- Một người chơi ảnh Việt Nam đã chụp 80 bức ảnh từ góc chụp của hiện thực 2012 nhìn về thế kỉ 19, 20 -  dựa  theo ý tưởng của Jason E Powell (Mỹ) - nhiếp ảnh gia của phong trào "Looking into the past".

TIN BÀI KHÁC

Chưa đầy 1 năm kể từ tháng 9/2011, Nguyễn Xuân Khánh - một người chơi ảnh khá có tiếng với biệt danh Khánh H'moong, 31 tuổi sống tại thành phố Nha Trang - đã đi qua các địa danh nổi tiếng của Sài Gòn, Đà Lạt, Huế, Hội An, Quảng Trị. Anh bắt đầu chụp những bức ảnh "Looking into the past" lấy cảm hứng từ nhiếp ảnh gia Jason E Powell - người khởi xướng phong trào này với bức ảnh nổi tiếng chụp lại quang cảnh thành phố New York nhìn về phía tòa tháp đôi, trong sự kiện kỉ niệm 10 năm ngày 11/9.

"Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn năm 1882 khi chưa có 2 chóp mái".

Trò chuyện với phóng viên báo VietNamNet, anh Khánh cho biết kĩ thuật chụp ảnh không phải vấn đề cốt yếu. Quan trọng nhất là việc tìm kiếm địa điểm, thông tin, tìm hình cũ và xác định lại vị trí chuẩn của nó. Anh chọn hình dựa trên 3 yếu tố: Địa điểm, Tính lịch sử và Khung cảnh có sự thay đổi. "Hai yếu tố sau phải càng mạnh càng tốt, sự thay đổi phải càng nhiều càng tốt, để khi chụp lên có sự khác biệt".


"Nhà thờ Đức Bà khi đã đủ 2 chóp trên, ko rõ năm nào nhưng nhìn hình thấy cũng rất cũ rồi"

"Như bức ảnh tôi chụp nhà thờ núi ở Nha Trang và nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, phải tìm hình thật cũ, chọn lúc người ta đang xây. Trước khi chụp, tôi đến địa điểm thăm dò, xem có bị cản trở bởi nhà cửa, cây cối, cột điện .... xem có đứng được ở điểm đó hay không. Hồi xưa có thể người chụp đứng từ bãi đất hoang, bây giờ có nhà thì phải chịu thôi, phải chọn góc khác.

Chuyện vui là có những bức chụp khi đường Sài Gòn đông vào giờ tan tầm tôi phải nhờ bạn nhảy ra đường cản người ta. Cản thật luôn (cười). Rồi khi chụp cầu Trường Tiền ở Huế, đông đúc lắm, tôi canh lúc đèn đỏ nhảy ra giữa đường chụp hình. Lúc đó rất đông, các bạn kêu tôi liều. Chụp cái này không khó, có bạn bè đi theo vui
".

"Xe tăng của Cách Mạng ủi tung cửa Dinh Thống Nhất, Sài Gòn ngày 30/4/1975"

Yếu tố "làm khó" anh nhất khi chụp ảnh? Nguyễn Xuân Khánh cho biết: "Chọn góc chọn ống thì dễ, khó nhất là tính lịch sử của bức ảnh gốc. Hình không rõ nguồn gốc thì nhiều. Tôi lên mạng tra cứu tính lịch sử của nó từ cả nguồn Việt Nam và nước ngoài. Có những hình dễ như hình xe tăng ủi cổng dinh Độc Lập, có hình khó như bộ đội tấn công thành nội, tôi phải nghiên cứu thêm thông tin để khẳng định về tính lịch sử của nó.

Ví dụ như bức hình "Mã binh Huế", tôi phải tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau mới khẳng định đó là đội kị binh. Mỗi lần làm hình, tôi đều kĩ tính để đảm bảo tính xác thực. Năm của bức hình phải rõ ràng, còn bức nào không rõ niên đại tôi phải tham khảo nhiều nguồn, coi xem chính xác năm nào. Nếu không thể xác định đc thì tôi sẽ không đề năm
".

Có vẻ ngại ngần khi được hỏi về mục đích sâu hơn của anh khi chụp những bức ảnh này, ngập ngừng một chút, Khánh trả lời: "Nói điều này có vẻ hơi "sến", nhưng tôi không muốn giải thích nhiều về ảnh của mình trên Facebook, cũng bởi muốn người xem có thể tự cảm nhận, tự nhớ. Mấy người trẻ cấp 1, cấp 3 có thể hiểu thêm về lịch sử ngay tại địa điểm quen thuộc, hoặc những người đã quên thì được nhắc nhớ lại những thời khắc ấy. Đó là những thông điệp tôi muốn gửi, thông qua những bức ảnh. Còn kỹ thuật chụp ảnh thì không có gì hết, người bình thường cũng chụp được".

"Thiếu nữ Huế trên cầu Trường Tiền (khoảng những năm 60-70)"

Thời gian sắp tới, Nguyễn Xuân Khánh dự định sẽ chụp những bức hình "Looking into the past" tại Đà Nẵng và Hà Nội. Anh nói: "Tôi sẽ cố gắng làm càng nhiều hình càng tốt, tại càng nhiều tỉnh thành ở Việt Nam càng tốt. Tôi sẽ phải đi nhiều để thực hiện điều này. Tôi có dự định chụp hình xưa và nay cho bạn bè, với hình ảnh họ mặc những bộ đồ xưa".

Báo VietNamNet xin đăng tải 58 bức ảnh trong bộ ảnh 79 bức "Looking into the past" do Nguyễn Xuân Khánh thực hiện, tính đến tháng 4/2012. VietNamNet giữ nguyên phần ghi chú của tác giả.

Cổng thành cổ Diên Khánh

 Cầu Xóm Bóng (Nha Trang)

Tháp Nam Pônagar

Tháp Tây-Bắc Pônagar

Hướng nhìn ra cầu Trần Phú B (Nha Trang)

Cảng cá Nha Trang xưa & nay

Bãi tắm Hòn Chồng. Hồi xưa, hình như sau dãy dừa này là bãi giữ xe cho khách du lịch và nhà dân, bây giờ là đường Phạm Văn Đồng rộng lớn.

Công viên Yến Phi (Nha Trang)

Ngã ba Phan Bội Châu - Hai Bà Trưng (Nha Trang)

Đường Phan Bội Châu, dốc chợ Đầm. Khi xưa là các sạp tạp hóa, nay đã là các khu chung cư.

Góc ngã ba Đào Duy Từ - Thống Nhất xưa & nay

Nhà thờ Núi Nha Trang, giai đoạn đang xây dựng khoảng những năm đầu 1930.

Khách sạn Terminus, theo tiếng Pháp nghĩa là "Cuối Cùng", nay là trụ sở của phòng CSGT Khánh Hòa. Kiến trúc thời Pháp vẫn được giữ nguyên cho tới ngày nay. Chỉ có những ngôi nhà xung quanh là thay đổi.

Ga Nha Trang năm 1970. Kiến trúc vẫn ko thay đổi nhiều so với ban đầu, khi nhà ga được khánh thành vào năm 1936. Cái mới thấy rõ nhất có lẽ là chữ "GA NHA TRANG" thiệt to được làm thêm ở mặt tiền.


Đường Thống Nhất (Độc Lập xưa)

Ngã ba Thống Nhất - Yết Kiêu (gần lầu 7) năm 67/68

Nhà thờ Con Gà, Đà Lạt năm 1948





Bưu điện Thành phố với dãy xe hơi cổ đậu ở đăng trước. Không rõ năm chụp của bức hình.


Ga Đà Lạt năm 1948

Xí nghiệp Bản đồ Đà Lạt năm 1948. Công trình được xây dựng từ năm 1939 và hoàn thành năm 1943. Kiến trúc vẫn không thay đổi cho tới ngày hôm nay.

Trường Lycée Yersin năm 1948, nay là Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Trường được khởi công xây dựng vào năm 1927, hoàn thành vào năm 1935 nhưng trên tấm hình vẫn thấy chóp bút đang được xây dựng, không biết là đang được tu sửa hay xây mới.

Sân trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt

Sinh viên ngoại quốc trong sân trường CĐSP Đà Lạt

Mời độc giả đón xem 30 bức ảnh còn lại trong bộ ảnh "Looking into the past" - tác giả Nguyễn Xuân Khánh.

Hồ Hương Giang (thực hiện)