– Câu trả lời cho sự tung hoành của truyện tranh ngoại ở thị trường Việt
Nam trong hơn 10 năm trở lại đây chính là vì Việt Nam chưa có một nền
truyện tranh.
CHUYÊN ĐỀ TRUYỆN TRANH VN
Chưa đến 1% truyện tranh ở VN có xuất xứ Việt (Bài 1)
Phóng viên VietNamNet có cuộc trò chuyện với anh Hoàng Minh Quân - đại diện truyền thông của NXB Kim Đồng – đơn vị xuất bản có truyền thống lâu đời về ấn phẩm dành cho thiếu nhi; chị Phan Thị Mỹ Hạnh – GĐ công ty Phan Thị - công ty duy nhất tại VN chỉ sản xuất truyện tranh Việt; và Nguyễn Thành Phong – họa sĩ đoạt giải đặc biệt tại cuộc thi “Liên hoan Truyện tranh và hoạt họa trẻ châu Á” cuối tháng 8/2011 tại Trung Quốc.
Hoàng Minh Quân - Nguyễn Thành Phong - Phan Thị Mỹ Hạnh |
Con số “khủng”: 100.000 ấn bản cho một tập Conan
Tại sao truyện tranh nước ngoài lại chiếm số lượng lớn áp đảo như vậy trong xuất bản?
- Hoàng Minh Quân: Việc mua bản quyền, in và xuất bản truyện tranh nước ngoài xuất phát từ cầu của thị trường độc giả trẻ.
Số lượng bán một cuốn truyện tranh Nhật Bản rơi vào khoảng từ 2.000 bản cho bộ thường, bộ ăn khách từ 5.000 đến 10.000 bản. Những cuốn như “Thám tử lừng danh”, “Doraemon” bán được 10.000 bản là bình thường, những tập Conan mới nhất có thể bán tới 50.000 bản. Tập 74 của bộ truyện tranh này in 100.000 bản.
Nhưng với truyện tranh Việt, con số 2.000 bản đạt được sẽ là khó khăn hơn rất nhiều, bán cũng chậm hơn.
Đại diện truyền thông NXB Kim Đồng - Hoàng Minh Quân |
- Nguyễn Thành Phong: Truyện tranh nước ngoài nhiều cũng do nguồn truyện VN chưa ổn định. Thời gian là một yếu tố rất quan trọng với truyện tranh. Một bộ truyện mới thì phải mất rất nhiều năm đầu tư, vẽ vời.
Ngay ở nước ngoài, độc giả cũng phải chờ rất lâu với các tác phẩm mới, 3-4 tháng mới có một tập. Các truyện kinh điển như Doraemon, Conan... có thể dễ dàng ra định kì do chúng gần như đã được xuất bản hết ở Nhật, số lượng truyện lưu trữ rất lớn.
Một yếu tố nữa, đó là độc giả hiện nay đã quá quen với manga, để họ chấp nhận được truyện tranh VN đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của các họa sĩ trong nước.
“Rủi ro cao khi làm truyện tranh Việt Nam”
Vậy lý do gì khiến một công ty tư nhân như Phan Thị chỉ chuyên làm truyện tranh Việt. Có phải là “không biết lượng sức”?
- Phan Thị Mỹ Hạnh: Tôi muốn khẳng định rằng người Việt có thể làm truyện tranh. Khi tiếp xúc với truyện tranh nước ngoài, tôi nhận thấy họa sĩ của mình có thể nắm bắt về kỹ thuật, từ đó có thể phát triển được. Thông qua truyện tranh, tôi muốn truyền tải văn hóa, lịch sử dân tộc, những hình ảnh đẹp về Việt Nam... vốn đã được người nước ngoài yêu thích qua tranh lụa.
Ngoài ra tôi phải tuân thủ các quy tắc mà nước ngoài đã làm thành công về tuyến nhân vật, diễn hoạt, các kỹ thuật truyện tranh....
Bộ truyện “Thần đồng Đất Việt” thành công, được bạn đọc yêu mến hơn 10 năm nay khiến chúng tôi rất tự hào. Chúng tôi đã mở rộng thêm Thần đồng Đất Việt khoa học, Thần đồng Đất Việt toán học, Thần đồng Đất Việt mỹ thuật… từ đó quyết định lựa chọn con đường duy nhất là truyện tranh Việt.
Mức đầu tư cho một bộ truyện tranh VN như thế nào, thưa chị?
- Phan Thị Mỹ Hạnh: Chi phí để cho ra đời một bộ truyện tranh Việt đắt hơn mua bản quyền sẵn của truyện nước ngoài. Thời gian để thực hiện cũng dài hơn và rủi ro hơn gấp nhiều lần.
Tổ chức đầu tư một bộ truyện tranh như “Thần đồng Đất Việt”, không chỉ có tiền là được, là đủ. Làm truyện tranh đòi hỏi tính trách nhiệm và kỷ luật rất cao ở từng người, từng công đoạn – nhưng tính kỷ luật gần như là sự “xa xỉ” với họa sĩ Việt Nam. Đây là một rủi ro.
Kế đến là kinh phí. Không chỉ tính tới chi phí thực hiện mà cũng phải tính đến chi phí PR sau khi có truyện. 10 năm trước chúng tôi chỉ mới có 8 tập truyện Thần Đồng Đất Việt. Giá mỗi truyện lúc đó là 4.800 Đ, số lượng in là 10.000 bản cho mỗi tập, chiết khấu cho đại lý là 15% - nhưng đã cắn răng chi hơn 100 triệu cho việc tạo ra sự kiện ra mắt “Thần đồng Đất Việt”.
Vậy có gì hơn khi mua bản quyền nước ngoài?
- Phan Thị Bích Hạnh: Mua bản quyền nước ngoài thì chỉ có quyền thương mại trong một thời gian nhất định, ngoài ra không thể sử dụng hình ảnh truyện cho mục đích khác hoặc bán truyện trên phiên bản khác.
Với truyện Việt, sau khi có được tác phẩm thì công ty tổ chức đầu tư là chủ sở hữu và có toàn quyền sử dụng dưới mọi hình thức. Hiện nay chúng tôi cũng đang dự kiến xuất khẩu, và đã tiến hành phát hành phiên bản điện tử cho “Thần đồng đất Việt”.
Nhu cầu có thể đến từ các bạn nhỏ Việt Nam sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, có nhu cầu tìm hiểu về cội nguồn văn hóa. Chúng tôi đang chuẩn bị đưa "Thần đồng..." lên App Store (Apple Store), thông qua thế giới phẳng để xuất khẩu truyện được dễ dàng. Công nghệ hiện nay rất thuận lợi, thế giới xuất bản qua hình thức này rất nhiều, nên chúng tôi sẽ không bỏ qua thị trường này. Các NXB khác thì không có điều kiện như vậy vì họ chỉ mua truyện tranh nước ngoài về.
GĐ công ty Phan Thị - chị Phan Thị Mỹ Hạnh |
Tôi cho rằng bán truyện tranh nước ngoài hay truyện tranh VN thì cũng như nhau thôi. Nếu mình quyết tâm, thì phải nghĩ ra để làm được sản phẩm tốt bằng cách lồng ghép các câu chuyện hay, sau đó nhiều cách thức để PR. Cuối cùng, điều mà chúng tôi tự hào vẫn là mình có được một bộ truyện tranh Việt nổi bật, đã làm được một điều gì đó.
Họa sĩ tự bơi, tìm đường cho truyện Việt
Các hình thức hỗ trợ của NXB dành cho họa sĩ truyện tranh VN như thế nào? Họ có thể sống được bằng nghề vẽ không?
- Hoàng Minh Quân: Chỉ khi người ta sống được bằng công việc đó thì nó mới được gọi là một nghề. Hiện nay, ở VN rất hiếm có họa sĩ truyện tranh; chỉ mới có họa sĩ thôi. Phần lớn họ đi làm minh họa, vẽ bìa...để kiếm sống.
Chúng tôi vẫn hỗ trợ các họa sĩ có bộ truyện bằng cách đặt hàng. Khi họa sĩ truyện tranh được đặt hàng, có nghĩa là tác phẩm của họ chắc chắn sẽ được in, chắc chắn sẽ được trả tiền.
Họa sĩ Đào Hải có thể nói là một tác giả sống được bằng truyện tranh. Tiền bản quyền của Kim Đồng dành cho bộ "Tí quậy" rất cao. Ngoài tiền nhuận bút, mỗi lần tái bản sách, tác giả cũng đều được trả tiền bản quyền.
- Nguyễn Thành Phong: Tôi nghĩ rằng nếu chỉ làm truyện tranh tôi hoàn toàn có thể sống được. Tất nhiên hiện nay tôi còn làm các dự án khác nữa, nhưng nhận định “nghề phải là thứ giúp người ta sống được” khá đúng. Hiện tại có rất ít người có thể sống được bằng truyện tranh như nhóm B.R.O (Sài Gòn).
Ưu tiên của NXB cho các tác giả Việt Nam là gì?
- Hoàng Minh Quân: Khi tác giả gửi tác phẩm đến Kim Đồng, đầu tiên nó sẽ được thẩm định và liên hệ lại với tác giả. Nếu tác phẩm tốt có thể trao đổi, chỉnh sửa để in - Nếu tác phẩm chưa tốt mà tác giả có tiềm năng thì liên hệ để hỗ trợ kịch bản hoặc hỗ trợ về nét vẽ.
Đa số các họa sĩ có tiềm năng thì đều được Kim Đồng mời cộng tác, tùy theo các mức độ yêu cầu của NXB; có thể đặt hàng truyện tranh hoặc mời làm minh họa, khai thác tiềm năng của các bạn. Thực ra rất ít sản phẩm lần đầu tiên gửi đến có thể dùng được ngay. Nhưng khi các họa sĩ trẻ có cơ hội được làm việc, hoàn thiện khả năng của mình thì cũng là có lợi cho các NXB nói chung.
Nhiều bạn trẻ hiện tại đang hiểu lầm là NXB không chịu in truyện tranh VN, chỉ in truyện tranh nước ngoài vì truyện tranh nước ngoài kiếm được tiền. Đồng ý là làm truyện tranh nước ngoài có doanh thu, nhưng không nên vì thế mà quy kết là NXB không ủng hộ truyện tranh VN. Các bạn phải có sản phẩm - dù tốt, dù tệ cũng nên gửi đến các đơn vị xuất bản; họ sẽ có phản hồi lại cho các bạn.
Các họa sĩ truyện tranh không nên ỷ lại, mà cần phải chủ động hơn. Bởi nếu bạn vô danh, không một NXB nào đủ quan tâm sâu sát để tự tìm đến đặt vấn đề với bạn được. NXB vẫn chờ đợi tín hiệu từ các họa sĩ.
- Nguyễn Thành Phong: Truyện tranh VN đang tiến triển theo hướng rất khả quan. Trước đây có thể chỉ có một vài tác giả cứng tay, nhưng tại triển lãm truyện tranh vừa rồi, có nhiều người đạt được như vậy, cách thể hiện trong truyện cũng tốt hơn rất nhiều.
Chúng tôi muốn được ủng hộ nhiều hơn từ phía NXB và độc giả; nhưng cốt yếu vẫn là động lực chủ quan từ phía người sáng tác - họ phải có đủ sự cố gắng và đầu tư để có được thị trường trước truyện tranh Nhật Bản.
Hiện tại, có thể nói Việt Nam đã có một nền truyện tranh chưa?
- Phan Thị Mỹ Hạnh: Việt Nam thực sự chưa có một nền truyện tranh. Nhưng nếu vin vào điều đó mà chúng ta không làm, các NXB lớn không làm, thì đến bao giờ mới có? Câu chuyện nhập siêu sẽ tiếp tục đến khi nào? Nếu không bắt đầu xây dựng thì mãi mãi sẽ không có được.
Để có một nền công nghiệp thì phải có một thực thể thống nhất từ trên xuống dưới, có quy hoạch đàng hoàng - chứ không phải cứ có nhiều truyện tranh là có một nền công nghiệp.
Hiện tại các họa sĩ vẫn tự bơi, tự tìm đường cho mình, NXB nào cho in thì in.... như thế dù có 1 Phan Thị hay 10 Phan Thị cũng không thể có một nền truyện tranh được.
Nguyễn Thành Phong - tác giả truyện tranh |
- Hoàng Minh Quân: Chúng ta chưa có nền truyện tranh, chưa có phong cách truyện tranh Việt - ngay cả ở thời điểm này cũng vậy. Muốn có thì phải bắt đầu xây.
Sau mỗi lần festival truyện tranh được tổ chức, chất lượng sản phẩm đều tăng. Trong 2 lần tổ chức đầu tiên năm 2010 và 2011, chúng ta còn không có sản phẩm truyện tranh để trưng bày. Lúc đó chỉ là tranh minh họa, nhưng đến năm nay đã có sự tiến bộ vượt bậc về chất, đã có sản phẩm truyện tranh thực sự.
Ở một mức độ nào đó, các bạn nước ngoài cũng rất bất ngờ trước trình độ của họa sĩ Việt Nam. Bản thân họa sĩ Bỉ Jean-Clause cũng rất ngạc nhiên trước nét vẽ của các bạn, rất độc đáo. Đừng vội nói đến phong cách khi chúng ta chưa có một cái nền cho truyện tranh, hãy chỉ xem xét rằng sản phẩm đã đáng để độc giả bỏ tiền ra mua chưa? Tôi nghĩ rằng đã bắt đầu đáng rồi đấy!
Một cuốn truyện Doraemon giá 16.000, một cuốn “Tí quậy” của tác giả Đào Hải giá 40.000, nhưng các bậc phụ huynh vẫn sẵn sàng mua cho con. Đây là tín hiệu vui!
- Nguyễn Thành Phong: Tôi không cho rằng phải chờ 10 năm nữa mới có nền truyện tranh VN; có lẽ chỉ 5-6 năm nữa thôi. Bởi quá trình quay trở lại của truyện tranh VN đã bắt đầu.
Tôi nói "quay trở lại", bởi sự hình thành này đã có từ sau năm 2000 với “Thần đồng đất Việt”. Tiếp sau đó, từ 2004-2005 có thêm nhiều bạn trẻ muốn theo đuổi nghề vẽ truyện tranh, bản thân Phong Dương cũng bắt đầu trong giai đoạn này. Chắc sẽ mất khoảng 10 - 15 năm để lứa tác giả này trưởng thành, ổn định và sống được bằng nghề đó. Dần dần, sẽ thu hút được thêm nhiều người muốn tham gia.
(Còn tiếp)
Tại sao lại cần phải quan tâm đến truyện tranh - nó có vai trò như thế nào trong văn hóa đọc? Tại sao truyện Việt lại bị ảnh hưởng bởi phong cách manga? Tại sao khâu kịch bản của chúng ta yếu kém? Chính phủ cần hành động gì trước vấn nạn nhập siêu văn hóa? …Mời độc giả tiếp tục theo dõi câu trả lời trong phần 2 của cuộc trò chuyện, cũng là bài kết cho chuyên đề truyện tranh: Bao giờ chị Dậu hết giống nữ sinh Nhật? (Bài 4)
- Hồ Hương Giang (thực hiện)