- Nhập siêu là cụm từ hay được sử dụng cho các ngành công nghiệp, hiếm dùng cho lĩnh vực văn hóa. Nhưng không khó để thấy Việt Nam hiện đang nhập siêu văn hóa rất mạnh, đặc biệt trong các lĩnh vực giải trí, nghe nhìn, phim ảnh, sách.... Truyện tranh chỉ là một trong số đó.

TIN BÀI KHÁC
Ngỡ ngàng trước phác thảo truyện tranh VN
Câu chuyện tuyệt đẹp ở xứ sở truyện tranh

Độc giả 80 tuổi thích truyện tranh Việt Nam

Nhập siêu văn hóa ở VN

Khái niệm nhập siêu văn hóa bắt đầu được sử dụng một cách hiếm hoi tại Việt Nam khoảng từ năm 2009. Theo quan sát, trên thế giới, khái niệm "Trade deficit in 'culture goods'", hay "Culture trade deficit" cũng chỉ bắt đầu được nhắc đến sau năm 2000. Và cho đến hiện tại, nó vẫn chưa phải là một khái niệm phổ thông. Có lẽ bởi thị trường Âu Mỹ - vốn ham nghiên cứu về các khái niệm học thuật mới - không phải là một thị trường dễ bị xâm lăng văn hóa. Bởi vậy đây chưa phải là vấn đề khiến họ phải mó tay.

Tại Việt Nam, từ sau thời mở cửa, văn hóa Âu Mỹ tràn vào chiếm lĩnh các lĩnh vực âm nhạc và điện ảnh những năm 90s. Nối gót sau đó là sự nổi lên của các bộ phim truyền hình Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc. Cuối những năm 90 sang đầu thế kỉ 21, làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc, thời trang Hàn Quốc, bước vào giường ngủ của mọi gia đình cùng với các bà nội trợ. Cùng thời điểm này, truyện tranh Nhật Bản bắt đầu xây "đại lộ" cho mình từ các mũi nhọn như Doraemon, Bảy viên ngọc rồng, Thủy thủ mặt trăng... nhắm vào giới trẻ, kéo theo cả một trào lưu cosplay mạnh mẽ.

Nhập siêu văn hóa và xâm thực văn hóa ảnh hưởng mạnh lên giới trẻ (Ảnh minh họa)

Tình trạng này đã kéo dài hơn 20 năm qua, Việt Nam tiếp tục nhập siêu các dòng sản phẩm văn hóa đại chúng, bao gồm: âm nhạc đại chúng, phim truyền hình, phim điện ảnh, sách và truyện tranh....

Xét trên lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật, có thể nói, chỉ có nhóm underground, múa đương đại Việt Nam và âm nhạc cổ điển trình diễn là đủ nội lực để không bị 'lép vế' so với nhiều quốc gia trên thế giới.

Để biết các sản phẩm văn hóa Việt Nam ít ỏi như thế nào, có thể nhìn vào thị trường điện ảnh vốn được xem là khá sôi động và đã có một vài thành tích. Qua báo chí năm 2011, một nhà hoạt động điện ảnh đã đưa ra con số: "Chỉ có 0, 14 phim cho 1 triệu dân Việt Nam, trong khi Malaysia là 1 triệu dân/1 phim, Hàn Quốc 1 triệu dân/2 phim. Tỷ lệ cho biết số lượng phim truyện do Việt Nam sản xuất quá ít. Một đất nước 86 triệu dân mà mỗi năm chỉ sản xuất được trên 10 phim truyện là có vấn đề".

Ở thị trường truyện tranh, con số này còn khủng khiếp hơn nhiều.

Chưa đến 1% truyện tranh xuất xứ Việt

Tại thị trường sách nói chung, số lượng các tác phẩm văn học Việt rất nhỏ bé so với nguồn tri thức và giải trí nước ngoài đổ về, nhưng nếu so với truyện tranh, thì xem ra vẫn là một lĩnh vực đáng-tự-hào.

Một nhà xuất bản thuộc hàng mạnh nhất về dòng sách thiếu nhi, truyện tranh như NXB Kim Đồng, mỗi năm cho ra đời khoảng 50 bộ truyện tranh nước ngoài mới, bên cạnh đó, truyện tranh Việt chỉ 2-3 đầu sách. Tỉ lệ này quả thật như muối bỏ biển. Nhưng vẫn còn có dấu hiệu tích cực hơn so với một số đơn vị khác như NXB Trẻ, TVN, Vàng Anh ... số truyện tranh nước ngoài gần như chiếm 100%.

Truyện tranh nước ngoài chiếm đa số

"Tỉ lệ truyện tranh Việt Nam có lẽ chưa đến 1%, nếu có cũng chỉ là truyện tranh dành cho lứa mẫu giáo, cấp 1" – một độc giả lâu năm trong thể loại này cho biết.

Nhắc đến cụm từ "tỉ lệ truyện tranh VN", giám đốc một đơn vị xuất bản truyện tranh cười lớn: "Làm sao có thể thống kê số lượng được? Số lượng truyện tranh Việt Nam đếm được trên đầu ngón tay. Còn số lượng truyện tranh nước ngoài thì không đếm xuể. Nói vui là, đơn vị A thì làm "tay sai" cho truyện Trung Quốc, đơn vị B làm "tay sai" cho truyện Nhật Bản, đơn vị C làm "tay sai" cho truyện Hàn Quốc....Cứ thế mà in, bán”.

Bên cạnh số truyện tranh được mua bản quyền hợp pháp, lượng truyện tranh lậu còn lớn hơn gấp nhiều lần.  Và đương nhiên, chẳng đơn vị lậu nào thèm làm truyện tranh Việt. Tình trạng này tiếp tục đẩy truyện tranh Việt vào thế  “lép vế” hoàn toàn. Mặc dù nguồn cầu của truyện tranh không hể nhỏ.

Truyện tranh bán nhanh hơn truyện chữ

Có lẽ phải quay ngược lại một câu hỏi, sách có thật sự là một dòng văn hóa phẩm khó bán? Câu trả lời có lẽ là không. Bởi các dòng sách giải trí bao giờ cũng bán khá tốt - là nguồn nuôi sống cho doanh nghiệp. Sự "ế ẩm" nếu có, thường nằm ở các dòng sách giàu tri thức và trí tuệ.

Ở Việt Nam hiện tại, đối với thị trường sách, truyện tranh hoàn toàn có tiềm năng. Qua thăm dò, giới kinh doanh trong nghề nhận xét: "Truyện tranh bán nhanh hơn truyện chữ. Nhu cầu độc giả ở thể loại sách này cũng cao hơn, do vừa có tính giải trí, vừa ít chữ và dễ đọc".

Bộ truyện Conan tập mới nhất có lượng ấn bản lên tới con số 50.000

Để duy trì nguồn vốn, không ít đơn vị phát hành sách đã chọn việc mở rộng đầu sách xuất bản sang truyện tranh để "hồi vốn" làm truyện chữ và đa dạng hóa dòng sản phẩm.  Cách đây hơn 1 năm, giám đốc một công ty sách từng thổ lộ, anh chuẩn bị làm truyện tranh, bởi đây là thị trường có lợi nhuận tốt.

Nếu như ở thị trường truyện chữ, giá cả trung bình của mỗi cuốn sách cao hơn, cũng khiến người tiêu dùng có nhiều băn khoăn hơn, thì ở truyện tranh, một bộ truyện tranh thông thường có thể gồm từ 3 đến hàng chục tập, với giá bìa mỗi tập khoảng 15.000 Đ. Mỗi tập truyện có tiếng thường được bán hết ngay trong 1 đến 2 tuần, số lượng từ 3.000 - 5.000 bản. Hết tập này, độc giả lại hồi hộp chờ tập mới.

Tính giải trí cao, đọc nhanh, truyện ra hàng tuần theo các tập với tình tiết nối tiếp..., khiến truyện tranh như thể một bộ phim truyền hình gay cấn, giàu hình ảnh tưởng tượng, thuận tiện mang theo trên tay bất cứ lúc nào. Những lợi điểm này khiến các đầu truyện tranh thi nhau ra đời với hàng trăm nghìn đến cả triệu ấn bản mỗi năm, mà vẫn chưa đáp ứng hết sức cầu của độc giả trẻ tuổi.

Và nhìn vào bức tranh toàn cảnh, thị phần béo bở ở một nước đông dân như Việt Nam, chẳng dành cho sáng tạo Việt, và văn hóa Việt.

  • Hồ Hương Giang

Đón đọc: Trẻ em thoải mái đọc truyện tranh 18+? (Bài 2)