- NTK Sĩ Hoàng cho rằng không có lý do gì mà đem ra xem đi xét lại chuyện chọn Áo dài là Quốc phục.
Các nguyên thủ quốc gia mặc áo dài trong hội nghị cấp cao APEC
Phóng viên: - Dư luận đang nóng lên về chuyện nên chọn Quốc hoa, Quốc phục, Quốc tửu như thế nào. Là một nhà thiết kế áo dài nổi tiếng, anh có quan tâm đến những ý kiến xung quanh việc Quốc phục thời gian qua không?
NTK Sĩ Hoàng: - Không phải đợi đến bây giờ tôi mới nghĩ đến chuyện chọn Quốc phục. Bản thân tôi đã chủ động trong việc thiết kế những đề xuất về bộ Quốc phục cách đây hơn 10 năm. Người chia sẻ điều này với tôi rõ nhất là Đại sứ VN tại Singapore, ông Nguyễn Trung Thành. Ông là vị Đại sứ VN đầu tiên mặc Quốc phục VN để trình Quốc thư khi nhận nhiệm kỳ mới của mình. Những khi có dịp công tác vào Sài Gòn trước đây hoặc khi có dịp nghỉ phép về VN khi đã nhận nhiệm vụ Đại sứ VN tại tại Singapore, khi gặp nhau, câu chuyện của chúng tôi cũng chỉ xoay quanh đề tài Quốc phục của VN.
Tại những sự kiện ngoại giao quốc tế luôn có các buổi gala dinner và họ luôn yêu cầu các vị khách mặc Quốc phục của mình mà mình gần như không có. Về trách nhiệm của một người làm nghề, không phải vì tôi làm áo dài nên muốn ai cũng mặc áo dài thương hiệu Sĩ Hoàng mà đây là chuyện ý thức về văn hoá mặc truyền thống của người VN. Trong lĩnh vực đối ngoại, trên thế giới người ta rất xem trọng vấn đề này. Nhưng trong suốt thời gian ấy tôi cũng không thấy ai nhắc nhở hay phản hồi về chuyện chọn Quốc phục nên có lúc tôi cho rằng mình đã nghĩ đến chuyện này quá sớm hay thời điểm không phù hợp chăng?
Những hội nghị APEC hay ASEM thường thường tổ chức ở nước nào thì sẽ mặc trang phục của nước đó như quà tặng cho các vị nguyên thủ. Những lúc đó tôi cũng muốn được tham gia nhưng không biết kêu ở đâu hay nói thế nào vì không khéo người ta nghĩ tôi thế này thế khác. Bây giờ, khi chuyện Quốc phục rộ lên thì tôi lại cảm thấy bình thản, không hào hứng nữa.
Cách đây vài ngày khi được mời tham dự vào một buổi thảo luận về chuyện chọn Quốc phục tôi đã rơi vào tâm lý rằng có khi ngồi bàn rồi cũng chẳng đi đến đâu. Vì điều quan trọng ở đây không phải là tìm ra một mẫu, cũng không phải chuyện tìm ra chất liệu cho tương xứng mà vấn đề đó phải là một chủ trương được quy thành luật của Nhà nước, một văn bản chính thức của Vụ Lễ tân. Nói chung đó phải là một quy định như việc học sinh hay người đi làm phải mặc đồng phục chứ không phải là quy định nhất thời cho một sự kiện nào rằng ta phải mặc cái áo cho tương xứng rồi làm cho xong chuyện.
Chính vì thế tôi rơi vào tâm trạng chờ xem sao. Ở đây có một điều lạ là trong đời sống bình thường của người dân họ rất có ý thức về chuyện mặc Quốc phục. Ví dụ như trong lễ đính hôn của một người nam và người nữ trước sự chứng kiến của dòng tộc, trước bàn thờ tổ tiên họ luôn có ý thức mặc Quốc phục. Ngay cả những cô dâu Việt khi lấy chồng nước ngoài cũng có ý thức mặc Áo dài khăn đóng. Trong khi đó ở một tầm vĩ mô thì chúng ta dường như còn e ngại chuyện gì đó. Tôi chỉ nhận thấy rằng những gì được gọi là giá trị truyền thống, là tinh hoa của dân tộc, của đất nước về văn hoá, nghệ thuật, lịch sử lại được giữ trong dân tốt hơn.
Trước đây nếu như tôi làm nghề đơn giản vì cơm áo gạo tiền và có thêm thu nhập từ việc giảng dạy thì từ năm 1989, khi được góp mặt trong chương trình Những ngày Việt Nam tại nước ngoài với trách nhiệm đuợc giao là diễn áo dài, tôi đã ý thức rằng mình không chỉ giới thiệu và bán áo dài nữa mà đang góp phần vào chuỗi giá trị về văn hoá mặc của người Việt.
Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền trong trang phục của NTK David Minh Đức
- Anh cho rằng bàn đến chuyện chọn Quốc phục bây giờ đã là muộn?
- Hơn 10 năm trước tôi cũng đã đề nghị chuyện chọn Áo dài làm Quốc phục và người biết rất rõ điều đó là Đại sứ VN tại Singapore. Tôi nhớ trước lúc trình Quốc thư lên Thủ tướng Singapore, anh Thành đã gọi điện cho tôi hỏi cách mặc có gì sơ suất không. Sau đó anh có kể cho tôi rằng anh cảm thấy rất tự hào vì Thủ tướng Singapore xúc động khi một Đại sứ của VN mặc quốc phục VN để trình Quốc thư. Nghe anh kể mà ở ngồi ở VN tôi cũng rưng rưng.
Một giá trị như thế mà vẫn chưa được chấp nhận. Trong khi Áo dài là văn hoá từ bao đời của ông cha mình rồi thì hà cớ gì phải đem ra xem đi xét lại. Vấn đề là chọn kiểu gì cho nó phù hợp thôi. Cũng như chuyện chọn trang phục cho các nữ tiếp viên của hàng không VN vậy, dứt khoát là chọn Áo dài chứ không gì khác. Vấn đề là màu sắc, chất liệu sao cho phù hợp và tà áo hay cái quần đi kèm phải làm sao cho phù hợp với những người phục vụ trên máy bay nhất. Việc cần bàn chỉ là kỹ thuật cắt may thôi.
- Vậy trong trường hợp đã chọn được Quốc phục rồi và các NTK được huy động tham gia thiết kế thì anh có tham gia?
- Với trách nhiệm của một công dân thì tôi sẵn sàng tham dự. Nhưng đó là khi không còn bàn cãi về chuyện nên hay không Áo dài và vấn đề còn lại chỉ là chọn kiểu gì thôi thì tôi sẽ tham gia. Mà nếu còn lời ra tiếng vào rằng thôi, thời đại này còn mặc Áo dài thì thôi. Vì nhiều khi cái tâm, cái lòng của nhiều người rất muốn nhưng chỉ cần có một người phá một câu là dẹp luôn. Mà ở đây chúng ta hay gặp chuyện đó lắm.
- Anh thấy việc chọn Quốc phục có ý nghĩa như thế nào?
- Tôi nghĩ khi đã là thế giới phẳng, đã hội nhập rồi thì cái chúng ta phải cần giữ là đừng để hoà tan. Một trong những điều để giữ cho chúng ta không bị hoà tan chính là văn hoá mà ở đây Áo dài đã trở thành biểu tượng của văn hoá rồi chứ không còn là điều gì chung chung nữa.
- Áo dài của anh đã từng được triển lãm rất nhiều tại nước ngoài hay được giới thiệu tại rất nhiều sự kiện ngoại giao quan trọng hoặc các tuần lễ văn hoá VN tại nước ngoài. Ý nghĩa của Quốc phục khi xuất hiện tại các sự kiện có tính chất giao lưu Văn hoá ở ngoài biên giới VN?
- Tôi nghĩ nó cần dung hoà giữa yếu tố truyền thống và hiện đại. Bản thân tôi cũng có mấy bộ áo dài để mặc trong những sự kiện như vậy. Hiện tôi cũng đã thiết kế ra những bộ kiểu Áo dài nhưng kỹ thuật được dựng theo kiểu dựng của áo vest. Kiểu áo vest khắc phục được nhiều ưu điểm của người mặc mà các vị quan chức thì  bụng hơi to, người đậm. Áo dài kiểu này vẫn rất lịch sự và rất đẹp dù dáng người thế nào. Trông vừa có chất VN mà lại mang tính hội nhập.
Điều này tôi thay đổi, điều chỉnh không phải là tuỳ tiện. Nhìn vào lịch sử phát triển của Áo dài VN, nó luôn vận động theo từng thời đại khác nhau để phù hợp với thói quen sử dụng và thẩm mỹ thời đại. Từ áo dài tứ thân, áo dài ngũ thân, áo dài Le-mur, áo dài Lê Phổ đến áo dài Hip-pi, áo dài thổ cẩm, áo dài vẽ... Chính vì sự vận động đó mà áo dài vẫn còn đến bây giờ vẫn được mặc cho đến thế kỷ 21 này dù ở các nước xung quanh có các trang phục truyền thống như Hanbok của Hàn Quốc hay Ki-mô-no của Nhật đã ít được mặc hơn. Giá trị của áo dài là giữ truyền thống nhưng vận động theo từng thời đại khác nhau. Dường như chúng ta đã có giải pháp rồi, chỉ còn việc quyết định thế nào thôi.

Áo dài Sĩ Hoàng xuất hiện ở nhiều cuộc thi hoa hậu và các dịp lễ quan trọng
Trong số những nhà tạo mẫu được trình diễn nhiều nhất tại VN, NTK Sĩ Hoàng chọn hướng nghiên cứu áo dài từ năm 1989, trang phục truyền thống dân tộc. Tâm huyết với việc gắn bó với bản sắc trang phục VN, anh không ngừng cải tiến, ngắm lại nhiều lần, truyền thêm sức sống cho hình mẫu truyền thống qua đường cắt, sáng tạo những hoạ tiết mới, tưởng tượng nhiều cách phối hợp mới mẻ.
Anh là người thiết kế áo dài của phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, phu nhân nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, phu nhân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, phu nhân Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, phu nhân Thủ tướng Nga, Hoàng hậu Na-Uy, Nữ hoàng Đan Mạch, Hoàng hậu Thuỵ Điển, phu nhân của nhiều Đại sứ nước ngoài tại VN cùng nhiều chức trách cao cấp khác.
Sĩ Hoàng còn thiết kế áo dài cho trẻ em sử dụng các hình in từ truyện tranh thiếu nhi thực hiện bằng cách mô phỏng và đầy màu sắc. Bộ sưu tập áo dài của anh hiện đã đứng cạnh các bộ sưu tập thường xuyên được giới thiệu tại bảo tàng Quilts&Textiles de San José ở California (Mỹ), chứa đựng mong mỏi của người sáng tạo miệt mài làm sống lại và giới thiệu di sản văn hoá dân tộc mình.
Hạnh Phương