- "Ai cũng mong muốn cơ quan chức năng ngăn chặn thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc, nhiễm bẩn vì chúng đầu độc sức khỏe con người. “Món ăn tinh thần” phim ảnh nếu chứa chất "độc", chất "bẩn" càng nguy hiểm hơn vì nó đầu độc tinh thần con người và lan nhanh ra cả xã hội. Như vậy, việc ngăn chặn có cần thiết không?"

Từ trường hợp bộ phim Bẫy cấp 3 bị cấm chiếu gây dư luận trong những ngày gần đây, VietnamNet đã phỏng vấn TS Ngô Phương Lan, Cục Phó phụ trách Cục Điện ảnh về các về đề liên quan đến việc kiểm duyệt phim đang rất nóng hiện nay.
TS Ngô Phương Lan. Ảnh: Nguyễn Hoàng
Không thể rập khuôn theo cách phân loại phim của Mỹ hay Hàn
- Thời gian gần đây, một số phim nước ngoài lẫn Việt Nam đã không được cấp phép phổ biến tại VN dù đã được quảng bá ngày ra rạp rầm rộ trước đó. Phải chăng Hội đồng duyệt phim quốc gia đang siết chặt việc kiểm duyệt phim để hạn chế các bộ phim "có vấn đề" ra rạp?
- Hội đồng duyệt phim chỉ làm đúng chức năng của mình, nghĩa là thẩm định phim theo đúng quy định của Luật Điện ảnh, Nghị định 54/2010/NĐ-CP và Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim. Những phim vi phạm quy định của pháp luật thì không thể cho phép phổ biến.
- Hai bộ phim gây ồn ào nhất thời gian qua bị cấm phổ biến tại thị trường VN là Trò chơi sinh tử và Bẫy cấp 3. Sau quyết định cấm này, cũng đã có nhiều ý kiến tranh cãi liên quan đến việc kiểm duyệt phim tại VN, xin bà cho biết, cụ thể thì những bộ phim như thế nào thì bị cấm trình chiếu?
- Phim không được phổ biến là những phim vi phạm Điều 11 Luật Điện ảnh và Điều 9 Nghị định 54/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều trong Luật điện ảnh và Luật sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh về Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh.
- Hiện nay chúng ta chỉ có 1 mức phân loại phim duy nhất là: cấm khán giả dưới 16 tuổi, được cho là không phân loại được chính xác cả phim lẫn đối tượng khán giả. Theo bà, có cần thiết phải có thêm những tiêu chí phân loại phim mới để "lọc" người xem hay không?
- Việc đưa vào những tiêu chí phân loại hay không cần có quá trình khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa ra những mức chuẩn phù hợp cho Việt Nam, không thể thấy Mỹ hay Hàn người ta phân loại thế nào thì mình cũng rập khuôn theo như vậy. Còn bao nhiêu nước trên thế giới với bao nhiêu sự khác nhau, ta có "theo" hết được không? Và muốn có cách phân loại mới thì cần phải sửa đổi, bổ sung những điều khoản trong Luật, Nghị định và Quy chế.
Phim không đạt 5 điểm, không được phép phổ biến

Bẫy cấp 3 không đạt chất lượng của một tác phẩm điện ảnh bởi các thành viên Hội đồng đều cho điểm dưới trung bình.
- Một thành viên Hội đồng duyệt phim cho biết nhiều phim xem rất dở nhưng vì nó không phạm Luật nên vẫn phải cấp phép phổ biến, hậu quả là những "thảm họa màn ảnh" vẫn lọt cửa kiểm duyệt. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải loại bỏ nhiều phim dở hơn nữa để khán giả không bị tra tấn bởi những phim dở và có vậy mới nâng cao dân trí được. Ý kiến của bà về vấn đề này thế nào?
- Trong Quy chế thẩm định và cấp giấy phép phổ biến phim đã quy định rõ những phim chất lượng không đạt 5 điểm thì sẽ không được phép phổ biến. Như vậy là ngoài việc vi phạm những điều cấm trong Luật và Nghị định, chất lượng phim cũng là điều kiện để căn cứ vào đó, phim được cấp giấy phép phổ biến hay không. Cụ thể, phim Bẫy cấp 3 không được phép phổ biến vì vừa vi phạm Luật và Nghị định về Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh, lại vừa không đạt chất lượng của một tác phẩm điện ảnh bởi các thành viên Hội đồng đều cho điểm dưới trung bình.

- Thị trường phim ngoại nhập tại VN có thể nói là rất sôi động khán giả được tiếp cận với nhiều phim mới, thậm chí còn trước cả nhiều nước. Không có quota cho phim nhập (Trung Quốc mới đây đã nâng quota từ 20 lên 34 phim ngoại/năm) là lý do phim ngoại ồ ạt vào thị trường VN mà phim dở không phải ít, trong khi lệ phí duyệt phim lại quá thấp nên các nhà nhập khẩu không cần phải lọc phim trước khi trình duyệt. Theo bà, có cần thiết phải ra thêm chế tài để loại bớt những tác phẩm dở nhằm nâng cao chất lượng thị trường phim chiếu rạp không?
-  Việc không có quota cho phim nhập (theo cam kết quốc tế khi Việt Nam gia nhập WTO) cũng là điều khó khăn cho quản lý điện ảnh. Muốn giảm tỷ lệ phim nhập thì phải tăng tỉ lệ phim sản xuất trong nước, mà điều này thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Và đúng là lệ phí duyệt phim cũng đã quá lạc hậu, vì lệ phí hiện hành được xây dựng từ năm 1997, nghĩa là cách đây đến 15 năm, trong khi ai cũng biết là tốc độ trượt giá từ đó đến nay như thế nào, lương tối thiểu cũng đã tăng biết bao nhiêu lần.

Hiện nay Bộ VHTTDL cùng Bộ Tài chính đang hoàn chỉnh Thông tư liên bộ về điều chỉnh mức phí và lệ phí duyệt kịch bản phim, phim và cấp phép hành nghề điện ảnh. Hy vọng Thông tư này sẽ sớm được ban hành và đây cũng là một biện pháp để nhà nhập khẩu và phát hành phim phải cân nhắc khi trình duyệt. Nhưng tôi nghĩ bản thân họ cũng cần có ý thức dân tộc và lương tâm nghề nghiệp, đừng chỉ chạy theo lợi nhuận mà bất chấp tất cả.

Phim ảnh nếu chứa chất "độc", chất "bẩn" càng nguy hiểm hơn

Trước Bẫy cấp 3, phim The Hunger Games cũng đã không được cấp phép phổ biến tại VN.
- Trên thực tế, những phim bị cấm phổ biến gần đây đều đã được quảng bá ngày ra rạp từ trước đó rất lâu, thậm chí đã ấn định ngày công chiếu và đặt chỗ tại nhiều rạp chiếu. Hội đồng duyệt và lãnh đạo Cục điện ảnh có cân nhắc đến sự thiệt hại đối với đơn vị phát hành và nhà sản xuất trước khi ra quyết định cấm phổ biến một bộ phim không, thưa bà?
- Việc được quảng bá ngày phim ra rạp, ấn định ngày công chiếu trước khi có giấy phép phổ biến phim vừa vi phạm Pháp lệnh Quảng cáo vừa vi phạm Luật Điện ảnh. Các nhà sản xuất hay phát hành phim muốn không bị thiệt hại trước hết phải nghiên cứu và nắm vững các quy định của pháp luật, nhất là trong lĩnh vực mình kinh doanh, hành nghề. Thử hỏi nếu ở Mỹ hay ở các nước phát triển khác, anh làm sai luật thì người ta có "thông cảm" và cho qua cốt để cho anh được lợi không?

Còn với những bộ phim vi phạm, nếu Hội đồng cố ý làm sai luật để "cho qua" thì chắc chắn nhà sản xuất và phát hành bộ phim ấy sẽ vỗ tay ca ngợi Hội đồng, nhưng biết bao người sẽ chịu thiệt hại về tinh thần vì những phim như thế? Xã hội sẽ chịu tác động xấu như thế nào từ những phim kiểu này?

Ai cũng mong muốn cơ quan chức năng ngăn chặn thực phẩm bị nhiễm hóa chất độc, nhiễm bẩn vì chúng đầu độc sức khỏe con người. "Món ăn tinh thần" phim ảnh nếu chứa chất "độc", chất "bẩn" càng nguy hiểm hơn vì nó đầu độc tinh thần con người và lan nhanh ra cả xã hội. Như vậy, việc ngăn chặn có cần thiết không?
Cũng có ý kiến cho rằng Hội đồng khắt khe với phim Việt, dễ dãi với phim nước ngoài. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy, phim Việt Nam luôn được Hội đồng xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng. Hầu như chưa có phim Việt nào bị cấm phổ biến.

Bởi vậy, quyết định không cho phép phổ biến một bộ phim Việt Nam là điều cực chẳng đã, nhưng ngoài việc thi hành đúng luật, nó còn thể hiện sự tôn trọng những người làm điện ảnh đích thực và vì lợi ích của hàng triệu khán giả bỏ tiền mua vé xem phim!

Điều 11 Luật Điện ảnh về Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh
1. Tuyên truyền chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
2. Tuyên truyền, kích động chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; kích động bạo lực; truyền bá tư tưởng phản động, lối sống dâm ô, đồi trụy, hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục.
3. Tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước; bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại; bí mật đời tư của cá nhân và bí mật khác theo quy định của pháp luật.
4. Xuyên tạc sự thật lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, vĩ nhân, anh hùng dân tộc; vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Điều 9 Nghị định 54/2010/NĐ-CP. Những hành vi bị cấm trong hoạt động điện ảnh
1. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết phỉ báng, xúc phạm quốc huy, quốc kỳ, quốc ca, giá trị biểu trưng dân tộc, đất nước; miệt thị dân tộc, tôn giáo.
2. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện cảnh đánh đập, tra tấn, giết người dã man, khuyến khích tội ác, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án cái ác gắn với nội dung phim.
3. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết mang tính khiêu dâm, đồi trụy, loạn dâm, loạn luân trái với thuần phong mỹ tục.
4. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết thể hiện sự dung thứ hoặc đồng tình với tệ nạn xã hội, gây cảm giác hoảng loạn, mê muội trước các lực lượng siêu nhiên, ma quái.
5. Đặt tên phim gây phản cảm, thô tục.
6. Hình ảnh, âm thanh, lời thoại, chữ viết có nội dung trái pháp luật mà không thuộc quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này, trừ trường hợp nhằm phê phán, lên án các hành vi này.

Hạnh Phương