- Có rất nhiều lý do khiến các đoàn kịch phía Nam "ngại" liên hoan nhưng tựu chung tất cả cũng chỉ vì... tiền.

Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc là sân chơi 3 năm mới được tổ chức 1 lần. Lẽ thường người làm nghề phải rất hào hứng tham gia. Và đã là "hội hè" thì phải rất vui nhưng điều ngược đời là dường như niềm vui ấy chỉ có ở những sân khấu kịch phía Bắc, nơi sân khấu kịch "đìu hiu" một cách đáng sợ. Còn phía Nam, nơi kịch đang sống thực sự trong đời sống công chúng, lại có hàng trăm thứ phải tính toán để có được 2 tuần "vui vẻ".

Các sân khấu kịch Nhà nước (chủ yếu ở phía Bắc) được bao cấp hầu như toàn bộ từ kinh phí dựng vở, đến kinh phí đi lại để tham gia hội diễn. Hơn nữa, kịch phía Bắc đang đìu hiu, diễn viên kịch hầu như chẳng có có cơ hội đi diễn thì cơ hội tham gia hội diễn quả đáng mừng. Nhưng những người làm kịch phía Nam lại thấy tham gia Liên hoan là "thiệt đơn thiệt kép".

NSƯT Mỹ Uyên (Phó giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ): Việc học hỏi chẳng cần phải đợi tới Liên hoan


NSƯT Mỹ Uyên, Phó giám đốc Nhà hát kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần cho biết ban đầu kịch sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần định không tham gia liên hoan nhưng nghĩ đi nghĩ lại đành tham gia vì màu cờ sắc áo. Quyết định tham gia là quyết định "vay nợ" bởi Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ cấp kinh phí cho mỗi vở diễn vài chục triệu đồng. Trong khi đó, nếu tham gia liên hoan chi phí mỗi vở phải tốn gấp 3 lần số tiền được cấp.

Thêm vào đó, dự liên hoan là cơ hội để những người làm nghề ngồi lại để tìm hướng mở ra cho sân khấu ngày càng phát triển thì việc... ngồi lại là không có vì diễn xong đoàn nào đoàn đó nhanh chóng ra về vì kinh phí eo hẹp. Việc học hỏi ở liên hoan là hầu như không có, bởi theo NSƯT Mỹ Uyên, kịch Bắc và kịch Nam vốn có phong cách phục vụ khán giả khác nhau, nhu cầu của khán giả Bắc, Nam cũng khác nhau và ngay cả các đoàn kịch trong Nam cũng không đoàn nào giống đoàn nào. Có học hỏi chăng chỉ là học kinh nghiệm diễn xuất, mà cái này các nghệ sĩ tự truyền cho nhau được chứ chẳng cần tới liên hoan.

Nghệ sĩ Huỳnh Anh Tuấn (Giám đốc sân khấu kịch IDECAF): Thiệt đơn thiệt kép!

Nghệ sĩ Thành Lộc và gương mặt quen thuộc trên sân khấu IDECAF

Ông Tuấn cho hay sân khấu kịch IDÉCAF không tham gia liên hoan lần này. Ông Tuấn cho biết nghe chủ chương từ trên Cục là hỗ trợ 50 triệu đồng để các đoàn dựng vở nhưng để dựng được 1 vở thì phải bỏ thêm tiền túi rất nhiều. Hơn nữa một bộ cảnh trí chi phí 100 triệu đồng, bỏ lên xe chở đi thi dễ bị hư hỏng nên lại phải tốn cả đống tiền nữa để sửa chữa. Do vậy chỉ thiệt đơn thiệt kép. Thêm vào đó, theo ông Tuấn mỗi kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chỉ là dịp làm dày thêm những bộ sưu tập HCV, HCB cho nghệ sĩ để sau này còn xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Ông Tuấn quan niệm cứ phục vụ khán giả (nguồn sống của các sân khấu kịch tư nhân) là tốt lắm rồi, không cần thi thố mặc dù không đi thi thì không có huy chương điều này rất thiệt thòi cho anh em nghệ sĩ nhưng đành phải chịu.

NSND Hồng Vân (Giám đốc sân khấu kịch Phú Nhuận): Ăn không dám, ở không dám thì học hỏi gì?


NSND Hồng Vân, Giám đốc sân khấu kịch Phú Nhuận cho biết liên hoan lần trước tổ chức ở TP.HCM anh em nghệ sĩ rất hào hứng tham gia, tự nhiên lần này lại tổ chức ở Huế, về mặt tài chính và tinh thần đều cần phải tính toán lại. Vì nếu tổ chức ở Hà Nội hay TP.HCM (hai thành phố này phát triển về kịch nói hơn hẳn) thì sân khấu có sẵn. Số tiền Nhà nước hỗ trợ cho các đoàn kịch ra Bắc hay vào Nam sẽ tăng hơn vì không phải lo chi phí nhiều tới sân khấu. Hơn nữa, chị cũng băn khoăn: Tổ chức ở Huế liệu khán giả có đón nhận không, khán giả có mua vé xem không?
 
 Cục Nghệ thuật Biểu diễn khẳng định Liên hoan Sân khấu Kịch chuyên nghiệp toàn quốc là dịp để các đơn vị nghệ thuật kịch nói, các nghệ sĩ giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm, phát hiện những tìm tòi mới trong lao động sáng tạo nghệ thuật nhưng NSƯT Hồng Vân lại nghĩ khác. Bà bầu sân khấu nổi tiếng mát tay này cho rằng muốn học hỏi thì tinh thần lạc quan, điều kiện vật chất thoải mái. Còn ăn không dám ăn, ở không dám ở mà học hỏi cái gì? Chính bởi khó khăn về kinh tế nên các đoàn kịch trong Nam ngại dự liên hoan. Hồng Vân cho biết chị có cảm giác như liên hoan sân khấu lần này chỉ là liveshow của Kịch Bắc.

NSƯT Đỗ Kỷ - Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn (đơn vị tổ chức liên hoan) có 2 lý do mà Cục chọn Huế là nơi diễn ra liên hoan: "Thứ nhất, Liên hoan là hoạt động nghệ thuật trong khuôn khổ Chương trình năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012. Thứ hai, vẫn biết là Hà Nội và TP.HCM là nơi mà kịch nói hiện đang hoạt động tốt nhưng vì muốn đẩy mạnh loại hình nghệ thuật này vào miền Trung nên Cục mới chủ chương như vậy".
Lê Tình