp nên đương nhiên mình phải làm những nghề khác nữa. Chẳng ai sống được bằng nghề viết cả. Những người sống bằng ngòi bút rất ít, các nhà văn triệu phú như Rowling chỉ đếm trên đầu ngón tay".

Phạm Anh Tuấn, người dịch cuốn “Dân chủ và giáo dục” của John Dewey cho hay anh chỉ được nhận khoảng hơn 30 triệu đồng thù lao cho cuốn sách dày hơn 400 trang này. “Dân chủ và giáo dục” là cuốn sách chuyên ngành cực khó, đòi hỏi người dịch phải có trình độ và nghiên cứu kỹ lưỡng. Khi được hỏi anh có sống được bằng nghề dịch không? dịch giả Phạm Anh Tuấn nói luôn: "Có ai sống được bằng dịch, thù lao thấp lắm".

Hai cuốn sách anh mới dịch vừa xuất bản John Dewey Kinh nghiệm và giáo dục và John Dewey về giáo dục, có dung lượng lên tới 1000 trang cũng chỉ được trả chưa đến 50 triệu. Chính vì dịch sách nghiên cứu vất vả và được trả bèo bọt như vậy nên dịch giả Phạm Anh Tuấn, cũng như nhiều người khác phải dành thêm thời gian đi dịch tài liệu bên ngoài bởi theo anh "họ trả tiền nhiều hơn", không đòi hỏi nhiều về chất lượng, dịch nhàn hơn nhưng có thể trả từ 8-10 đô la (khoảng 200.000 đồng) một trang. Mặc dù vậy, cũng như nhiều người khác, Phạm Anh Tuấn vẫn dành thời gian để dịch các cuốn sách nghiên cứu chỉ vì "thích".

Cha anh, dịch giả Phạm Toàn cũng là một người dịch sách có tiếng. Cho đến nay ông vẫn được biết đến như là dịch giả được trả thù lao cao vào hạng nhất nhì khi cuốn "Nền dân trị Mỹ" mang về cho ông trên 100 triệu đồng. Đây được coi là con số mơ ước với bất kỳ dịch giả nào. Tuy nhiên, theo ông, vì đợt đó ông gặp may, giám đốc NXB Tri Thức lúc ấy là GS Chu Hảo đã muốn làm một phép thử xem các dịch giả có thể sống tốt được bằng công việc của mình không bằng cách ký hợp đồng trả cho ông 200.000 đồng trên mỗi trang dịch.

Tuy nhiên, để được hưởng mức thù lao này, ông mất tới 7 tháng để hoàn thành 2 tập với dung lượng lên tới trên 1200 trang của "Nền dân trị Mỹ", một cuốn sách rất khó của tác giả Alexis de Tocqueville. Theo dịch giả Phạm Toàn, ông được trả số nhuận bút cao như vậy là một may mắn vì về sau NXB hết tiền, các dịch giả được nhận 1/2, 1/3 số tiền như vậy đã là may. Thậm chí ngay với bản thân ông, nhiều tác phẩm còn bị các nhà xuất bản lờ tịt chuyện trả tiền tác quyền.

Joe Ruelle, một trong những tác giả có sách được xếp vào hàng "best-seller" ở VN với hai cuốn Tớ là Joe và Ngược Chiều Vun Vút cho biết nếu chia số tiền nhuận bút bằng thời gian đầu tư thì thu nhập trung bình hàng tháng lấy từ việc viết sách là khoảng 9 triệu đồng. Tính riêng cuốn Ngược Chiều Vun Vút thì có thể sẽ lên đến khoảng 15 triệu/tháng cho cả năm 2012, với điều kiện sách tiếp tục bán chạy.
"Tớ Là Dâu có giá rất rẻ, nhuận bút mỗi cuốn bằng cốc trà đá còn Ngược Chiều Vun Vút có giá vừa phải, nhuận bút bằng lon Coca", Joe nói. Cây bút người Canada này cho rằng thu nhập của nhiều các tác giả từ việc viết sách có thể so sánh với thu nhập của một người làm ruộng.

Chỉ sống bằng dịch thuật thì chỉ có nước chết đói!

Các dịch giả hiện chỉ được nhận vài chục ngàn đồng cho mỗi trang sách dịch, bất kể khó hay dễ.
Dịch giả Nguyễn Đình Thành, người dịch cuốn "Nửa kia của Hitler", giải thưởng văn học dịch Hội nhà văn HN 2008 cho biết thù lao anh nhận được rất thấp, chỉ 50.000/trang, số tiền này được NXB trả để mua đứt bản quyền của cuốn sách dịch này. Do vậy khi nhân lên, số tiền anh nhận được cho cuốn "Nửa kia của Hitler" không đáng bao nhiêu.

Thêm nữa các tác giả có sách bán chạy đều không được nhà xuất bản thông báo về việc sách của mình được tái bản lần thứ mấy và không phải ai cũng được trả đủ phần trăm lợi nhuận từ các bản sách bán ra như trong hợp đồng. "Ở VN không có hiệp hội dịch thuật nên chẳng ai bảo vệ ai. Với những người chỉ sống bằng dịch thuật thì chỉ có nước chết đói. Tôi thấy tiền trả cho những người làm nghề này quá bạc bẽo nên chỉ ai thực sự đam mê với việc dịch thuật thì mới theo nổi. Bởi dịch một cuốn sách cũng phải mất vài tháng đến 1 năm mà chỉ được 15-20 triệu đồng thì chỉ có những người chẳng cần tiền mà chỉ làm cho vui mới theo nổi", Dịch giả Nguyễn Đình Thành nói.

Lê Khánh Duy, người từng đứng ra tổ chức thực hiện, dịch thuật, đóng góp ý tưởng cho nhiều cuốn sách được chú ý như: "Bóng" - Tự Truyện Của Một Người Đồng Tính, Thaksin Shinawtra - Thương trường và chính trường, Steve Jobs - Sức mạnh của sự khác biệt... cho biết người kể chuyện của Bóng, cuốn sách từng được xếp vào hàng best-seller cũng chỉ được khoảng 20 triệu đồng, mức thù lao được cho là "quá bèo".

Bán khá chạy vào thời điểm phát hành nhưng Bóng cũng chỉ bán được chừng 8000-9000 bản, các cuốn best-seller ở VN tiêu thụ được chừng 10.000 bản rất ít. "Lý do các tác giả không được trả thù lao cao cũng dễ hiểu bởi sách lậu quá nhiều, sách thật vừa ra thì sách giả đã tràn lan. Ngành xuất bản nghèo, thiếu thốn tiền mặt, lợi nhuận ít thì lấy đâu ra tiền mà trả.

Các dịch giả đa phần đều được nhận số tiền bèo bọt dù đôi khi một trang sách có thể khiến họ trăn trở nhiều đêm. Do vậy, những người làm sách ngoài đam mê còn coi như một cuộc lấy danh", Lê Khánh Duy nói. Anh cũng cũng tiết lộ thêm, mức thù lao anh nhận được khi dịch cuốn Thaksin Shinawtra - Thương trường và chính trường chỉ có 9 triệu đồng.

Các tác giả best-seller trên thế giới giàu cỡ nào?

Obama có tiết lộ rằng hai cuốn sách "Dreams From My Father" và "The Audacity of Hope" đã từng cứu ông trong thời gian tài chính bấp bênh.
Trước khi theo đuổi sự nghiệp chính trị. TT Mỹ Obama đã phát hành cuốn tự truyện có tên Dreams from My Father: A Story of Race (Giấc mơ của cha tôi) vào năm 1995. The Audacity of Hope (Hy vọng táo bạo), cuốn sách thứ 2 của Obama ra mắt năm 2006 đã nhanh chóng giành vị trí số 1 trong danh sách những cuốn sách bán chạy nhất trên tạp chí New York Times và Amazon. NXB Crown/Three Rivers Press sau đó đã ký hợp đồng lên đến 1,9 triệu đô la với ông Obama để giành quyền xuất bản 3 cuốn sách của ông.
Obama có tiết lộ rằng hai cuốn sách "Dreams From My Father" và "The Audacity of Hope" đã từng cứu ông trong thời gian tài chính bấp bênh. Và không thể phủ nhận rằng một phần không nhỏ thu nhập của TT Obama đến từ doanh thu các cuốn sách. Trung bình cứ 60,000 đô la bán được từ sách, TT Obama được hưởng 10% doanh số, tức là khoảng 6000 đô la. Năm 2010, gia đình Obama kiếm được 1,73 triệu đô la, phần lớn từ doanh thu các cuốn "Dreams from My Father" and "The Audacity of Hope". Cuốn sách viết cho thiếu nhi "Of Thee I Sing: A Letter to My Daughters" được phát hành cách đây không lâu của Obama cũng lọt top best-seller.

Một cái tên không thể không nhắc tới là Stephenie Meyer, tác giả của "Chạng vạng",  loạt tiểu thuyết gồm 4 cuốn đã bán được hơn 100 triệu bản trên toàn cầu và được dịch ra 37 thứ tiếng. Nhà văn nữ 39 tuổi này liên tục trở thành tác giả có sách bán chạy nhất nước Mỹ 2 năm liên tiếp (2008, 2009) với tổng cộng 56 triệu bản sách bán ra. Thu nhập của Stephenie Meyer trong 2 năm 2008 và 2009 đạt 90 triệu đô la. Doanh thu từ sách cùng phần trăm lợi nhuận được hưởng từ loạt phim "Chạng vạng" đã mang đến cho Stephenie Meyer khối tài sản kếch xù.     

"Những người sống bằng ngòi bút rất ít, các nhà văn triệu phú như Rowling chỉ đếm trên đầu ngón tay".
J.K. Rowling, tác giả của loạt truyện “Harry Potter” cũng nhiều năm liên tiếp lọt top những nhà văn giàu nhất thế giới khi “Harry Potter” bán được 480 triệu bản (tính tới tháng 1/2011) trên thế giới, được dịch sang 67 thứ tiếng, trở thành series sách bán chạy nhất trong lịch sử.  Tính đến tháng 3/2011, Forbes ước tính tài sản của Rowling đạt khoảng 1 tỉ đô la, phần lớn đến từ loạt truyện “Harry Potter” và phần trăm lợi nhuận của loạt phim cùng tên. Harry Potter với 8 tập phim đã trở thành series phim ăn khách nhất mọi thời đại với doanh thu lên đến 7,7 tỉ đô la. Người ta ước tính thương hiệu Harry Potter có giá lên tới 15 tỉ đô la.

5/2010-4/2011, tổng thu nhập của 10 nhà văn có thu nhập cao nhất thế giới lên tới 84 triệu đô la.

Hạnh Phương