- Việc cho hay cấm công chiếu một bộ phim đôi khi đặt Hội đồng duyệt phim Quốc gia đứng giữa lựa chọn lợi ích của công chúng hay của nhà phát hành.

TIN BÀI KHÁC

Bị cấm chiếu tại VN, phim “The Hunger Games”  ra mắt tại Mỹ và thị trường quốc tế từ hôm 23/3 đã tạo nên một cơn sốt toàn cầu thậm chí hơn hẳn siêu phẩm “Twilight”. Cho đến nay, sau 6 tuần phát hành, nó đã thu về gần 500 triệu USD trên hàng ngàn rạp phim.

Hunger Games được chiếu tại hơn 50 quốc gia khác nhau nhưng vào phút chót không thể có mặt tại VN

Lệnh cấm thiệt tiền tỉ?

Những con số ấn tượng này càng làm cho công ty cổ phần truyền thông Megastar – đơn vị dự định phát hành “The Hunger Games” tại Việt Nam – cảm thấy tiếc nuối cho một cơ hội kiếm tiền trong tầm tay. Trả lời báo chí, ông Brian Hall, Chủ tịch HĐQT Cty MegaStar , cho rằng: “Quyết định cấm phát hành bộ phim này ở VN đã gây ra những thiệt hại có thể đong đếm được, khoảng 30 tỉ đồng lợi nhuận cho phía sản xuất phim, các rạp chiếu phim của VN và MegaStar. Đồng thời, chính phủ cũng thiệt khoảng 2 tỉ đồng tiền thuế VAT mà doanh thu phòng vé mang lại. Trong khi đó, các cửa hàng băng đĩa ở HN và TPHCM đã tung ra thị trường đĩa DVD lậu của bộ phim. Những DVD này không bị cắt gọt cảnh nào vì không qua khâu kiểm duyệt. Vì thế, việc phim bị cấm phát hành thực chất lại làm tăng tính tò mò của khán giả với bộ phim hơn và như vậy sẽ ngày càng có nhiều khán giả VN sẽ tiêu thụ và sử dụng đĩa lậu bởi vì bộ phim đã bị cấm phát hành. Ngoài ra, MegaStar và nhà sản xuất phim còn phải chịu những thiệt hại về tài chính đã chi cho các hoạt động quảng bá, hậu cần.”


“The Hunger Games” không phải phim đầu tiên không được chiếu chính thức ở VN, mới chỉ mấy tháng đầu trong năm 2012 khán giả VN đã không có cơ hội xem hai siêu phẩm điện ảnh Mỹ là Ma tốc độ và Cô gái có hình xăm Rồng. Tuy nhiên do Megastar đã làm chiến dịch PR cho “The Hunger Games” từ khá lâu, cùng với những thông tin về mức đầu tư rất cao, cũng như doanh thu kỷ lục của phim này trên toàn thế giới, đã làm cho nhiều người cảm thấy hụt hẫng khi không được xem trên màn ảnh rộng tại VN. Thậm chí sau khi biết tin “The Hunger Games” bị cấm chiếu, một số khán giả yêu thích phim ảnh đã lên kế hoạch du lịch sang các nước lân cận như Singapore, Thái Lan, Campuchia để thưởng thức tác phẩm này.

Hunger Games được Hội đồng duyệt phim Quốc gia cho là quá bạo lực

Không đúng lúc và không đúng chỗ?

"Nội dung phim nói về 24 thanh niên đại diện cho 12 quận của một nước bắn giết nhau để tồn tại, ai sống thì chiến thắng. Cuộc chơi này được truyền hình trực tiếp cho dân 12 quận xem con cái họ chết thế nào. Người Mỹ xem hiểu được là ai giỏi, ai gan dạ thì sống, nhưng với Việt Nam thì bạo lực quá, tàn nhẫn quá dù đó là trò chơi. Cả hội đồng duyệt đều phát biểu không nên cho chiếu", nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát - thành viên hội đồng duyệt phim quốc gia (HĐDPQG) - cho biết.

Quan điểm này của bà nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều trên báo chí và các diễn đàn trên mạng. Có ý kiến cho rằng HĐDPQG vẫn tư duy theo lối cũ, họ nên có cái nhìn thoáng để chấp nhận những khác biệt văn hóa cũng như bắt kịp sự phát triển của thời cuộc. Thậm chí có những ý kiến cho rằng việc cấm phim này chỉ làm cho nó được săn lùng nhiều hơn tại VN, khán giả có thể dễ dàng xem phim qua nhiều cách khác nhau: xem trực tuyến trên mạng, mượn hay thuê đĩa DVD, chép bản HD chất lượng cao về xem ở nhà, hoặc xem trong những quán café. Thay cho quyết định cấm chiếu tại VN, HĐDPQG chỉ cần dán nhãn cấm trẻ em dưới một mức tuổi nào đó được vào rạp xem phim, và tổ chức giám sát chặt chẽ các rạp chiếu phim, có quy định chế tài nghiêm khắc để đảm bảo các rạp thực hiện đúng quy định.

Nhưng quyết định của họ cũng không phải không có lý do xác đáng. Chúng ta nên nhìn nhận quyết định này khách quan hơn, trong bối cảnh không – thời gian liên quan. Quyết định này có thể cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi những mối lo ngại về vấn đề tội phạm trẻ vị thành niên đang gia tăng gần đây, và nhằm thể hiện quan điểm phản đối của những người có trách nhiệm với các sản phẩm văn hóa có quá nhiều hình ảnh bạo lực, khiêu dâm, có thể gây tác động xấu đến thế hệ trẻ. Việc cấm “The Hunger Games” còn là một lời nhắc nhở đến các nhà phát hành phim, các nhà sản xuất phim, cũng như các công ty xuất bản sách và các sản phẩm văn hóa khác cần có trách nhiệm hơn, thận trọng hơn, cân nhắc hơn khi đưa sản phẩm của mình ra thị trường.

Có thể trong một không gian khác, một thời gian khác, HĐDPQG sẽ đưa ra những quyết định khác. Nhưng “The Hunger Games” đến VN trong một thời điểm khá nhạy cảm, nếu sớm hơn vài năm, hoặc muộn hơn vài năm, có thể số phận nó sẽ khác.

Cảnh “nóng” bị cắt của phim Titanic 3D khi trình chiếu tại Trung Quốc

Đề kháng nào cho bản sắc văn hóa?

Thay vì chỉ trích HĐDPQG, nên nhìn nhận góc độ tích cực trong quyết định của họ, nên chia sẻ, và thấu hiểu những lý do đã làm họ phải đưa ra quyết định như thế. Và thực tế, quan điểm của HĐDPQG cũng không phải là quá đặc biệt so với những HĐDP của một số quốc gia khác. Theo trang web “The Hollywood Reporter” đưa tin ngày 13/4, bộ phim “Titanic 3D” đã được trình chiếu ở Trung Quốc mà không có cảnh Rose - nhân vật nữ chính do Kate Winslet đóng - làm mẫu khỏa thân cho Jack - nhân vật do Leonardo DiCaprio - đóng vẽ tranh. Cục quản lý điện ảnh, phát thanh và truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết sở dĩ họ phải quyết định cắt cảnh nóng trên là nhằm “hướng tới việc xây dựng một mô hình đạo đức hài hòa.” Chắc chắn những người đưa ra quyết định trên không ngây thơ đến mức nghĩ rằng ngoài lúc xem Titanic, người Trung Quốc không có cơ hội nào khác để xem cảnh Kate Winslet, hay một phụ nữ nào khác trong tình trạng khỏa thân.

“The Hunger Games” tạm thời bị cấm chiếu ở VN, suy cho cùng cũng không làm ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của nhà phát hành, vì họ còn rất nhiều phim Mỹ rất hấp dẫn khác đủ sức lôi kéo khán giả đến rạp. Thậm chí, khẩu hiệu của một trong những nhà phát hành phim hàng đầu tại VN là “Mang Hollywood đến gần bạn”, thực tế thì sao? Các phim Hollywood quả thật đang làm mưa làm gió tại các rạp chiếu phim tại 2 thành phố lớn nhất VN là Hà Nội và Tp HCM. Mặt tích cực của thực trạng này là trình độ thưởng thức, đánh giá phim ảnh Hollywood của khán giả VN đã tăng lên đáng kể trong vài năm qua. Tuy nhiên, sự đa dạng văn hóa nói chung, và các giá trị Việt, bản sắc Việt trong điện ảnh nói riêng, đang có dấu hiệu suy giảm cùng sự lên ngôi của phim Mỹ. Hầu hết các phim Việt chỉ còn cơ hội đến với khán giả trong dịp Lễ, Tết, với sự ưu ái đặc biệt của nhà phát hành. Các nền điện ảnh khác Mỹ, như điện ảnh Anh, Pháp, Ý, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc,… đều rất khó tìm chỗ đứng trong các rạp phim Việt Nam.

Không thể trách Hollywood trong chuyện họ chiếm thị phần áp đảo không chỉ tại VN, và cũng không thể lập mãi các rào cản thương mại và phi thương mại để ngăn cản họ, khi chúng ta đã gia nhập vào WTO. Phim Việt thì ngày càng tệ đi, hết năm này qua năm khác, khán giả ngày càng mất kiên nhẫn với những bộ phim hài nhảm, ma nhảm, hoặc ăn trộm phim Tây từ kịch bản cho đến từng tiếng động, góc quay. Nếu tình trạng này kéo dài mãi, thì khán giả Việt Nam chỉ còn biết đến điện ảnh Mỹ, với những quan điểm, cách tư duy, triết lý sống, góc nhìn đời hoàn toàn theo kiểu Mỹ. Sự độc tôn này không hẳn chỉ toàn những mặt xấu, nhưng nó sẽ gây những ảnh hưởng sâu rộng đến khán giả VN nhiều hơn là chỉ một bộ phim như “The Hunger Games”.

An Di