- "Nụ hôn" xuất hiện tại Hà Nội là một bản in khổ nhỏ, màu sắc trông thật buồn, khiến nhiều khán giả vô cùng thất vọng và hụt hẫng.

TIN BÀI KHÁC


Thông tin về buổi triển lãm kỉ niệm 150 năm ngày sinh của danh họa người Áo Gustav Klimt đã lan truyền nhanh chóng, gây háo hức lớn cho những người hâm mộ "Nụ hôn" và bút pháp tuyệt vời của họa sĩ này.

Có lẽ có ít dịp mà báo chí trong nước quan tâm đến một buổi triển lãm của một nhà hội họa đến như thế.  Trước khi khai mạc, nhiều báo đã đưa tin bài về buổi triển lãm đến mức có thể tìm kiếm trên Google đến trang thứ 7.

Một số tờ báo đã đưa tin về sự kiện với tiêu đề đầy háo hức "Tranh của Gustav Klimt tại Hà Nội", "Cơ hội chiêm ngưỡng các họa phẩm của Gustav Klimt".  Có độc giả ở tận Tp HCM đặc biệt tiếc nuối vì bỏ lỡ dịp chiêm ngưỡng "The Kiss" bởi triển lãm chỉ diễn ra tại Hà Nội.

Bức họa "Nghệ thuật Ai Cập" (bản in) tại triển lãm Gustav Klimt (Hà Nội)

Trước đó, nhiều độc giả quan tâm đã thắc mắc và hy vọng không biết có được thưởng thức các tác phẩm nguyên gốc? Phần lớn các câu trả lời đều cho rằng khó có cơ hội được thưởng thức một nguyên bản của Klimt, có lẽ chỉ là phiên bản hoặc tranh in khổ lớn.

Nhưng rốt cục, "Nụ hôn" xuất hiện tại Hà Nội là một bản in khổ nhỏ, màu sắc trông thật buồn.


Chụp lại bản in của "Nụ hôn" trong phòng triển lãm

Triển lãm kỉ niệm 150 năm ngày sinh của Klimt đúng ra là một buổi triển lãm thông tin, chứ không phải một buổi triển lãm tác phẩm hội họa của danh họa này. Có lẽ đó là lý do vì sao triển lãm được tổ chức tại Thư viện Hà Nội, chứ không phải tại Bảo tàng Mỹ thuật.

Lẽ ra BTC nên đưa thông tin chính xác hơn để khán giả khỏi mừng hụt. Thay vì tựa gốc mang nghĩa chung chung: "Triển lãm kỷ niệm 150 ngày sinh của danh họa người Áo Gustav Klimt”, có thể dẫn đúng nội dung hơn: "Triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của Gustav Klimt"....

Phần an ủi cho những người tham gia triển lãm, đó là họ được thưởng thức thông tin về cuộc đời và sự nghiệp của Gustav Klimt một cách khá đầy đủ, được đảm bảo tính chính xác từ ĐSQ Áo. 15 tấm pano đã đưa tin về nhiều phần trong cuộc đời lao động nghệ thuật phong phú của ông với nhiều nội dung thú vị. Ngoài ra có 4 bức tranh quan trọng trong sự nghiệp được in để trưng bày riêng. 

Emilie Floge là người mẫu cho bức họa nổi tiếng nhất của Klimt "Nụ hôn". Ông cũng bất tử hóa hình tượng của mình trong tác phẩm này và đặt tên là "Cặp tình nhân".

Ý tưởng của Klimt về tình yêu lý tưởng và tình yêu vĩnh cửu không nằm ở khía cạnh mê đắm dục tình, mà ở một cái ôm dịu dàng. Các nhân vật trong tranh ăn vận kín đáo, quần áo được trang trí nhiều họa tiết, họ đứng trên một đồng cỏ đầy hoa, nổi bật trên nền tranh đơn sắc.(Ảnh Kathleen)

Một số hình ảnh tại triển lãm về danh họa nổi tiếng:

"Ba giai đoạn của đời người" - Một bức họa cũng rất nổi tiếng khác của Klimt

Bức họa "Adele"- Klimt

Người ta nói: "Không một họa sĩ nào của Viên lại có thể đáp ứng mong muốn được trở nên quý phái của giới tư sản thành Viên một cách tinh vi hơn Gustav Klimt. Và cũng không ai khác ngoài ông có thể đi trên đường ranh giới mỏng manh giữa hai yếu tố mỹ thuật trang trí và tình dục (eroticism) một cách tài tình đến vậy.




"Tranh tường Beethoven" - một dự án gây chú ý của Klimt

Loạt tranh trong dự án vẽ tranh cho các khoa của Đại học Viên - một dự án gây tranh cãi

Hygenia, Chi tiết của Y khoa - một bức tranh tuyệt đẹp nằm trong dự án này

Phác thảo "Người phụ nữ ngồi". Klimt có biệt tài trong việc họa lại hình ảnh người phụ nữ rất giàu tính nữ.

Một bức phác thảo khác của Klimt. Một số tranh phác thảo phụ nữ của ông gây tranh cãi bởi việc mô tả lại các bộ phận kín.


Sau nhiều lần bị chỉ trích với tranh vẽ người, có thời gian Klimt chuyển sang vẽ phong cảnh. Những bức vẽ của ông gợi lại cảm bình yên, sâu lắng, một số bức có ảnh hưởng của Van Gogh

Tranh thiết kế, trang trí của Klimt cũng rất độc đáo

Một khán giả nhỏ tuổi chụp ảnh bức "Adele"



Triển lãm sẽ kéo dài hết ngày 24/06/2012 tại Thư viện quốc gia, Hà Nội

Vân Sam
Ảnh: Angellittlefire