- "Bước chân vào cuộc thi, tôi bị choáng ngợp bởi sự xinh đẹp của các thí sinh. Có người được cả một đội quân hùng hậu hỗ trợ, được bố mẹ chăm sóc còn tôi thì thật đơn độc..." - Hoa hậu Trần Thị Quỳnh.

Chưa kể một cuộc thi quốc tế thì bạn đã từng so tài ở 4 cuộc thi nhan sắc trong nước (Siêu mẫu Việt Nam 2005, Hoa khôi Hải Phòng 2006, Hoa hậu Việt Nam 2006 và Hoa hậu Thể Thao 2007), với bạn hậu trường cuộc thi nào để lại ấn tượng nhất?

- Dù đã thi nhiều cuộc thi sắc đẹp, nhưng ấn tượng đậm sâu nhất với tôi là 2 cuộc thi Hoa hậu Viêt Nam 2006 và Hoa hậu Thể thao (HHTT) 2007. Khi tham dự Hoa hậu Việt Nam 2006, tôi giữ nguyên hình ảnh của một cô sinh viên năm thứ nhất rất ngây ngô và thật thà, đi thi mà chẳng có điều kiện sắm sửa nhiều, mọi thứ phục vụ cho cuộc thi đều tận dụng từ những trang phục vốn có.

Bước chân vào cuộc thi tôi bị choáng ngợp bởi sự xinh đẹp và chuẩn bị kỹ lưỡng của các thí sinh. Nhìn họ thật nổi bật. Vốn không có kinh nghiệm, kinh tế cũng có hạn lại không được hỗ trợ từ ai nên tôi phải lặn lội đội nắng từ trong đảo ra đất liền mua một số thứ cần thiết.

Trong cuộc thi, các thí sinh đều canh tranh và ganh đua nhau để giành chiến thắng. Nhìn những thí sinh được cả một đội quân hùng hậu hỗ trợ, được bố mẹ chăm sóc, còn mình thì thật đơn độc… Tôi lặng thầm tham gia để học hỏi thêm những kinh nghiệm, những bài học quý báu để giúp mình hoàn thiện hơn ở cuộc thi sau. Và quả thực, bằng những trải nghiệm đó,  may mắn đã mỉm cười và tôi thành công ở HHTT 2007.

Trước đêm tôi đăng quang, rất nhiều thí sinh yêu mến tôi đã nói: "Quỳnh rất xứng đáng để trở thành hoa hậu, chúc Quỳnh sẽ giành chiến thắng vào đêm mai nhé". Đúng là đêm sau, tôi đã chiến thắng. Cảm giác thật hạnh phúc khó tả và tôi không thể quên những tình cảm của các thí sinh dành cho mình.

Hoa hậu Trần Thị Quỳnh.
Có ý kiến cho rằng từ nhiều năm nay việc đi thi hoa hậu chỉ là cuộc so tài xem ai đẹp hơn mà thôi bởi phần ứng xử quyết định vốn tri thức chỉ "làm màu" bởi các thí sinh ứng cử viên luôn được ban tổ chức giới hạn thậm chí "mớm" cho câu hỏi từ trước. Là người trong cuộc bạn nói gì đây?

- Với cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2006 tôi không nằm trong top thí sinh sáng giá nên không có ý kiến. Còn ở HHTT, nó khác với nhiều cuộc thi nhan sắc khác ở chỗ tác phong, tinh thần, tài năng và tình yêu dành cho môn thể thao cũng là một trong những tiêu chí mà cuộc thi đưa ra.

Chúng tôi có 2 buổi thảo luận với các nhà nghiên cứu xã hội, nhà sử học về rất nhiều vấn đề xã hội, từ đó nhằm nâng cao kiến thức tổng quát cho các thí sinh khi ứng xử trước báo chí và tốt hơn khi ứng xử trong cuộc thi. Tôi nghĩ như vậy rất cần thiết, bởi các thí sinh đều ở tuổi đời rất trẻ, kinh nghiệm và kiến thức còn non nớt.

Trong cuộc thi HHTT, tôi được biết số điểm tổng về tài năng, hình thể của 2 thí sinh khác cao hơn mình chút xíu,. Nếu họ làm tốt phần ứng xử thì có lẽ vương miện đã thuộc về họ. Nhưng đến phần thi ứng xử, tôi đã trả lời bằng sự chân thành của mình và giành giải ứng xử hay nhất cộng với vương miện hoa hậu cuộc thi đó. Tôi nghĩ nếu biết trước câu hỏi có lẽ các khán giả đã không có cảm giác ngạc nhiên về phần ứng xử lúng túng của một người đẹp trong top 5 trong đêm chung kết.

Nhưng dư luận vẫn luôn hoài nghi về sự đổi chác, mua bán, dàn xếp trong các cuộc thi sắc đẹp. Khách quan mà nói, mọi cuộc giao thương đều phải diễn ra trên sự thuận mua vừa bán và quy luật cung cầu. Điều này có đúng trong các cuộc mua bán vương miện?

- Tin đồn vẫn là tin đồn! Thật sự những điều chị vừa nhắc đến tôi không hề biết. Tôi đã trải qua nhiều cuộc thi, những thành quả có được đều dựa vào khả năng, vẻ đẹp và sự cố gắng hết sức của mình. Đôi khi yếu tố may mắn cũng rất quan trọng góp phần giúp mình thành công và chiến thắng. Còn việc mua bán hay đổi chác đều không có tính xác thực. Vì các cuộc thi uy tín của Việt Nam đều có cả hội đồng ban giám khảo và hội đồng tư vấn, thẩm định...

Các cô gái đoạt danh hiệu cao đều là những người xứng đáng. Và thực tế chúng ta đã thấy, có những gương mặt đẹp mà không lọt vào top cao chỉ vì những nghi án học vấn, đạo đức, chỉnh sửa sắc đẹp trước đó... Nói tóm lại, các cuộc thi không thể đòi hỏi sự công bằng 100% theo đánh giá khách quan của khán giả được. Những ai chiến thắng ở danh hiệu cao là đều xứng đáng trong khuôn khổ của cuộc thi.


Đi làm giúp tôi nhận ra giá trị đích thực của đồng tiền

Chiếc vương miện hoa hậu đã thay đổi cuộc đời bạn khiến bạn trở thành người của công chúng. Nhưng thay vì nắm bắt cơ hội để tỏa sáng, kiếm tiền, bạn lại rút lui khỏi thế giới hào nhoáng của showbiz, chú tâm vào việc học rồi xin vào một cơ quan làm một nhân viên bình thường. Có khi nào bạn hối tiếc vì sau khi đăng quang nếu lên Hà Nội hoặc vào Sài Gòn lập nghiệp luôn thì biết đâu bây giờ bạn cũng nằm trong Top 5 hoa hậu nổi tiếng?

- Tôi nghĩ rằng những gì đã diễn ra trong quá khứ thì không nên hối tiếc. 20 tuổi tôi đăng quang và quyết định đi học trở lại. Về với giảng đường giúp tôi được tận hưởng trọn vẹn cuộc sống của một sinh viên. Việc đi làm giúp tôi nhận ra giá trị đích thực của đồng tiền cần phải bỏ chất xám và lòng đam mê ra sao...

Một người bạn từng nói với tôi rằng trong cuộc sống phải biết hài lòng với những gì mình đang có. Vật chất không biết thế nào là đủ, hôm nay kiếm được nhiều tiền, ngày mai muốn kiếm được nhiều hơn nữa. Không nên sốt ruột với sự giàu có của người khác. Càng ngày tôi càng nghiệm ra lời bạn nói đúng. Mỗi người một số phận và tôi đang sống đường hoàng với số phận của tôi.

Người ta luôn nói nhiều đến vai trò của người đẹp sau khi đăng quang như trách nhiệm gìn giữ hình ảnh của cá nhân và trách nhiệm chung với cộng đồng. Thực tế cho thấy giới showbiz đang tồn tại một bộ phận những người đẹp vì nhiều lý do đã để hình ảnh của mình trở nên méo mó, dị dạng. Trên thế giới cũng đã có hoa hậu, á hậu từng bị tước vương miện vì những bê bối trong cuộc sống riêng. Theo bạn, ở Việt Nam có cần đến những biện pháp mạnh tay như vậy để buộc các hoa hậu có trách nhiệm hơn với danh hiệu của mình?

- Các cô gái chiến thắng đều ở tuổi đời còn rất trẻ. Nếu họ chưa có một nền tảng vững chắc về học vấn, văn hóa, cách ứng xử, rất dễ bị "ngợp" trước những gì vương miện mang lại và chạy theo cuộc sống phù phiếm... Tôi được biết nhiều quốc gia trên thế giới họ có hẳn một tổ chức, đơn vị đứng ra quản lý người đoạt giải trong nhiệm kỳ đó. Còn ở Việt Nam thì gần như chưa có hoặc có thì cũng thiếu sự liên kết giữa người đoạt giải và đơn vị tổ chức. Điều này quả đáng tiếc và ít nhiều thiệt thòi cho người đoạt giải.

Nhiều người cho rằng việc các người đẹp chọn cách sống an toàn sau khi đăng quang cũng là có lỗi với công chúng, là không làm tròn trách nhiệm của một hoa hậu. Có cảm giác con người đời thực của bạn rất lặng lẽ. Phải chăng bạn "lười biếng" hoạt động dưới góc độ là một Hoa hậu?

- Sau đăng quang, tôi cũng tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Tuy nhiên do công việc khá bận, thời gian 1 ngày chủ yếu là dành cho công việc nên cũng ít tham gia các hoạt động văn hóa. Sau này, tôi nhận ra rằng, đạt vương miện hoa hậu cao quý cũng có phần rất lớn ở sự yêu mến của công chúng. Thời gian tới, tôi sẽ tích cực tham gia nhiều hoạt động hơn với hình ảnh một người phụ nữ thật năng động và tươi mới.

Làm hoa hậu đã khó, làm vợ còn khó hơn, bạn có nghĩ như vậy không?

- Mỗi việc có cái khó riêng. Nhưng khi làm vợ, ngoài tình yêu với người bạn đời của mình còn đòi hỏi cả một nghệ thuật ứng xử với nhau nữa. Một người vợ hiểu được chồng mình thích gì, ghét gì, hiểu được những lúc chồng muốn tâm sự, trò chuyện hay lúc chồng mình cần yên tĩnh thì quả là không dễ chút nào. Nhưng khi đã hiểu được người đàn ông của mình thì mọi thứ thật nhẹ nhàng. Bên cạnh đó người đàn ông rất cần một tay hòm chìa khóa vững chắc và thật khéo léo nên tôi cũng rèn luyện đươc khá nhiều những điều cần thiết cho cuộc sống khi làm vợ.

Cuộc sống hiện tại của bạn có được coi là hạnh phúc?

- Hiện tại tôi đang cảm thấy hạnh phúc. Gia đình sống vui vẻ và hạnh phúc bên nhau. Mỗi khi đi xa, mọi người thường nhớ và mong về bên nhau.

- Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!

Sơn Hà